Thêm “cánh tay” phối hợp phòng chống hàng giả, gian lận thương mại

Tổng cục QLTT và Hiệp hội thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA) vừa ký kết Thoả thuận hợp tác nhằm trao đổi thông tin chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu hàng thật, hàng giả phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhằm trao đổi thông tin chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu hàng thật, hàng giả phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sáng 17/9/2019, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tổ chức ký kết Biên bản hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Hiệp hội thông tin tư vấn kinh tế, thương mại Việt Nam (VICETA).

Theo Thoả thuận hợp tác này, hai bên sẽ trao đổi thông tin về chính sách, quy định pháp lý liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), các thông tin liên quan đến vấn đề về gian lận thương mại; Trao đổi thông tin về chống giả mạo xuất xứ, hàng giả và gian lận thương mại của các nước liên quan đến các hiệp định đa phương và song phương Việt Nam đã ký kết; Thông tin tham vấn về lưu thông, vận chuyển đối với hàng hóa XNK và hàng hóa lưu thông trong nước, chất lượng hàng hóa; Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu hàng thật, hàng giả phục vụ cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước.

 Tổng cục QLTT và Hiệp hội thông tin tư vấn kinh tế, thương mại Việt Nam (VICETA)
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đề xuất cần có 1-2 hoạt động cụ thể, thiết thực ngay sau lễ ký kết để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được ngăn chặn

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trong thời gian qua, Tổng cục QLTT đã ký kết hợp tác chủ yếu là các doanh nghiệp, tập trung các hãng có thương hiệu nổi tiếng quốc tế và các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát kinh tế.

“Đây là thỏa thuận hợp tác đầu tiên QLTT ký với hiệp hội, ngành hàng”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng cũng chia sẻ, câu chuyện chống hàng giả, hàng buôn lậu, gian lận thương mại là câu chuyện khá dài, ngay trong công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, nhiều khi doanh nghiệp biết hàng hóa của mình bị làm giả, nhưng cũng không phối hợp với cơ quan chức năng, nên cơ quan chức năng khó phát hiện ra vi phạm hàng giả, bởi doanh nghiệp là người hiểu nhất về sản phẩm của mình. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp ngại, sợ mang tiếng, sợ mất thương hiệu... Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài chủ động, phối hợp, đề nghị cơ quan QLTT phải có trách nhiệm, có chiến dịch, truy quét, kiểm tra xử phạt.

“Vì vậy, nếu duy trì kênh thông tin tốt giữa Hiệp hội và QLTT thì công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại rất hiệu quả”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Để nội dung ký kết không dừng lại ở mặt hình thức, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đề xuất cần có 1-2 hoạt động cụ thể, thiết thực ngay sau lễ ký kết.

Tổng cục QLTT và Hiệp hội thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA)
Sẽ có thêm một đối tác chung tay với Tổng cục QLTT trong công tác phòng chống hàng giả, hàng gian lận thương mại

Với chức năng chính là thông tin và tư vấn kinh tế thương mại và đầu tư, VICETA gồm 100 hội viên là những chuyên gia đến từ các Bộ, ngành khác nhau. Trong thời gian qua, mỗi thành viên đều đã xử lý các công việc có liên quan đến công tác QLTT, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên “Trong dòng chảy thương mại này, chúng ta phải biết cái gì gian lận ở ngoài đến để hạn chế, vì hàng giả, hàng nhái chiếm đến 20% thương mại toàn cầu. Đây là thách thức cho lực lượng QLTT - ông Lương Văn Tự - Chủ tịch VICETA nhấn mạnh.

Theo ông Lương Văn Tự, bằng đội ngũ tham tán có mặt khắp nơi trên thế giới sẽ là nguồn lực hiệu quả cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái giúp VICETA ngăn chặn các hành vi vi phạm đến từ bên ngoài.

Nhất trí với ý kiến của Tổng cục trưởng, sau lễ ký kết, Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế Việt Nam sẽ cùng với Tổng cục triển khai các công việc cụ thể để hiện thực hoá các nội dung ký kết, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Hạ Vũ