Tấn công Huawei, Mỹ chắc thắng mấy phần?

Nhà Trắng đang tỏ ra khá tự tin với chiến lược tấn công Huawei và ngành công nghệ của Trung Quốc, nhưng Mỹ hiện đang bị cho là không có một chiến lược 5G rõ ràng.

Trong cuộc chạy đua mạng 5G với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump không muốn Mỹ đứng ở vị trí thứ hai. Tuần trước, khi đưa ra các sáng kiến để tăng tốc độ triển khai các mạng không dây mới trên khắp đất nước, Tổng thống Trump đã tái khẳng định tham vọng, “trong cuộc đua 5G, Mỹ phải giành chiến thắng”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia có vẻ không tin tưởng vào điều đó, họ cho rằng, Mỹ hiện vẫn đang thiếu một chiến lược 5G rõ ràng, để vượt trên cuộc tấn công Huawei - người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc và cũng đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Nhận định về vấn đề này, nói với CNBC mới đâycựu quan chức tình báo Anh, đồng thời là Cố vấn cao cấp tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế - Nigel Inkster cho rằng, Mỹ đã phản ứng một cách bị động. Trước tiên, họ đã không có một chiến lược rõ ràng ngay từ đầu. Chiến lược liên quan đến 5G của Washington chỉ mới thực sự xuất hiện gần đây. Trước đó, trong các tranh luận hay định hình thách thức từ Trung Quốc và Huawei thường chỉ liên quan đến vấn đề gián điệp.

5G được thiết kế để mang lại tốc độ nhanh hơn và thời gian trễ thấp hơn so với các mạng không dây thế hệ trước như 4G và 3G. Người ta đang nói nhiều đến việc cuộc cách mạng công nghệ này sẽ cung cấp những chuẩn mới về tốc độ, cũng như khả năng phục vụ người dùng, tuy nhiên, công nghệ 5G hứa hẹn mang tới những tiện ích quan trọng hơn. Đây sẽ là một công cụ có khả năng thay đổi các công nghệ mới, tiềm năng như xe không người lái hoặc phẫu thuật từ xa yêu cầu kết nối internet nhanh chóng và đáng tin cậy.

Trong bài phát biểu hồi tuần trước, ông Trump nhấn mạnh rằng, khu vực tư nhân cần dẫn đầu trong việc xây dựng mạng lưới 5G trên khắp nước Mỹ. Các nhà khai thác di động Mỹ trong đó có Verizon và AT&T đã bắt đầu triển khai các mạng tại các thành phố được chọn, nhưng cho đến nay, thành công vẫn còn khá hạn chế. Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận khá tập trung vào 5G, bơm đầu tư vào công nghệ như một sáng kiến từ Chính phủ.

Các quan chức Mỹ khá cứng rắn khi nói rằng, các doanh nghiệp của Trung Quốc như Huawei sẽ không được phép xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng, như hệ thống thiết bị và phần mềm mạng vô tuyến, cho phép 5G. Họ cảnh báo rằng, thiết bị của Huawei có thể tạo ra một “cửa hậu” để Bắc Kinh có thể do thám các mạng của Mỹ - một tuyên bố mà Huawei đã nhiều lần phủ nhận.

Các chuyên gia tình báo hoài nghi về sự đảm bảo của Huawei. Họ cho rằng, đó không chỉ là rủi ro bảo mật, mà Bắc Kinh dường như đã yêu cầu các doanh nghiệp của mình phải hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin tình báo.

Anthony Glees, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Tình báo tại Đại học Buckingham, 5G là một mục tiêu lớn của Trung Quốc trong tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ. Theo vị chuyên gia này, Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ 5G như một thứ “vũ khí”.

“Họ tìm cách tối đa hóa các cơ hội mà họ có để mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới và củng cố vị thế, cũng như quyền lực toàn cầu của họ”, ông Glees đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC hôm thứ Năm.

Washington đã tìm mọi cách đáp trả Bắc Kinh bằng một chiến dịch ráo riết ngăn chặn Huawei ngay ở cửa biên giới. Không chỉ có vậy, họ còn vận động các đồng minh truyền thống chống lại khả năng lan rộng của Huawei. Australia đã “cấm cửa” người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc cung cấp thiết bị 5G, Nhật Bản cũng đã làm như vậy, còn các nước ở châu Âu đang đánh giá các mối đe dọa an ninh có thể xảy ra.

Dù có như vậy thì Trung Quốc vẫn đã có một khởi đầu mạnh mẽ trong cuộc đua 5G.

Và Mỹ thì vẫn đang cố gắng vượt qua Trung Quốc để dẫn đầu.