Thành công nhờ xây dựng mô hình sản xuất trình diễn

Vấn đề là làm sao thuyết phục được chủ cơ sở thấy cái lợi nếu đổi mới công nghệ hay quy trình sản xuất! Cách khả thi hơn cả là phải bày ra trước mắt các chủ nghiệp một mô hình sản xuất mà ở đó công nghệ, thiết bị và quy trình sản xuất mới trở thành động lực cho chinh phục thị trường.
Tại lễ bế giảng lớp học thổ cẩm, các đại biểu (nam giới) mặc bộ áo dài truyền thống do học viên HTX Nặm La thực hiện
Tại lễ bế giảng lớp học thổ cẩm, các đại biểu (nam giới) mặc bộ áo dài truyền thống do học viên thực hiện

 

Thuyết phục cơ sở tham gia

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII, XIV, XV đều xác định lợi thế của tỉnh là nông nghiệp, vì vậy ngành tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp phải đi vào chế biến nông sản, làm tăng giá trị sản xuất và kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu. Theo định hướng đó, những năm trước, Khuyến công Sơn La liên tục gửi các văn bản hướng dẫn đến các địa phương trong tỉnh, giới thiệu chương trình khuyến công dành cho cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; trong đó chú trọng đến hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị cho chế biến nông sản.

Tuy nhiên, sự hồi âm của các cơ sở sản xuất không nhiều. Những cán bộ làm công tác khuyến công Sơn La tự nhủ, nếu cơ sở sản xuất chưa “mặn mà” lắm thì ta phải chủ động đến với họ. Sự nhiệt tình, tận tâm, số ki lô mét di chuyển dọc ngang trên địa bàn của cán bộ khuyến công rất nhiều, kết quả thu được cũng khả quan hơn, nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra; nhất là chưa tương xứng với những ưu đãi mà chương trình khuyến công quốc gia và Sơn La đã thiết kế. Những cán bộ khuyến công ngồi lại với nhau bàn thảo. Mọi hướng suy nghĩ đổ dồn về một mối: Cán bộ được tập huấn kỹ càng trước khi xuống cơ sở, chương trình và cách thức ưu đãi rất cụ thể, vậy thì vướng mắc ở chỗ nào?

Sau tranh luận, bàn thảo, mọi người rút ra kết luận: sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Sơn La phần lớn còn nhỏ bé, các chủ nghiệp phải tích lũy bao nhiêu năm mới đủ vốn lập cơ sở sản xuất, nên khá thận trọng khi đầu tư thêm, trong khi kinh phí khuyến công chỉ hỗ trợ một phần chứ không thể bao cấp toàn bộ dự án đổi mới thiết bị, công nghệ. Vấn đề là làm sao thuyết phục được chủ cơ sở thấy cái lợi nếu đổi mới công nghệ hay quy trình sản xuất! Cách khả thi hơn cả là phải bày ra trước mắt các chủ nghiệp một mô hình sản xuất mà ở đó công nghệ, thiết bị và quy trình sản xuất mới trở thành động lực cho chinh phục thị trường.

Suy đi tính lại, Khuyến công Sơn La tư vấn cho Công ty chè Mộc Châu xây dựng mô hình sản xuất chè tiên tiến. Mũi đột phá là hỗ trợ 20 máy sao hơi chè có cảm biến nhiệt, điều khiển tự động. Trước kia dùng phương đốt than lò quay trực tiếp để sao chè, đốt than đá hết 1,4 kg cho 1kg chè khô. Nay dùng phương pháp sao lăn định hình bằng sấy hơi (gọi tắt là sao hơi) còn 6-7 lạng, giảm một nửa chi phí năng lượng. Không cần tính toán cũng biết giảm được 50% lượng phát thải CO2. Một tính năng ưu việt khác, dùng phương lò quay trực tiếp, tỷ lệ vụn, cháy chiếm 27 - 30%, còn sao hơi chỉ 5- 7% là phế phẩm, giảm khoảng 20%. Hơn thế nữa, sao hơi còn giúp giảm thể tích 1/3 trọng lượng do quay tròn định hình ép được. Giảm thể tích tức là giảm cước vận chuyển, và như vậy là giảm giá thành đầu vào. Đặc biệt là đối với sản phẩm xuất khẩu, thể tích càng nhỏ thì cước vận chuyển càng giảm, phí cầu cảng cũng giảm.

Hỗ trợ đột phá bằng công nghệ sao hơi chè tại mô hình của Công ty Chè Mộc Châu là bài toán đa hiệu quả về chất lượng, sử dụng lao động, lợi nhuận và môi trường. Nhưng trên cả bài toán đa hiệu quả là mô hình trình diễn. Tất cả các công đoạn sản xuất của mô hình trình diễn chè Mộc Châu được cán bộ khuyến công quay video clip, gửi cho một số cơ sở sản xuất trên địa bàn. Kết quả là, có nhiều chủ cơ sở trên địa bàn và cả ngoài tỉnh đã trực tiếp đến Công ty Chè Mộc Châu tham quan quy trình chế biến. Sự tận tâm đến mức cầu kỳ của những cán bộ khuyến công Sơn La đã mang lại hiệu quả bùng nổ. Trước kia phải đến gõ cửa tận cơ sở sản xuất cũng “không đắt” thì những năm gần đây có hàng loạt cơ sở sản xuất chè xin đăng ký tham gia chương trình khuyến công; sẵn sàng bỏ vốn đối ứng trong đổi mới công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất.

