Thanh long và container lạnh Việt Nam sẽ phải thực hiện khử trùng khi xuất sang Trung Quốc

Phí khử trùng là 950 nhân dân tệ mỗi container. Chi phí cụ thể do Cục Vật giá thông báo. Chủ hàng là người chịu phí. Công ty khử trùng gồm Công ty Hằng Khải và Công ty Trung Kiểm.

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Tân Thanh, Lạng Sơn, kể từ ngày 10/12, phía Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm nghiệm Covid-19 đối với thanh long và container lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, hàng chuyển từ xe Việt Nam sang xe Trung Quốc sẽ phải thực hiện khử trùng từng kiện. Việc khử trùng sẽ do công ty phía Trung Quốc thực hiện.

Cụ thể, hàng hoá nếu chưa được lệnh khử trùng từ phía cơ quan hải quan, mà vào đến bãi hoa quả mới khử trùng, thì trước khi khử trùng không được phép mở container. Hàng hóa sau khi khử trùng, tiêu độc sẽ được cấp giấy chứng nhận. Nếu không có chứng nhận tiêu độc thì không được phép tiêu thụ ngoài thị trường.

Phí khử trùng là 950 nhân dân tệ/container hàng hoá, do Cục Vật giá Trung Quốc thông báo. Các đơn vị khử trùng được chỉ định là Công ty Hằng Khải và Công ty Trung Kiểm.

Ngay sau khi nhận được thông báo này từ cơ quan chức năng phía Bằng Tường (Trung Quốc), Chi cục Hải quan Tân Thanh đã thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp có hoạt động qua cửa khẩu Tân Thanh để doanh nghiệp kịp nắm bắt thông tin và chủ động thực hiện.

Trước đó vào tháng 11 do lo ngại đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại qua con đường thực phẩm nhập khẩu, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã yêu cầu tất cả thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có nguy cơ cao được lưu trữ, chế biến hay bán tại thành phố này phải được đưa vào kho quá cảnh để xét nghiệm COVID-19 và khử trùng bao bì, việc giao hàng sẽ được thực hiện trực tuyến.

Với tốc độ thông quan chưa được cải thiện và hạn chế về kho bãi tại khu vực nêu trên như hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu, các địa phương có vùng trồng nông sản lớn theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung; chủ động điều tiết lượng hàng lên biên giới và phối hợp với người mua phía Trung Quốc xây dựng kế hoạch giao hàng phù hợp, tránh để xảy ra hiện tượng ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, hộ sản xuất hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu để tuân thủ các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi cho việc thông quan tại các cửa khẩu.

Thanh Xuân