Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong 3 tháng gần đây, trị giá xuất khẩu gỗ đã giảm đáng kể. Riêng tháng 8/2021 ước giảm hơn 22% so với tháng 7/2021.

Đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía nam, nơi tập trung trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, với giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả nước.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.

Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.

Trong khi đó, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” đã tăng khoảng 20-30%; tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp.

Điển hình như ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định là những địa phương thuộc vùng dịch, nhưng đến cuối tháng 8/2021 mới có khoảng 15-20% người lao động được tiêm vaccine.

8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 953,1 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020;

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,008 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 782 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 605,2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người lao động thì ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.

Các chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của doanh nghiệp.

Trong đó có giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để doanh nghiệp có đủ nguồn vốn có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên thứ  8 trong bảng ưu tiên tiêm vaccine của Bộ Y tế, đồng thời tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vaccine cho công nhân ngành gỗ. Theo đó, ưu tiên tiêm phòng cho tất cả lao động trong vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.

Đồng thời, có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển.

Cần đặc biệt quan tâm đến nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để có thể phát triển và nắm bắt cơ hội, tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ nội thất lớn của thế giới.

Tân Thanh