Thay đổi bộ truyền động và ly hợp máy Bóng kính tút

Đây là sáng kiến điển hình của ông Nguyễn Hoàng Hưng - Kỹ thuật viên phân xưởng Bao Cứng, Công ty Thuốc lá Thăng Long, góp phần giảm điện năng tiêu thụ và tăng năng suất thiết bị.

Tình trạng kỹ thuật trước khi có sáng kiến

- Máy bóng kính tút sử dụng bộ truyền chuyển động cồng kềnh, phức tạp. Motor truyền chuyển động cho hộp giảm tốc trục vít - bánh vít thông qua bộ truyền đai. Hộp giảm tốc truyền chuyển động vào bộ ly hợp bằng cặp bánh răng thẳng. Hộp giảm tốc hay bị chảy dầu làm ảnh hưởng đến vệ sinh công nghiệp. Cặp trục vít - bánh vít là hàng gia công trong nước, có độ chính xác và độ bền không cao.

- Ly hợp của cặp bánh răng là kiểu ly hợp sử dụng bát bi và ép bằng bộ lò xo đĩa, khó điều chỉnh và kém ổn định. Cặp bánh răng khi làm việc có độ ồn cao.

- Bộ ly hợp của máy sử dụng cam 7 cạnh và bi đũa. Bộ ly hợp này chế tạo phức tạp, nhiều nguyên công, lắp ráp khó khăn trong khi đó độ bền, độ ổn định làm việc không cao, tiếng ồn lớn.

- Motor làm việc chỉ với một tốc độ, không điều chỉnh được.

Với kết cấu bộ truyền động như trên, máy làm việc kém ổn định, hay phải điều chỉnh và sửa chữa, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sản phẩm, ảnh hưởng đến vệ sinh công nghiệp và môi trường làm việc.

Nội dung sáng kiến

- Thiết kế lại bộ truyền động và ly hợp của máy. Motor truyền chuyển động thẳng vào bộ ly hợp lắp trên trục chính của máy, thông qua bộ truyền đai. Bộ truyền mới có kết cấu gọn nhẹ, dễ lắp ráp, dễ thay thế.

- Thay thế motor và cụm hộp giảm tốc cũ của máy bằng motor liền hộp giảm tốc. Lắp thêm biến tần cho motor. Tốc độ của máy điều chỉnh được theo nhu cầu sử dụng. Máy hoạt động êm nhẹ, nhịp nhàng, ổn định, không bị chảy dầu.

- Lắp thêm cam điện điều khiển motor.

- Bộ ly hợp mới dựa trên cơ cấu ly hợp đĩa ma sát, làm việc êm, ổn định, lâu bền, khi cần thiết có thể điều chỉnh dễ dàng.

Tính mới của sáng kiến

 - Với cơ cấu trước đây, nếu hỏng hộp giảm tốc hoặc bộ ly hợp thì thời gian để sửa chữa đối với mỗi cụm mất 4h đến 5h và phải tháo lắp, thay thế rất nhiều chi tiết. Với cơ cấu mới, trong trường hợp đĩa ma sát (má phanh) bị mòn thì chỉ cần mất vài phút để chỉnh lại (tăng lực ép của lò xo) và không cần phải tháo lắp chi tiết nào.

- Với cơ cấu cũ thì motor hoạt động liên tục trong suốt thời gian làm việc. Với cơ cấu mới, motor sẽ chạy và dừng theo nhịp của máy. Như vậy điện năng tiêu thụ sẽ giảm đi.

Khả năng áp dụng giải pháp

Áp dụng cho các máy Bóng kính tút (BKT) trong Công ty Thuốc lá Thăng Long, các công ty thành viên và cho các thiết bị có kết cấu tương tự.

Sáng kiến đã được áp dụng trên 03 máy BKT tại phân xưởng Bao Cứng, 02 máy BKT tại Công ty Thuốc lá Đà Nẵng và đang được tiếp tục áp dụng cho các máy BKT tại Phân xưởng Bao mềm.

Hiệu quả kinh tế

- Thiết bị làm việc ổn định, lâu bền, độ tin cậy cao. Không tốn nhiều thời gian sửa chữa, điều chỉnh. Trong trường hợp cần thiết có thể thay thế, điều chỉnh dễ dàng, thuận tiện.

- Chế tạo, lắp ráp dễ dàng. Giảm bớt vật tư phụ tùng dự phòng, thay thế.

- Tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

- Góp phần đảm bảo vệ sinh công nghiệp, môi trường làm việc.

- Tăng năng suất thiết bị, giảm giờ sửa chữa trong ca.

- Sau cải tiến, hiệu suất thiết bị tăng 1,55%.

- Ước tính giá trị làm lợi:

Với cơ cấu cũ, trong 1 năm, thời gian dừng máy để tu sửa bộ truyền động và cụm ly hợp (thay thế chi tiết hư hỏng, bảo dưỡng, tăng chỉnh lại) và các hư hỏng khác có nguyên nhân từ cơ cấu này khoảng 25h/máy. Tốc độ trung bình máy bao là 138 bao/phút (8.280 bao/h).

Khi thay bằng cơ cấu mới, 1 năm tăng được: 8.280 bao x 25h = 207.000 bao/ máy, lợi nhuận 300đ/ bao, làm lợi được: 207.000 x 300 = 62.100.000 đồng. Cùng với đó còn tiết kiệm được lượng vật tư tiêu hao do phế phẩm và điện năng tiêu thụ. Ước tính làm lợi trên 1 máy là 65 triệu đồng/năm.

Hiện tại, sáng kiến đã được áp dụng trên 03 máy BKT tại Phân xưởng.

Giá trị làm lợi: 65 triệu đồng x 3 = 195 triệu đồng.

Tuệ Minh/Nguồn: Thuốc lá Thăng Long