Phát luồng hàng hóa từ Điểm bán hàng Việt Nam

Triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ giai đoạn 2014 - 2020 của Bộ Công Thương, Điểm bán hàng Việt Nam cố định được xác định là một kênh quan trọng để trưng bày, giới thiệu, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện chủ trương này, mới đây, Sở Công Thương Thái Nguyên đã tổ chức khai trương Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại địa chỉ số 366/1, đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên.

Điểm bán hàng Việt có tổng diện tích gần 200m2, được phân thành: Khu trưng bày và bán hàng nông sản thế mạnh và một khu trưng bày sản phẩm công nghiệp tiêu biểu. Hàng hóa được sắp xếp bắt mắt, với hơn 300 sản phẩm đủ các nhóm mặt hàng đến từ 30 công ty, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, làng nghề trong và ngoài tỉnh. 100% sản phẩm trưng bày và bán tại đây đều do các DN Việt Nam sản xuất, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ thu hút được hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh, điểm bán hàng này còn là nơi tập kết hàng hóa của các địa phương lân cận. Có thể kể đến các sản phẩm của các DN Thái Nguyên như: Chè Tân Cương, miến Việt Cường, tranh đá quý Dũng Tân, rượu Đức Hạnh… cùng với đó là nhiều mặt hàng đặc sản của các vùng, miền trong cả nước như: Chè Atiso Đà Lạt, cà phê Đăk Lăk, nước mắm 584 Nha Trang, bánh trung thu Hải Hà, gạo Hải Hậu, mỳ Chũ Bắc Giang…

Khá thích thú trước những mặt hàng được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bà Nguyễn Thị Thanh - xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên cho biết, điều bất ngờ nhất là hàng hóa tại đây rất phong phú, bài trí đẹp. “Điểm bán hàng Việt Nam” này lại nằm ngay tại trụ sở của Sở Công Thương nên tôi khá yên tâm về xuất xứ, cũng như chất lượng sản phẩm.

Bà Lê Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị cung cấp các mặt hàng đảm bảo chất lượng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (với sản phẩm ăn uống) và chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn của Sở Y tế (sản phẩm chăm sóc sắc đẹp)…, trung tâm chủ động giới thiệu và bán “hộ” các doanh nghiệp trong 2 năm đầu. Giá bán sản phẩm tại gian trưng bày do DN tự quyết định, tuy nhiên phải đảm bảo bằng hoặc thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng phục vụ tại gian trưng bày, các cán bộ am hiểu về thương mại, hàng hóa vùng miền được giao nhiệm vụ trực thường xuyên tại gian hàng để vừa bán hàng, giới thiệu, thuyết minh, vừa tuyên truyền, giúp người tiêu dùng nâng cao ý thức, thói quen sử dụng hàng Việt. Đây được kỳ vọng không những là điểm bán tiêu thụ hàng Việt cho bà con trong tỉnh với giá phải chăng, chất lượng được kiểm soát chặt, mà còn là điểm phát luồng hàng hóa từ Thái Nguyên đi các địa phương khác trên cả nước.

Bên cạnh việc ủng hộ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, “Điểm bán hàng Việt Nam” cũng được xác định là một kênh quan trọng để triển khai thực hiện đề án “Tìm đầu ra cho sản phẩm” mà Trung tâm xúc tiến Thương mại Thái Nguyên đang tiến hành. Trong thời gian tới, Sở Công Thương Thái Nguyên sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam, đặc biệt ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn

Trong thời gian chờ đợi các Điểm bán hàng Việt Nam cố định được xây dựng và “phủ sóng” các địa phương trên toàn tỉnh, Sở Công Thương Thái Nguyên cũng tích cực tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Sau gần 7 năm hưởng ứng CVĐ, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công 26 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.

Các phiên chợ đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng những mặt hàng chất lượng do các DN trong nước sản xuất, từ đó góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng Việt khi mua sắm. Nếu như chỉ cách đây vài năm, người tiêu dùng chẳng mấy mặn mà với các mặt hàng sản xuất trong nước thì nay, hàng Việt đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, việc ưu tiên lựa chọn các mặt hàng Việt Nam đã trở thành thói quen. Nhờ đó, đến nay, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao tại các siêu thị (80 - 90%) và các kênh phân phối vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Có thể thấy rằng, việc người dân ưu tiên lựa chọn hàng Việt khi mua sắm cho thấy Cuộc vận động đã phát huy hiệu quả thiết thực. Đây là động lực cho những hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên địa bàn Thái Nguyên được tổ chức mạnh hơn thời gian tới. Bà Thủy cho biết để đảm bảo sự thành công của các phiên chợ hàng Việt về nông thôn và đảm bảo quyền, lợi ích cho người tiêu dùng, tạo uy tín cho DN, trung tâm rất chú trọng đến công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa. Hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp.