p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Tốc độ tăng trưởng quý đột biến

Số liệu của Tổng Cục Thống kê đưa ra tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây, đặc biệt là bước tiến mạnh mẽ so với mức tăng 5,15% của năm 2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,34%, giảm so với năm ngoái 0,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,26%, tăng so với năm 2017 là 1,12%; khu vực dịch vụ chiếm 43,77% giảm so với năm trước 0,15%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,63% và giảm so với năm trước 0,12%. Có thể thấy nền kinh tế đang từng bước chuyển dịch đúng theo định hướng tái cơ cấu của Chính phủ đề ra.

Lãnh đạo Tổng Cục thống kê nhận định, 7,38% có thể cao hơn hẳn mức tăng trưởng quý I của các năm trước, nhưng hoàn toàn có cơ sở và dựa trên thực tế. khi từ tháng 1-2/2018, nhiều chỉ số tăng trưởng của các ngành đã rất tích cực, có diễn biến tốt.

Một số động lực tăng trưởng lớn cho quý I có thể thấy là đóng góp của ngành công nghiệp với mức tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) với mức tăng 13,56% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng quý I năm nay đã đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau hai năm liên tục giảm, đóng góp 0,03 điểm phần trăm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế quý I/2018 với mức tăng trưởng 13,56% cao nhất trong 7 năm gần đây

Cùng với đó, ngành nông nghiệp lần đầu tiên đã tăng trưởng quay trở lại sau nhiều năm, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011-2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.

Đặc biệt, ngành du lịch có mức tăng trưởng 30,9%, khách quốc tế đến nước ta trong quý I ước tính đạt 4.205,4 nghìn lượt người, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.365,7 nghìn lượt người, tăng 27,9%; đến bằng đường bộ đạt 719,9 nghìn lượt người, tăng 53,6%; đến bằng đường biển đạt 119,8 nghìn lượt người, tăng 6,9%. Ngành du lịch tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng bởi nó đóng góp trực tiếp và lan toả lớn tới cả các ngành kinh tế như giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông,…, góp phần thúc đẩy nền kinh tế chung tăng trưởng.

Tổng Cục Thống kế cũng cho rằng, đời sống dân cư đang được cải thiện rất nhiều, kéo theo tiêu dùng dân cư tăng trưởng tốt và tình hình sử dụng điện quý I/2018 cũng tăng cao. Theo báo cáo có 30 tỉnh, thành phố nhận định đời sống dân cư đang cải thiện, 31 tỉnh thành dân cư có đời sống ổn định và chỉ 2 tỉnh cho rằng đời sống dân cư có xu hướng giảm nhẹ.

Song song với đó, xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ vững thế mạnh xuất khẩu với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD, tăng 23,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại chung quý I/2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD,trong đókhu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD, góp phần lớn vào tăng trưởng GDP quý I/2018.

Tăng trưởng chung 2018 vẫn còn nhiều thách thức

Trả lời báo chí về mục tiêu tăng trưởng năm 2018 đạt 6,7% của Chính phủ, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, tuy rằng quý I đã thấy kết quả vô cùng đáng mừng, nhưng không nên lầm tưởng và chủ quan, bởi bức tranh kinh tế Việt Nam 2018 sẽ khác nhiều so với các năm trước đó.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định kịch bản tăng trưởng của năm 2018 sẽ khác xu hướng chung của những năm gần đây

Trong nhiều năm gần đây, tăng trưởng GDP đều phục hồi qua từng quý, quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước. Năm 2017, quý I và quý II khiến nhiều người lo ngại bởi bức tranh kinh tế quá ảm đạm, nhưng đến quý III và quý IV đã vươn lên mạnh mẽ để kéo mức tăng trưởng GDP cả năm lên 6,81%.

Tuy nhiên, năm 2018, Tổng Cục Thống kê dự báo kịch bản tăng trưởng sẽ không còn việc quý sau cao hơn quý trước nữa, tức việc quý I tăng 7,38% không hề đảm bảo các quý II-III-IV của năm nay GDP sẽ vượt qua con số này. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2018 sẽ còn nhiều thách thức và không hề đơn giản nếu không có những giải pháp và động lực thúc đẩy đặc biệt cho nền kinh tế.

Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp vẫn là bài toán đặt ra chưa có lời giải cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế mà Chính phủ hướng đến. Cùng với đó, lạmphát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đã đặt ra.

Những ngành thế mạnh đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng như công nghiệp CBCT và xuất khẩu hàng hoá sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi những tháng cuối năm khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước trong bối cảnh gặp nhiều rào cản về công nghệ cũng như các biện pháp bảo hộ thị trường ở một số nước. Thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Để giải quyết những thách thức ấy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô thông qua điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và kỷ luật tài chính, cần tập trung thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2018, trong đó tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu hợp lý và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp CBCT, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch.

Để góp phần duy trì tăng trưởng của công nghiệp CBCT, cần khuyến khích nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực cũng như kịp thời nắm bắt thông tin, chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường của các nước để có giải pháp tháo gỡ.

Tổng Cục Thống kê khẳng định, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và nền kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, năm 2018 đòi hỏi Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp sẽ cần phải chung tay nỗ lực kiên quyết và hành động đồng bộ để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.