Đa dạng hàng hóa nguồn cung hàng hóa

 

Ngày 10/2, Bộ Công Thương đã có báo cáo tổng hợp tình hình thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo báo cáo, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết nhìn chung khá sôi động, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng  để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống.

Với sự phát triển của đời sống và khoa học công nghệ, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà...  nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh với các thương hiệu như UCA mart, Home food, Big Green, Bác Tôm, Clever fruit, Luôn tươi sạch... cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp...  Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền.  

Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngoài Kiên Giang là địa phương luôn dành một phần ngân sách tỉnh để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn đưa hàng ra các xã đảo và các xã vùng sâu, biên giới, các địa phương khác như Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn. Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn chỉ tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Thị trường, giá cả ổn định

 

Ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2 Tết, sau thời gian nghỉ, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận Tết, một số mặt hàng như thủy sản, rau xanh, hoa tươi tương đương so với những ngày cận Tết. Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.

tet
Hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi

 

Như vậy có thể thấy, công tác chuẩn bị và phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã được ngành Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, đảm bảo không khí vui tươi, lành mạnh trong cả nước, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội quảng bá, giới thiệu, trao đổi mua bán hàng hoá. Hàng hóa dồi dào về số lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, các địa phương cũng đã làm tốt công tác vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nên hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ uống được người dân tin dùng và hàng Việt chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.

Ngay từ trước tết, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ trì triển khai: các Đoàn làm việc, đôn đốc công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế chủ trì trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019…

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường duy trì theo dõi sát báo cáo tình hình thị trường từ các địa phương trong suốt thời gian trước và trong Tết, đặc biệt, quan tâm đến diễn biến cung cầu, giá cả hàng hoá thiết yếu; tình hình vận chuyển, buôn bán và đốt pháo nổ… Ngay thời điểm sát Tết, Tổng cục Quản lý thị trường đã trực tiếp tổ chức đồng loạt triển khai 05 Đoàn công tác đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại một số địa bàn trọng điểm gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, An Giang, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ.

Nhìn chung, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.