Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh mới

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đòi hỏi Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Đồng thời, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao.

Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Kế hoạch đưa ra sáu nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, Kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Kế hoạch cũng đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Theo đánh giá, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, do Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước  có 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra không hoàn thành, cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu để ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, Chính phủ có tờ trình đánh giá Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai. Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, ổn định vĩ mô được đảm bảo tốt; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Cũng theo đánh giá của tờ trình, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm; các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế còn hạn chế như cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch đề ra.

Hiệu quả đầu tư công chưa cao; giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; Thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn...

Bắc Hà