Thành công của chế biến chè giúp Khuyến Công Sơn La hào hứng bắt tay vào xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cà phê tại Công ty cà phê Sơn La trong năm nay. Khuyến công đang tư vấn cho Công ty xây dựng mô hình sản xuất từ khâu trồng, đến chế biến, bao bì và cho đến khi được sử dụng thương hiệu cà phê Sơn La. Cùng với đó, Khuyến công Sơn La hỗ trợ một phần cho đổi mới máy móc, công nghệ. Xây dựng mô hình sản xuất trình diễn của Khuyến công Sơn La đã thuyết phục được các chủ cơ sở sản xuất sẵn sàng bỏ bốn đối ứng đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. Sự thành công này cho thấy bám sát cơ sở sản xuất là yếu tố hàng đầu. Bám sát cơ sở không chỉ giải thích được “Tại sao họ ít tham gia?” mà còn định hình được bài toán “Làm thế nào để thuyết phục họ?”.

Hỗ trợ đào tạo đúng nhu cầu

Sơn La là địa phương đứng đầu cả nước về số hộ dân di dời nhường đất cho 2 công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Với Thủy điện Sơn La, tổng số hộ dân thuộc 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di dời trên 20 ngàn hộ thì riêng Sơn La đã chiếm gần 13 ngàn hộ dân, tương đương 61%. Trước đó, số hộ dân thuộc 6 huyện của Sơn La nhường đất cho Thủy điện Hòa Bình còn nhiều hơn gấp bội, lên tới 54 ngàn hộ gia đình.

Sau khi bà con nhường đất cho thủy điện thì đất canh tác thu hẹp. Ngày xưa bình quân mỗi người 4 ha, bây giờ còn mỗi người non 1 ha, lao động dôi dư xuất hiện. Tuy nhiên, để chuyển đổi được lực lượng lao động này một lúc sang phi nông nghiệp rất khó, bởi tập quán lâu đời gắn với sản xuất truyền thống nông nghiệp. Vì thế nhiều năm nay, hầu hết các cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh… cũng đều bàn nội dung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bà con ở vùng thủy điện, vùng tái định cư. Trong đó, Trung tâm Khuyến công được giao nhiệm hỗ trợ đào tạo nghề, đặc biệt chú trọng đến các nghề tiểu thủ công nghiệp.

Qua điều tra khảo sát, nhận thấy nghề đóng tàu thuyền sắt gắn máy có thể phát triển được ở vùng lòng hồ, Trung tâm mở 4 lớp đào tạo nghề gò hàn, vừa đóng mới vừa sửa chữa tàu sắt ở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai cho 140 lao động. Thành công của chương trình này là đánh “trúng” nhu cầu của bà con vùng lòng hồ. Có 4 điều hết sức ấn tượng. Thứ nhất, mở lớp cho 140 lao động thì bà con đăng ký học lên tới 160 người. Thứ hai, 2 năm sau khi kết thúc lớp học, Trung tâm đã tiến hành khảo sát đánh giá hiệu quả sau đào tạo tại 17 cơ sở. Kết quả cho thấy, gần 100% học viên tự mở cơ sở hoặc đi làm cho cơ sở sản xuất cơ khí, tạo ra hàng trăm việc làm với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian có việc làm trên 300 ngày/năm. Thứ ba, với các cơ sở sản xuất, có những đơn hàng lên tới 270 chiếc thuyền đánh cá. Thứ tư, được dạy cách đóng các loại tàu thuyền 1-1,5 tấn, nay học viên tự học hỏi đóng được những chiếc thuyền 70 tấn. Cá biệt, có thuyền lên tới 300 tấn.

Những điều trên đều cho thấy, lớp đào tạo nghề gò hàn, đóng mới vừa sửa chữa tàu sắt đã đáp ứng thiết thực nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp của cư dân vùng lòng hồ thủy điện. Xung quanh việc mưu sinh trên vùng lòng hồ, bà còn thường dùng những cái vó, te ngày xưa rất đơn sơ đánh bắt cá con làm nguồn thức ăn cho nuôi cá bè. Mua vó, te ở xuôi về, giá rất đắt, và bị rách cũng không biết vá. Trung tâm Khuyến công Sơn La đã liên kết với Khuyến công Hà Nội mở lớp đan lưới, sản xuất các dụng cụ đánh bắt thủy sản và cách nuôi trồng thủy sản cho 70 người. Đây là vốn cơ bản để học viên dạy cho người khác sau này. Hiện nay, nghề sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản được đánh giá có thu nhập khá cao. Thu nhập người lành nghề lên tới 200.000đ/ngày, người trung bình cũng được 150.000đ/ngày. Cùng với hỗ trợ đào tạo nhằm giải quyết việc làm, Trung tâm Khuyến công Sơn La tiếp tục liên kết với Khuyến công Hà Nội mở lớp truyền nghề dệt và sản xuất các sản phẩm từ vải thổ cẩm, nhằm bảo tồn nghề truyền thống và tăng thu nhập cho người lao động.

Một đặc tính hết sức cơ bản của khuyến công là hiệu ứng lan tỏa. Mở lớp đào tạo nghề, giới hạn trong khoảng trên dưới 100 học viên, nhưng nếu trúng nhu cầu của xã hội, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất cao. Có nghĩa là, những học viên được học cơ bản đó, sẽ truyền dạy nghề cho những người khác. Với một khoản kinh phí chưa nhiều dành cho đào tạo, Trung tâm Khuyến công Sơn La đang đi theo hướng này để có thể hỗ trợ chuyển đổi nghề tích cực hơn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động hơn, nhất là với bà con vùng lòng hồ thủy điện, nhằm giảm bớt khó khăn, áp lực của hậu thủy điện và từng bước giải quyết tình trạng di cư tự do, thấy nơi khác tốt hơn lại chạy đến.

Lâm Hoàng và nhóm phóng viên