Sản xuất công nghiệp đang trong thời kỳ phục hồi

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng 11,9% so với tháng trước; IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước). Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng 10 điểm trong tháng 5 đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục 32,7 điểm của tháng 4.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,1%; quý II tăng 0,74%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96% (quý I tăng 7,12%; quý II tăng 3,20%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,4% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,35 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

 

sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng 11,9% so với tháng trước

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước. Trong đó ngành khai khoáng giảm 3,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành chế biến, chế tạo tăng 4,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%; riêng ngành khai khoáng đã giảm 7,9%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 16,36%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,5%; sản xuất đồ uống giảm 8,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 5,3%; sản xuất trang phục giảm 4,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 2,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 2,3%; sản xuất kim loại giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 2,1%; dệt tăng 2,8%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành: sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 15%; khai thác quặng kim loại tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 7,2%; khai thác than cứng và than non tăng 4,9%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%)... Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2020 tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%)...

sản xuất công nghiệp
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước

Loạt biện pháp thúc đẩy các giải pháp tái cơ cấu công nghiệp

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Bộ đã ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đến nay, quá trình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản đã chuyển sang một giai đoạn mới.

Trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ, ngày 03 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn mới chống dịch Covid-19 kèm theo Quyết định số 1457/QĐ-BCT để triển khai thực hiện; đồng thời triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy loạt biện pháp nhằm lấy lại đà tăng trưởng của sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án ngành điện, nhất là các dự án trọng điểm cấp bách nhằm giải quyết vướng mắc cho các dự án như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2; đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các dự án có tiến độ triển khai rất chậm, trì trệ, làm ảnh hưởng đến cung ứng điện, đã xử lý chuyển chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Đối với các địa phương, sẽ thực hiện phối hợp phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

công nghiệp hỗ trợ
Thúc đẩy cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu

Đặc biệt, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Trong đó, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định này./.