Ngay sau buổi làm việc với Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan để đánh giá lại toàn bộ những tác động của dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu... Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị khẩn số 05/CT-BT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong Bộ về các nhiệm vụ: Phát triển xuất khẩu; Tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất; Thiết bị, vật tư y tế để chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu đã được giao.

Phát triển xuất khẩu

Đối với nhiệm vụ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Cục Xuất nhập khẩu chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.

Phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng... những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo từng quý và có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này. Bộ trưởng yêu cầu, Cục Xuất nhập khẩu phải có báo cáo trước ngày 10/3/2020.

Phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.

Tăng cường xuất khẩu
Bộ Công Thương đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để phát triển xuất khẩu

Đối với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ trưởng giao Vụ chủ trì, chỉ đạo các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, các khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại.

Nghiên cứu, đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Rà soát các quy định tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Cuba, đề xuất các biện pháp tiếp cận và cơ chế đàm phán đối với từng thị trường cụ thể.

Trên cơ sở nội dung nêu trên, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu đối với khu vực thị trường phụ trách (trong đó nêu rõ từng thị trường cụ thể). Báo cáo Bộ trưởng và gửi Cục Xuất nhập khẩu tổng hợp trước ngày 5/3/2020.

Đối với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, người đứng đầu ngành Công Thương giao Vụ chủ trì, chỉ đạo các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, các khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại.

Theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên liên quan đến tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất, thương mại tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản.

Rà soát, đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu sang các nước có Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia ký kết trong khu vực thị trường phụ trách. Từ đó, đề xuất các thị trường có thể tăng cường xuất khẩu, những khó khăn cần tháo gỡ và các biện pháp tiếp tục tận dụng khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định để bù đắp sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của quý I/2020.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đàm phán mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản.

Trên cơ sở nội dung nêu trên, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu đối với khu vực thị trường phụ trách (trong đó nêu rõ từng thị trường cụ thể). Báo cáo Bộ trưởng và gửi Cục Xuất nhập khẩu tổng hợp trước ngày 5/3/2020.

Đối với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ trưởng yêu cầu, Cục Xúc tiến thương mại chủ trì rà soát Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; cân đối nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông, thủy sản đối với các thị trường thay thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất

Bộ trưởng giao Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất đồng chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, hóa chất... để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Báo cáo Bộ trưởng và gửi các đơn vị trước ngày 5/3/2020.

Nghiên cứu đề xuất các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường.

Đối với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ trưởng yêu cầu, các Vụ chỉ đạo Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...

Ngành da giầy
Bộ Trưởng đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn

Đồng thời, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.

Trên cơ sở thông tin của các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ, tổng hợp chung tình hình nguồn cung nguyên vật liệu cho các ngành nêu trên, gửi lại Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Kế hoạch.

Đối với Cục Xúc tiến thương mại, ở nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Cục phải nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu là đầu mối tổng hợp các thông tin về tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kịp thời cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Thiết bị, vật tư y tế

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đồng chỉ đạo các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp có khả năng cung cấp thiết bị, vật tư y tế, gửi Cục Xuất nhập khẩu và Cục Công nghiệp để gửi Bộ Y tế thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập thiết bị, vật tư y tế trong việc kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng cung cấp.

Thiết bị y tế
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập thiết bị, vật tư y tế

Tìm kiếm thông tin về đối tác nước ngoài đang nghiên cứu, thử nghiệm các vật liệu mới trong sản xuất thiết bị, vật tư y tế; tổng hợp thông tin gửi Cục Công nghiệp và Cục Xuất nhập khẩu để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu khả năng thay thế các loại vật liệu hiện đang dùng.

Kế đó, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục là đầu mối tổng hợp các thông tin về nguồn thiết bị, vật tư y tế nhập khẩu, cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, Bộ trường Trần Tuấn Anh còn đề nghị, thủ trưởng các đơn vị phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục.

Đồng thời phải chủ động triển khai thực hiện hoặc đề xuất kịp thời với Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp mới nhằm ứng phó có hiệu quả với Covid-19.

Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối tổng hợp, thường xuyên báo cáo Bộ trưởng, các Thứ trưởng và gửi Lãnh đạo các Đơn vị liên quan thuộc Bộ về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này để thống nhất chỉ đạo và triển khai thực hiện.