Thành công trên thị trường bán lẻ: Nhất cự ly, nhì tốc độ

Với một thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng đang trong quá trình hội nhập như Việt Nam, những nhà bán lẻ thành công phải đi trước đón đầu được xu hướng, “sát cánh” bên tiêu dùng, vượt trội trong

Thị trường màu mỡ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2005-2015, 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1.314,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 76,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Tập đoàn Tư vấn Thị trường AT Kearney (Mỹ) liên tục xếp Việt Nam trong top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay.

                                                                                                               Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều triển vọng phát triển nhờ cơ cấu dân số vàng cho tiêu dùng cao. Các phân khúc thị trường cũng rất đa dạng, từ bình dân đến trung lưu và cao cấp. Sự phân nhóm theo độ tuổi cũng không bị quá thiên lệch, tạo điều kiện cho cả các nhà bán lẻ truyền thống và hiện đại.

Xu hướng thay đổi các mô hình bán lẻ

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, những trào lưu, xu hướng mới du nhập vào Việt Nam cũng dẫn đến những thay đổi lớn trong văn hóa tiêu dùng. Nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình Việt ngày càng nhỏ dần, người Việt mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề, đặc biệt là việc lựa chọn cửa hàng để đi mua sắm. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, gần 60% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng quyết định lựa chọn cửa hàng của họ bị ảnh hưởng bởi vị trí thuận lợi của cửa hàng đó. Khoảng 50% ưu tiên những địa điểm họ có thể thoải mái lựa chọn và mua sắm sản phẩm.

Cùng với sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng, các mô hình bán lẻ mới cũng xuất hiện, tương quan lực lượng giữa các mô hình bán lẻ cũng thay đổi. Theo đó, các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích ngày càng thu hút người tiêu dùng, trong khi các mô hình truyền thống như chợ truyền thống hay hình thức bán lẻ siêu nhỏ - di động (bán rong) được đánh giá là ít có triển vọng hơn. Đặc biệt, bán lẻ trực tuyến đang ngày càng phát triển cùng với tốc độ sử dụng internet và các phương tiện di động. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến ước đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.

CÁC MÔ HÌNH BÁN LẺ TIÊU BIỂU

Mô hình

Các loại hình chính

Đặc điểm

Nhà bán lẻ thành công tại Việt Nam

Bán lẻ qua cửa hàng, siêu thị

Các cửa hiệu độc lập, các trung tâm thương mại, các cửa hàng tạp hoá, các cửa hàng chuyên dụng, các siêu thị truyền thống

Có địa điểm cố định để thu hút được một lượng khách lớn vào tham quan, mua sắm.

Nhiều loại hàng hoá, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để quảng bá

Chủ yếu phục vụ nhu cầu của cá nhân và gia đình

Big C, Hapro, Vinmart, Co.op Mart, Saigon Co.op

Bán lẻ chuyên ngành

Cửa hàng, siêu thị chuyên bán một hoặc một số dòng sản phẩm

Ví dụ: Siêu thị thời trang, Siêu thị nội thất, Cửa hàng đồ thể thao, Cửa hàng/Siêu thị thực phẩm sạch

Cung cấp các tiện ích, những trải nghiệm khi mua sắm, những nhu cầu cụ thể của khách hàng

Có phân khúc khách hàng chuyên nghiệp

Siêu thị Nhà xinh, Cửa hàng thực phẩm sạch Vinmart, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Thế giới di động, Siêu thị điện máy Trần Anh, Nguyễn Kim, HC, Hanel, Pico, FPT Shop…

Bán lẻ không qua cửa hàng

Bán hàng từ xa (trực tuyến, qua điện thoại, máy bán hàng lưu động)

Không có cửa hàng cố định, giao dịch chủ yếu thông qua tivi, internet, qua máy bán hàng hay quầy lưu động

Sendo, Lingo, Công ty CP công nghệ DKT (bizweb.vn)

Bán lẻ thông qua bưu chính

Áp dụng cho những hàng hóa thông thường, hàng hóa chuyên biệt, hàng hóa mới lạ, hàng đặt mua dài hạn (CD, DVD, sách báo).

Các siêu thị điện máy, siêu thị sách… thường tích hợp phương pháp bán hàng này để đạt hiệu quả cao hơn.

Siêu thị điện máy Trần Anh, Nguyễn Kim, Nhà sách Thái Hà…


Các phân khúc nhiều triển vọng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các lĩnh vực có doanh thu bán lẻ tăng cao nhất trong nửa đầu năm 2016 gồm có lương thực, thực phẩm tăng 13,1%; may mặc tăng 12,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10%; phương tiện đi lại tăng 9,1%; trong khi vật phẩm văn hoá, giáo dục chỉ tăng 0,8%.

Nếu tính về mức độ mở rộng của các cơ sở bán lẻ thì những năm gần đây, ngành điện tử chiếm ưu thế nổi bật, với sự nở rộ của các siêu thị điện máy, siêu thị thiết bị di động…

Về thị trường, một số tỉnh, thành phố có doanh thu tăng khá: Bình Dương tăng 20,1%; Nam Định tăng 17,5%; Thanh Hóa tăng 14,9%; Khánh Hòa tăng 14,9%; Quảng Nam tăng 14,7%; An Giang tăng 14,2%; Bắc Giang tăng 14,1%; Hải Phòng tăng 13,2%.

Kinh nghiệm của những nhà bán lẻ thành công

Theo xếp hạng Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2015 do Tạp chí Bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor vừa công bố, có 10 doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam thuộc top này gồm Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Shop, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim, Công ty CP Pico, BigC. Xét về thứ hạng quốc tế, Saigon Co.op vươn lên vị trí 190, vượt hơn 27 hạng so với năm trước, với khoảng cách khá xa là các doanh nghiệp Thế giới Di động (hạng 274), Nguyễn Kim (331), Big C (339).

Vậy điều gì giúp cho các doanh nghiệp này gặt hái được thành công và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ác liệt hiện nay? Dường như mỗi nhà bán lẻ có một cách thức riêng, thậm chí được tích lũy từ những thất bại trước đó.

“Chuyên nghiệp hóa các nhà bán lẻ”.

Doanh nghiệp có nhiều đại lý bán hàng không có nghĩa là có thể tiếp cận với người tiêu dùng tốt hơn. Đây là kinh nghiệm được rút ra bởi Vissan. Theo đó, nếu như năm 2010, Công ty đã tổ chức được 1.000 địa điểm bán hàng trên toàn quốc, thế nhưng sau nhiều năm vận hành hệ thống, doanh thu Vissan không tăng trưởng được, chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng/năm. Qua khảo sát, lãnh đạo Công ty nhận ra những đại lý bán hàng của mình khá thụ động và đi đến quyết định tái cấu trúc hệ thống phân phối. Theo đó, để giải quyết vấn đề “cự ly”, Công ty kết hợp với những nhà bán lẻ chuyên nghiệp có logictics tốt, điểm bán hàng thu hút, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa. Với “tốc độ” mở rộng mạng lưới phân phối đáng nể đến nay, Công ty đã có 166 nhà phân phối chuyên nghiệp với 130.000 điểm bán hàng trên cả nước.

“Liên kết để thành công”.

Kinh nghiệm của chuỗi siêu thị Co.op Mart cho thấy trước áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ khi hội nhập, mở cửa thị trường, kịp thời thay đổi trong quy định và quy trình tiếp nhận, mua hàng, cách thức bố trí gian hàng là tất yếu. Các siêu thị cũng cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam, với tỷ lệ chiết khấu hợp lý, ưu tiên các vị trí đẹp để hàng Việt không bị lép vế so với hàng ngoại. Việc liên kết để cùng chia sẻ các vị trí đẹp tại các siêu thị, hay trong việc vận chuyển, quản trị hàng hóa và chất lượng cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí. Chỉ liên kết lại với nhau thì nhà bán lẻ và nhà sản xuất Việt Nam mới tạo thành khối sức mạnh để có thể đối trọng với doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ sự không thành công của Liên doanh VDA (giữa 4 nhà phân phối bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Co.op), có thể thấy để liên kết thành công, ngoài yêu cầu thay đổi tư duy của các nhà bán lẻ, cần đến sự điều phối, hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp để hài hòa lợi ích giữa các bên.

“Nhất cự ly, nhì tốc độ”

Kinh nghiệm khó theo kịp này thuộc về Vinmart của Tập đoàn Vingroup. “Nhất cự ly”: Chuỗi siêu thị và cửa hàng của Vingroup gồm các cửa hàng Vinmart và Vinmart+ nằm ở các khu vực đông dân cư, giao thông thuận lợi, có diện tích lớn, cung cấp nhiều ngành hàng đa dạng. Theo đó, có hơn 40.000 mặt hàng thuộc thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, điện máy gia dụng, thời trang, đồ chơi. “Nhì tốc độ”: Ra mắt thị trường vào tháng 11/2014, với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản lý vượt trội, chỉ hơn một năm, Vingroup đã đưa hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vượt con số hơn 700 cửa hàng, với tốc độ mở trung bình khoảng 2 cửa hàng mới mỗi ngày tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hạ Long, Ninh Bình, Hà Tĩnh. Vinmart và Vinmart+ còn bán các sản phẩm rau, quả sạch, áp dụng công nghệ cao từ VinEco - ngành kinh doanh nông nghiệp mới nhất của Vingroup.

Với một thị trường còn nhiều tiềm năng (thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ) nhưng áp lực cạnh tranh của từ các doanh nghiệp ngoại cũng rất gay gắt trong bối cảnh mở cửa thị trường và sự hình thành AEC, việc liên tục đổi mới, tăng tốc bắt kịp xu hướng, sát cánh hơn với người tiêu dùng dường như là điều kiện cho nhà bán lẻ thành công.


Đinh Lâm