Tăng năng suất: Nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Cải thiện năng suất là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018, Hội thảo “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” đã được tổ chức nhằm đánh giá về điểm tắc nghẽn trong tăng trưởng và Bản đồ năng suất Việt Nam.

Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp cụ thể giúp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế sản xuất tiềm năng và nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, việc thúc đẩy tăng năng suất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn mới và các năm tiếp theo.

Tăng năng suất là yếu tố chính để tăng sức canh tảnh của các ngành công nghiệp của Việt Nam

Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Năng suất lao động của Việt Nam hiện chỉ tương đương 7% của Sinpore và tương đương 17,6% của Malaysia, 36% của Thái Lan và 87% của Lào,

Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, có cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, nhưng Việt Nam chưa tận dụng được những lợi thế đó.

Do vậy, để cải thiện năng suất, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trước hết phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ.

Không chỉ nâng cao năng suất cho người lao động mà còn phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng suất vốn. Quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp - TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất đó chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Cùng quan điểm, ông Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng khẳng định: “Tăng năng suất là yếu tố chính để tăng sức canh tảnh của các ngành công nghiệp của Việt Nam”.

Có thể thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội lẫn thách thức cho đột phá năng suất dựa trên sáng tạo và công nghệ. Để tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam cần xác định được chiến lược thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong trung và dài hạn.

Ông ví dụ, Thaco Trường Hải đã chú trọng tăng năng suất lao động, các giám đốc doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm. Phong trào tăng năng suất đã được nhận thức trên toàn cộng đồng người Việt, để thúc đẩy phát triển xu hướng này, đây chính là thời điểm thích hợp để đưa ra những sáng kiến cho tăng năng suất.

Đặc biệt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam không chỉ chú trọng tăng năng năng suất khu vực tư nhân mà cần phải nâng cao năng suất của Chính phủ Việt Nam.

“Bằng cách phối hợp và cải cách các chính sách, thủ tục hành chính, nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh từng bước nâng cao năng suất lao động của Việt Nam”, ông Umeda Kunio khẳng định.

Cũng theo ông Umeda Kunio, để tránh bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ Việt Nam cần khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức của toàn dân về việc tăng năng suất lao động và đưa ra giải pháp cụ thể. Tổ chức Jica Nhật Bản đã tổ chức nhiều lớp về bài giảng về nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam. Đã có hơn 400 giám đốc các công ty sản xuất của Việt Nam tham gia các khoá học của Jica và áp dụng vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến hơn 100.000 thực tập sinh, kỹ sư của Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản trong lĩnh vực cải tiến khoa học công nghệ. “Lực lượng lao động này có kiến thức, kinh nghiệm cao. Khi họ trở về Việt Nam, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để họ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ việc cải tiến công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động”, vị đại diện này cho biết.

Trong khuôn khổ Chương trình, phiên Hội thảo chuyên đề về cải thiện minh bạch và chất lượng thông tin tài chính doanh nghiệp cũng sẽ được tổ chức tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 lần 2. Đây là nội dung được quan tâm nhằm giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội áp dụng công nghệ quản lý dữ liệu lớn nhắm cải thiện quản trị rủi ro tín dụng cho doanh nghiệp.

Hoàng Hòa