Thắc mắc về giải quyết chế độ thai sản

Chế độ thai sản là một trong những vấn đề mà các lao động nữ quan tâm hàng đầu khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Bạn Trần Hằng (tranhang***@gmail.com) hỏi: Dự kiến đầu tháng 1/2017, tôi sinh con. Thời gian nghỉ sinh con của tôi trùng với thời gian nghỉ Tết âm lịch. Vậy, thời gian nghỉ thai sản của tôi có bao gồm cả ngày nghỉ Tết hay không? Và tôi có được hưởng tiền Tết hay không?

Đáp: Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 2 tháng tuổi mất, thì mẹ được nghỉ việc 4 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 2 tháng tính từ ngày con mất, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ tử vong sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà tử vong thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ tử vong sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Căn cứ vào quy định nêu trên, thời gian nghỉ thai sản của bạn sẽ tính cả ngày nghỉ Tết cổ truyền.

Về băn khoăn của bạn không biết mình có được tiền thưởng Tết hay không, điều này còn phụ thuộc vào quy chế chi tiêu của đơn vị nơi bạn công tác. Vì vậy, bạn cần nghiên cứu kỹ xem quy chế của đơn vị có thể hiện nội dung mà bạn đang quan tâm hay không.

Bạn Lan Hương (Hà Nội) hỏi: Chồng tôi có tham gia BHXH, khi tôi sinh con, tôi được biết chồng tôi cũng được hưởng chế độ thai sản theo luật mới. Vậy, thủ tục để chồng tôi được hưởng chế độ này cụ thể như thế nào?

Đáp: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, lao động nam được nghỉ việc từ 5 ngày - 14 ngày tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Mức hưởng được tính theo công thức sau:

                  Mức hưởng = Lương cơ bản đóng bảo hiểm xã hội/24 x số ngày được nghỉ.

Trong trường hợp của bạn, khi bạn sinh con, trong vòng 30 ngày, chồng bạn có thể nghỉ việc hưởng chế độ. Tuy nhiên, nếu trong 30 ngày đó mà chồng bạn không nghỉ việc thì đương nhiên, chồng bạn đã tự từ bỏ quyền lợi của mình khi vợ sinh con và không được hưởng chế độ thai sản theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 3 "Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”.

Nếu thực tế, chồng bạn đã nghỉ việc hưởng chế độ, thì để được giải quyết chế độ nghỉ việc do vợ sinh con, chồng bạn cần chuẩn bị hồ sơ để được giải quyết chế độ thai sản theo Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Phiếu giao nhận hồ sơ 601/CĐBHXH như sau:

- Ghi rõ CMND của vợ trên Danh sách C70a-HD;

- Giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng sinh (bản sao có chứng thực, 01 bản/con);

- Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:

Thời hạn nộp hồ sơ: Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Nơi nộp hồ sơ: Công ty nơi chồng bạn hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Thời hạn giải quyết: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày công ty nộp hồ sơ của chồng bạn lên cơ quan BHXH, cơ quan BHXH sẽ thực hiện việc chi trả chế độ thai sản cho chồng bạn.

Trong trường hợp sinh con, nhưng chỉ có chồng bạn tham gia bảo hiểm xã hội và tham gia đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh thì được trợ cấp một lần khi vợ sinh con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

Hà Minh