Ngày 9-2, Phó Thủ tướng Thái-lan Somkid Jatusripitak đã ra lệnh cho Bộ Thương mại nước này sớm gửi yêu cầu để trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong thời gian chính phủ hiện tại vẫn nắm quyền điều hành.

thai lan
Phó Thủ tướng Thái-lan Somkid Jatusripitak. (Ảnh: Bangkok Post)

 

Tại cuộc họp, ông Somkid cũng yêu cầu các nhà đàm phán thương mại sớm thúc đẩy hoàn thành Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.

“Lập trường rõ ràng của chính phủ về CPTPP và RCEP sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư. Mặc dù đây là giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính phủ tiếp theo được thành lập, tuy nhiên những nỗ lực của chính phủ hiện tại nhằm xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư vẫn là điều bắt buộc phải thực hiện”, ông Somkid nói.

Bà Chutima Bunyapraphasara, Quyền Bộ trưởng Thương mại, cho biết, Bộ sẽ tiến hành một cuộc họp với nhóm làm việc về CPTPP ngay trong tháng này để xem xét về lợi ích cũng như tác động của khối mới khi không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Trong tháng 3, Bộ dự kiến ​​sẽ đệ trình một đề xuất lên Chính phủ để quyết định có tham gia CPTPP hay không. Sau khi đề xuất được chấp thuận, yêu cầu chính thức tham gia CPTPP sẽ được gửi, bà Chutima nói.

Các cuộc đàm phán về CPTPP đã kết thúc vào tháng 1 năm ngoái giữa 11 quốc gia, bao gồm: Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Australia, Mexico, Canada, Peru, Chile, Nhật Bản và New Zealand. CPTPP là Hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tương tự nhưng bao gồm Mỹ cho đến khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định. Ngoài việc hạ thấp các rào cản thương mại giữa các quốc gia, thỏa thuận mới còn bao gồm các cam kết chặt chẽ hơn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Năm 2017, GDP của 11 quốc gia CPTPP chiếm 10,5 nghìn tỷ USD, chiếm 13,3% GDP của thế giới. Hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực vào ngày 30 tháng 12 năm 2018, sau khi bảy quốc gia bao gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam ký kết phê chuẩn Hiệp định.

Năm 2018, thương mại hai chiều của Thái-lan với 11 quốc gia lên tới 148,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Thái-lan đạt mức 77 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại với 11 nước thành viên CPTPP đạt 5,3 tỷ USD.

Bà Chutima cho biết, Chính phủ lo ngại về một số vấn đề như bảo vệ các giống cây trồng mới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Chính phủ cam kết sẽ tìm kiếm các giải pháp và biện pháp khắc phục thích hợp cho các bên liên quan khi có sự tham gia của Thái-lan vào CPTPP.