Thành phố Điện Biên: Phát huy các nguồn lực để trở thành đô thị loại II vào năm 2025

Những năm qua, Thành phố Điện Biên Phủ đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị.

Thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện việc chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống giao thông, điện chiếu sáng khu dân cư, ngõ xóm. Xây dựng hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng các tuyến đường thuộc hạ tầng giao thông khu tái định cư, điểm dân cư. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đưa vào sử dụng hệ thống quản lý vận hành hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn, đề xuất các cấp các ngành mở rộng địa giới hành chính phục vụ phát triển đô thị. Tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành, nghề, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng y tế, văn hóa, giáo dục...

Đến nay, về cơ bản, Thành phố đã đạt được các chỉ tiêu đô thị loại II, trực thuộc tỉnh, hiện còn 08/59 tiêu chuẩn chưa đạt (thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, quy mô dân số chưa đảm bảo, kết cấu hạ tầng đô thị còn hạn chế...)

Quy hoạch gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Để Thành phố Điện Biên Phủ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào năm 2025 cần phát huy mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung phát huy nguồn lực đất đai và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, trong đó, cần điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trên cơ sở sáp nhập một số xã của huyện Điện Biên vào Thành phố, làm cơ sở để Thành phố lập chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2030 và lập các dự án đầu tư xây dựng, và chỉnh trang đô thị phát triển không gian đô thị.

Cần chủ động lập quy hoạch chi tiết, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư xây dựng, kiến thiết, chỉnh trang đô thị, các chương trình dự án đảm bảo trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực tài chính, sử dụng quỹ đất hợp lý xây dựng các công trình hạ tầng đô thị.

Xây dựng các điểm du lịch trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1465 ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư, trong đó xác định rõ các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên như: thương mại, dịch vụ chất lượng cao (các khách sạn cao cấp, khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng-thể thao-vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn…), công nghệ thông tin…

Phát triển tổng hợp kinh tế dịch vụ theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và các thành phần kinh tế tham gia để khuyến khích mạnh sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ truyền thống sử dụng nhiều lao động trình độ phổ thông, thu hút sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân.

quy hoach dien bien
Quy hoạch tổng thể Thành phố Điện Biên Phủ

Phát huy các nguồn lực

Cần triển khai hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các dự án của tỉnh và các bộ ngành đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, thực hiện xã hội hóa đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, và các khu dân cư đô thị làm tăng dân số cơ học trong khu vực nội thành. Khuyến khích các ngân hàng, các tổ chức tín dụng mở chi nhánh và văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh. Từng bước hình thành thị trường vốn trên địa bàn, đơn giản hoá các thủ tục cấp phát nhằm cải thiện môi trường vốn đầu tư.

Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình thu hút vốn đầu tư không hoàn lại của các nước, các Tổ chức quốc tế và các Tổ chức phi chính phủ vào phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất cho các xã.

Ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh. Sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích theo dự án thông qua đấu thầu, giảm thiểu tình trạng lãng phí. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Đẩy mạnh xã hội hoá một số ngành, lĩnh vực xã hội (giáo dục-đào tạo, y tế, văn hoá-thông tin và thể dục thể thao). Huy động kịp thời các nguồn thu theo quy định pháp luật (thuế nhà đất, đấu giá quỹ đất, tỷ lệ % phân cấp từ các khoản thu của thành phố, ODA, FDI…).

Hoàn thiện quy hoạch tổng thể đất đai gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trên cơ sở quỹ đất hiện hữu trên địa bàn, bổ sung quy hoạch quỹ đất xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí công cộng, đầu tư mở rộng các tuyến đường nội thị, mở mới các tuyến đường liên vùng, liên phường xã và liên huyện, các tuyến đường tránh, tạo hệ thông giao thông thông thoáng, đồng thời bố trí các khu thương mại, vui chơi giải trí và khu dân cư dọc các trục đường. Bố trí quỹ đất để xây dựng bến khe, điểm dừng đỗ xe, các điểm dừng đón khách cho xe buýt.

Bố trí quỹ đất để xây dựng các điểm tái định cư thực hiện các dự án trên địa bàn, đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển đô thị.

Chỉ đạo tăng cường quản lý về đất đai, khuyến khích các thành phần kinh tế quan tâm khai thác các lợi thế về đất đai trên địa bàn, sử dụng khoa học, công nghệ để khai thác hiệu quả đất trống, đồi núi trọc để phát triển trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp.

Khuyến khích nhân dân khai thác hiệu quả tài nguyên từ đất, lựa chọn và gieo trồng các sản phẩm cây lương thực phù hợp với từng vùng, phù hợp với thổ nhưỡng đất.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý hành chính nhà nước về đô thị, nâng cao năng lực cán bộ, công chức các phòng ban chức năng về quản lý đô thị theo hướng chuyên sâu, nâng cao chất lượng.

Thị xã Điện Biên Phủ được thành lập ngày 18/4/1992 theo Quyết định số 130/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng; Nghị định số 110/2003/NĐ-CP, ngày 26/9/2003 của Chính phủ công nhận Thành phố Điện Biên Phủ là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh. Hiện nay Thành phố Điện Biên Phủ có 12 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 5 xã, với tổng diện tích 308,18 km2, dân số trên 80.366 người, mật độ 261 người/km2.

Lê Hoa