Tham gia Công ước Minamata để kiểm soát mối nguy về thủy ngân

.Thủy ngân là một kim loại nặng được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp và đời sống. Thủy ngân là kim loại duy nhất bay hơi ở nhiệt độ thường nên có khả năng phát tán trong không khí. Cùng với đặc tí

Mối quan ngại mang tên thủy ngân

Nguồn phát thải thủy ngân chủ yếu là từ các ngành sản xuất pin, nhiệt kế, đèn neon (dạng hơi), khí thải từ lò đốt rác, khu khai thác quặng và đặc biệt trong những năm gần đây là vấn đề ô nhiễm thủy ngân do hoạt động của ngành công nghiệp sản xuất xi măng, các khu khai thác vàng, các nhà máy nhiệt điện... Hàng năm ước tính có khoảng 1.900 tấn thủy ngân phát thải trên toàn cầu (trong đó châu Á chiếm 57%, châu Âu 13%).

Phát thải thủy ngân gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (gây tổn thương cho trung tâm thần kinh, thận, mù lòa và co giật; đặc biệt là ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai). Trong lịch sử đã từng xảy ra một số vụ ngộ độc thủy ngân, điển hình là tại Minamata (Nhật Bản) đã có khoảng 1.500 người chết và hơn 11.000 người bị mắc các bệnh do thủy ngân.

Một đứa trẻ 9 tuổi người Indonesia bị nhiễm độc thuỷ ngân do mẹ làm việc tại mỏ vàng khi mang thai. Ảnh: Pulitzercenter
Vì thế, ô nhiễm và ngộ độc thủy ngân đang là mối quan ngại mang tính toàn cầu.

Hành động của Việt Nam

Năm 2009, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý toàn cầu về thủy ngân gọi là Công ước Minamata về Thủy ngân và lễ ký Công ước đã được diễn ra tại Minamata (Nhật Bản) tháng 10/2013. Nội dung chính của Công ước là đưa ra quy định kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, vận chuyển, sử dụng, lưu trữ và thải bỏ thủy ngân nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường do phát thải thủy ngân và các hợp chất thủy ngân. Các quốc gia thành viên sau khi ký kết sẽ phải có lộ trình đến giai đoạn năm 2020- 2025 để thực thi các quy định của Công ước.

Với vai trò là Cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất và là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện SAICM (Chiến lược tiếp cận quản lý hóa chất quốc tế), Lãnh đạo Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền thay mặt Chính phủ Việt Nam ký Công ước Minamata tại Nhật Bản. Việt Nam là một trong 98 quốc gia đầu tiên ký kết Công ước. Công ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày quốc gia thành viên thứ 50 phê chuẩn. Hiện nay đã có 128 quốc gia ký kết và 25 quốc gia phê chuẩn Công ước.

Việc tham gia Công ước của Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn thể hiện nỗ lực và cam kết của Việt Nam đối với quản lý hóa chất toàn cầu. Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, cũng là đầu mối liên lạc của Công ước Minamata về thủy ngân tại Việt Nam cho biết, từ khi ký Công ước, Bộ Công Thương đã có nhiều bước chuẩn bị việc ký kết cũng như phê chuẩn Công ước trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Bộ đã cử đại biểu tham gia và đóng góp ý kiến tại các phiên họp của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Công ước Thủy ngân từ năm 2010 đến nay và đóng góp ý kiến đối với từng điều khoản của Công ước, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các thành viên là các nước đang phát triển và các điều khoản liên quan đến nội dung hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính từ các thành viên là nước phát triển đối với các thành viên là các nước đang phát triển.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Hóa chất (Vinachemia) phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án “Đánh giá ban đầu Công ước Minamata tại Việt Nam” thông qua tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) dưới dạng dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA. Kết quả của Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét phê duyệt Công ước Minamata về thủy ngân và đề xuất lộ trình thực hiện Công ước.

Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý thủy ngân một cách chặt chẽ và có hệ thống, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân đối với sức khỏe con người và môi trường.

Dấu hiệu ngộ độc thủy ngân

Các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân khác nhau tùy thuộc dạng ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể. Nếu hít phải thủy ngân thường biểu hiện bệnh phổi nặng cấp tính.

Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm sốt, ớn lạnh, thở khó.

Những triệu chứng khác gồm viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn và viêm ruột.

 Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Còn ngộ độc mãn do hít thủy ngân gây viêm lợi, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh.

Nếu bạn thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì cần đi khám sớm để được các bác sĩ xử trí kịp thời.

Xử lý khi ngộ độc thủy ngân do vỡ nhiệt kế

Trong trường hợp không may bị vỡ thiết bị y tế, đặc biệt là cặp nhiệt kế bằng thủy ngân, các bậc phụ huynh nên bình tĩnh xử lý tình huống, không cuống khiến trẻ em nuốt sâu hơn thủy ngân hoặc sặc thủy ngân dẫn tới đe dọa tính mạng. Cha mẹ nên tham khảo các bước xử lý dưới đây.

Nhanh chóng đưa trẻ và người thân ra khỏi phòng, tránh trường hợp thủy ngân bay hơi tan trong không khí làm hại phổi.

Nên thay toàn bộ quần áo đề phòng trường hợp thủy ngân dính vào người.

Cần rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý.

Để làm sạch quần áo dính thủy ngân, nên ngâm nước lạnh và nước xà phòng ở nhiệt độ 70-80 độ C, ngâm tiếp 20 phút ở nhiệt độ cao trong nước pha chất tẩy rồi mới xả bằng nước.

Thu dọn hạt thủy ngân trên sàn bằng cách đeo găng tay, dùng bông tăm ướt hay giấy mỏng đặt sát xuống nền để gạt thủy ngân vào. Thủy ngân sau khi được thu gom xong phải để trong hộp kín, tránh đổ thủy ngân xuống cống vì có thể làm ô nhiễm nguồn nước.

Khi trẻ có dấu hiệu bị nhiễm thủy ngân như ngậm cặp nhiệt kế bị vỡ, không nên tìm mọi cách lấy thủy ngân như móc họng hoặc bắt trẻ nôn ra… mà cần bình tĩnh để trẻ không hoảng loạn. Trong lúc chờ đợi hãy cho trẻ uống thật nhiều nước và lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ có biện pháp can thiệp, giải độc kịp thời.