Thêm cơ hội hợp tác về kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Armenia

Phía Việt Nam mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Armenia các mặt hàng thế mạnh của mình như nông sản, thủy sản, thủy sản chế biến, dệt may, da giày, đồ gỗ...

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 22 tháng 8 năm 2019, Ngài Vahram Kazhoyan – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Armenia tại Việt Nam đến chào xã giao Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhân dịp Đại sứ mới nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã gửi lời chúc mừng Ngài Vahram Kazhoyan trên cương vị mới và chúc Ngài Đại sứ nhiệm kỳ thành công, đồng thời bày tỏ hi vọng với sự nhiệt huyết và những tình cảm mà Ngài Đại sứ dành cho Việt Nam sẽ góp phần phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Hai Bên đều nhất trí rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Armenia chưa ổn định và không tương xứng với tiềm năng sẵn có và mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Do vậy, Chính phủ hai nước cần tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, tận dụng những ưu thế từ việc cắt giảm thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) mà Armenia là thành viên. Phía Việt Nam mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Armenia các mặt hàng thế mạnh của mình như nông sản, thủy sản, thủy sản chế biến, dệt may, da giày, đồ gỗ... Đặc biệt, Ngài Đại sứ và Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đã có những trao đổi rất tích cực về kế hoạch tổ chức khóa họp lần thứ 2 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Armenia (UBLCP), dự kiến tại thủ đô Yereven, Armenia trong tuần từ 14-18 tháng 10 năm 2019. Hai Bên đều nhất trí cần phải xây dựng các hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho cho các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường của nhau, mở rộng cơ hội hợp tác.

Ngài Đại sứ cho biết người dân Armenia rất yêu mến văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam. Hàng năm, rất đông du khách Armenia đến du lịch tại Việt Nam và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Đây được xem là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của Việt Nam quảng bá các tour du lịch đang được người dân Armenia đặc biệt quan tâm. Về xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường Armenia cần nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, hàng may mặc, đồ gỗ... trong khi yêu cầu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa vào thị trường Armenia không quá khắt khe như một số nước Tây Âu khác.

Đánh giá về sức hút của thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Armenia rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, cụ thể là xuất khẩu các mặt hàng rượu mạnh, thuốc lá...Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Armenia, đồng thời các doanh nghiệp Armenia cũng mong muốn tìm đối tác địa phương để phát triển thị trường tại Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung. Nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp hai nước, trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 2 UBLCP Việt Nam – Armenia (từ 14-18/10/2019), hai bên dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Armenia để giới thiệu về tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, đầu tư...Doanh nghiệp quan tâm có thể liên hệ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương (điện thoại 024 22205381 hoặc email: [email protected]) để biết thông tin chi tiết.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Armenia gồm: điện thoại và linh kiện, cà phê, hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm dệt may.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Armenia máy móc, thiết bị và phụ tùng, bông, gỗ và sản phẩm gỗ, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may da giày.

 
PV