Tất tần tật về… nói nhịu

Cứ mỗi năm đến mùa vải chín lại nhớ cái clip thần thánh về chị bán vải bị nói nhịu dậy sóng cộng đồng mạng năm nào. Bớt cười xong lại nghĩ: Không hiểu sao lại có thứ bệnh kỳ lạ đến thế?

Chị bán vải rất vui tính, thật thà. Chị mời khách ăn vải, giá có 20 nghìn một cân vải. Chị bảo vải sắp hết mùa rồi, mua cất vào tủ lạnh mà ăn dần rồi kẻo lúc thèm không có mà ăn. Nhưng chị bị nhịu, nhịu đúng từ nhạy cảm. Cứ vải là thành cái ấy. Thế là mỗi lời chị nói như một cái thọc nách người nghe, chị càng mồm năm miệng mười liến thoắng thì khách càng bò lăn bò càng ra cười. Họ mua cho chị nhưng cũng làm chị phải thốt lên “đã biết người ta bị bệnh rồi còn cứ trêu”. Cái clip đưa lên mạng làm chị thành người nổi tiếng. Và người hay nghĩ ngợi thì cười xong lại tự hỏi: Sao lại có thứ bệnh lạ thế?

Đây là một hiện tượng khá thú vị, liên quan đến chức năng xử lý ngôn ngữ của não. Có cảm giác cái này liên quan gì đó đến từ vựng hoặc xuất phát từ tiềm thức, đặc biệt là với người nói nhịu chuyên mắc phải những từ khá nhạy cảm.

Như vậy thì có vẻ không giống với mặc định bị nhịu do “đẻ không kiêng” bấy lâu nay. Nhưng có cái lạ là hầu như chỉ có phụ nữ bị nhịu thôi, còn nam giới thì chưa thấy hoặc có nhưng ít, và rơi vào nhóm có “nguy cơ cao” do làm nghề dẫn chương trình. Dù sao thì điều này cho thấy nói nhịu không phải là độc quyền của phụ nữ, nhưng cũng có thể do nam giới ít nói hơn nên ít bị lộ tẩy?

Khu vực Khâm Thiên xưa có bà bán đậu đi rong bị nhịu giống hệt chị bán vải. Cứ đậu thì nói thành cái ấy, bà trở thành trò giải trí một thời của bọn trẻ trai thời đó. Họ quái ác lắm, cứ trêu bà để bà nói bằng được ra cái từ ấy rồi ôm nhau cười lăn cười bò. Khổ, mà bán hàng thì phải mời phải chào chứ, mà cứ mời chào là khách lại mắt tròn mắt dẹt, đến nỗi có người nghiêm túc còn bấm giờ bà đi bán hàng qua ngõ để nhốt trẻ con vào phòng không cho nghe nói bậy. Cái chứng bệnh nó liên quan đến chức năng xử lý ngôn ngữ nên càng xúc động, càng bối rối, càng bị hỏi dồn dập lại càng cuống, mà càng cuống lại càng không thể tránh nói nhịu được. Cười xong nghĩ lại vừa thấy thương lại thấy lạ…

Đó là các bà bán hàng, tạm coi là “bệnh nghề nghiệp”. Nhưng còn rất nhiều trường hợp khác. Sau khi sinh con gái đầu lòng, chị Thương nói nhịu “thành thần”. Cát Bà là điểm du lịch gia đình chị định đi vào đợt hè tới, ấy thế mà cứ khi nào chị nhắc tới địa danh đó lại bị nhầm thành “Bát Cà”. Là một cô giáo dạy Địa lý cấp 2, từ "ngụ cư" là từ được chị dùng khá phổ biến. Thế nhưng từ đó giờ toàn được chị “biến tấu” thành “ngự cu”. Cứ khi nào đang dạy mà trò cười khúc khích là chị biết ngay mình bị “bé cái nhầm”. Liên quan đến “ngụ cư” thì ai cũng buồn cười và cảm thông với nghệ sĩ Diệu Thuần trong một lần lên trao giải Cánh diều vàng đã đọc phim “Đảo của dân ngụ cư” thành “Đảo của dân ngự cu” và ngay sau đó ai cũng biết chị phát hiện ra mình đã nhịu bởi chị kêu lên “ối chết rồi”. Nghe nói nghệ sĩ cũng bị sốc trong một thời gian.

Nói tới chuyện bị nhịu từ nhạy cảm thì hóa ra không chỉ nhịu tiếng Việt mà còn cả tiếng nước ngoài, và không chỉ bà nông dân, chị bán vải, cô bán đậu mà cả nhân viên văn phòng, chuyên viên dự án… cũng bị. Đó là trường hợp một chị làm việc cho tổ chức phi chính phủ về HIV/AIDS bị nhịu gì không nhịu lại bị nhịu đúng từ “condom” – bao cao su do một ngày chị phải gặp không biết bao nhiêu lần từ này. Ngoài chồng chị, những người trong gia đình không ai biết tiếng Anh nên khi nhịu từ này lúc đó chỉ có hai vợ chồng rũ rượi cười với nhau.

Nhưng ở cơ quan chị lại khác, cứ khi nào cả phòng Dự án cười như pháo rang là quả nhiên “bà Hoa béo nói nhịu”. Lúc thì tìm khẩu trang trong túi xách, chị bảo: “Thôi chết! Quên mang... condom rồi!'’, lúc thì “Đeo condom đỡ bụi hơn, thiếu khó chịu bỏ xừ, bắt chồng đeo đấy thế nhưng lão ấy ngại”… Thế là thôi, tất cả chừng ấy con người, già trẻ lớn bé gái trai cứ bò ra bàn ra sàn nhà mà cười...

Ngẫm kỹ, nói nhịu kiểu các bà già, các chị buôn gánh bán bưng ở các làng quê rất có thể là do “đẻ không kiêng” thật vì điều kiện sống thiếu thốn, phụ nữ phải lao động sớm sau khi sinh nở và luôn phải bận mọn mưu sinh. Tục - thanh lẫn lộn có gì đó giống như trong các chuyện cười của Ba Giai, Tú Xuất, hay trong các tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương… Nhìn góc độ nào đó hiện tượng “khó khắc phục” này giống như chuyện cười dân gian mà người dân dựng lên để được cười cho đời sống lao động bớt nhọc nhằn hơn.  

Nhưng với kiểu nhịu của các anh chị nghệ sĩ, của giới văn phòng, của các bà mẹ bỉm sữa… thì phần lớn là do… mồm nhanh hơn não. Nói chậm lại, nghĩ kỹ trước khi nói và bớt đọc, bớt buôn những chuyện xàm xí, tự nghiêm khắc với mình hơn có lẽ sẽ cải thiện được nhiều.

Thuy miny