Thép Thủ Đức - VNSTEEL: Lựa chọn đầu tư “cuốn chiếu” cho công nghệ

Hình thức đầu tư riêng từng cụm thiết bị chủ yếu trong dây chuyền qua từng năm vừa giảm chi phí tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân vừa đáp ứng với các tiêu chuẩ

Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL khởi đầu từ một xưởng cán thép sản xuất thép tròn D8-D10 với sản lượng khoảng 1.000T/năm.Với quy mô sản xuất nhỏ, còn nhiều bất hợp lý do lịch sử để lại, những năm qua, để phát triển, Thép Thức Đức - VNSTEEL đã chọn cho mình giải pháp xử lý khá thông minh, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Dưới đây là những trao đổi của ông Cao Anh Kiệt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thép Thủ đức-VNSTEEL với phóng viên Tạp chí Công Thương.
PV: Ông đánh giá tóm tắt về thực trạng hệ thống máy móc dây chuyền hiện nay của Thép Thủ Đức - VNSTEEL? Để làm ra sản phẩm sạch cần có những gì liên quan đến công nghệ?

Ông Cao Anh Kiệt: Công ty CP Thép Thủ Đức-VNSTEEL được hình thành từ những năm 1960 với tên ban đầu là Việt Nam Kim khí công ty- VIKIMCO, do chủ là người Việt Nam điều hành và quản lý. Khởi đầu từ một xưởng cán thép sản xuất thép tròn D8-D10 với sản lượng khoảng 1.000T/năm, qua quá trình đầu tư và phát triển đến nay công ty có hai xưởng sản xuất chính là: xưởng luyện thép sản xuất phôi thép từ thép phế liệu có sản lượng đến 200.000T/năm và xưởng cán thép sản xuất thép thanh vằn D10-D32 dùng trong xây dựng có sản lượng đến 180.000T/năm.

Công ty quan niệm để sản xuất ra “sản phẩm sạch” thì sản xuất phải thân thiện với môi trường. Trong quá trình sản xuất, công tác kiểm soát chất lượng liệu đầu vào kết hợp với việc chế biến liệu trước khi đưa vào lò luôn được chú trọng để đảo bảo giảm thiểu tối đa lượng bụi phát thải ra môi trường. Song song đó, công tác bảo trì bảo dưỡng định kỳ các thiết bị trong hệ thống thu bụi hoặc xử lý nước thải được quan tâm và duy trì thường xuyên. Đây là vấn đề sống còn của đơn vị và tất cả các hoạt động của các đơn vị trong công ty đều phải hướng đến mục tiêu này.

                                                               Phôi thép rực lửa

PV: Thực tế đầu tư cho công nghệ là đầu tư không bao giờ thừa, tuy nhiên rất tốn kém, vậy đơn vị của ông làm thế nào để cân đối với tình hình sản xuất kinh doanh?

Ông Cao Anh Kiệt: Bản thân phía Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL hoàn toàn nhất trí với quan niệm đầu tư công nghệ là không bao giờ thừa. Tuy nhiên, thực trạng nổi cộm hiện nay của Công ty chúng tôi là có qui mô sản xuất nhỏ và quá trình đầu tư không đồng bộ nên việc bố trí dây chuyền thiết bị bố trí chưa hợp lý dẫn đến giá thành sản xuất còn cao, thiếu tính cạnh tranh. Trong khi đó, chi phí để đầu tư cải tiến công nghệ trong ngành sản xuất thép rất cao. Với qui mô nhỏ lẻ và việc bố trí dây chuyền luyện cán thép chưa đồng bộ như của Thép Thủ đức hiện nay thì nếu đầu tư thiết bị mới cho toàn bộ dây chuyền thì không thể thực hiện được do gần như phải bỏ tất cả thiết bị cũ, xây dựng mới cả nhà xưởng nên chi phí đầu tư rất cao, thời gian dừng sản xuất dài sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động… Do vậy chúng tôi đã chọn hình thức đầu tư riêng từng cụm thiết bị chủ yếu trong dây chuyền qua từng năm để giảm chi phí tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân và đáp ứng với các tiêu chuẩn về môi trường. Nhờ vậy, sản xuất kinh doanh vẫn có lợi nhuận, đảm bảo tốt thu nhập và việc làm cho người lao động trong những năm qua.

PV: Xin ông cho biết về hiệu quả đóng góp của các phong trào sáng kiến cải tiến tiết kiệm ở Thép Thủ Đức?

Ông Cao Anh Kiệt: Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã luôn chỉ ra rằng: Người lao động trí óc cũng như lao động chân tay nếu không hǎng hái thi đua phát huy sáng kiến và tìm tòi nghiên cứu những sáng kiến, kinh nghiệm đã có thì đó là sự tự tước bỏ một yếu tố quan trọng có tính quyết định giúp cho bản thân có thể vượt qua khó khǎn để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Đối với người có trách nhiệm lãnh đạo, không phát huy sáng kiến, không phổ biến và cho áp dụng sáng kiến, kinh nghiệm là bỏ phí chất xám, công sức của quần chúng, bỏ phí tiền của đã dùng vào việc tìm tòi và thực hiện các sáng kiến, bỏ phí các điều kiện giúp cho mình hoàn thành nhiệm vụ mà mình phụ trách, có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Phong trào phát huy sáng kiến được lãnh đạo Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL quan tâm và tạo mọi điều kiện để phong trào phát triển và đi sâu vào tư tưởng của các CBCNV công ty. Công ty đã yêu cầu đội ngũ chuyên viên, kỹ sư trong từng đơn vị trong công ty tích cực khuyến khích và hỗ trợ để lực lượng lao động trực tiếp có thể tìm tòi, đề xuất những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất của mình. Các sáng kiến dù mang lại lợi ích nhỏ nhưng đều được trân trọng, ghi nhận và khen thưởng động viên kịp thời, ngoài ra việc có sáng kiến là một trong những tiêu chuẩn bình bầu các danh hiệu thi đua cuối năm của CBCNV.

Qua nhiều năm duy trì và phát triển, phong trào phát huy sáng kiến đã tiết kiệm được hàng tỉ đồng, góp phần đáng kể vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

 

Ra phôi


PV: Thép Thủ Đức đặt cho mình kế hoạch tiết kiệm năng lực như thế nào trong giai đoạn 2018- 2023?

Ông Cao Anh Kiệt: Thị trường thép Việt Nam hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt do cung vượt cầu. Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất để giảm giá thành luôn là một trong những giải pháp mà Công ty tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Từ 2013 đến nay công ty đã giảm được 9,2% tiêu hao điện cho khâu luyện thép, 18% tiêu hao gas trong lò nung xưởng cán thép. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty trong các năm qua.

Trong tương lai, Công ty đang chuẩn bị phương án di dời đến địa điểm mới, khi đó với việc bố trí lại dây chuyền sản xuất đồng bộ và hợp lý hơn thì sẽ có điều kiện để kéo giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu thấp hơn nữa.

Minh Thủy - Hồ Nga (Thực hiện)