Thí sinh không mặn mà với hơn 130 tổ hợp xét tuyển ‘lạ’

Trong 138 tổ hợp có thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019, 90% nguyện vọng ở các tổ hợp truyền thống (A, B, C, D và A1), 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm 10%. Có trường nghĩ ra rất nhiều tổ hợp nhưng thí sinh đăng ký không nhiều.

Thông tin về mùa tuyển sinh ĐH năm 2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết điểm mới đáng lưu ý nhất với thí sinh là năm nay khối ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề sẽ có ngưỡng điểm đầu vào riêng, tương tự như đã áp dụng đối với khối ngành sư phạm năm 2018.

Với phương thức xét tuyển theo điểm Kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn sẽ được Bộ GD&ĐT quy định sau khi có điểm thi để các trường có căn cứ xây dựng phương án xét tuyển.

Với phương thức xét tuyển theo học bạ thì học sinh phải đạt học lực giỏi năm lớp 12.

Như vậy, học sinh vẫn có thể dự tuyển vào khối ngành y và ngành sư phạm bằng cách thi tuyển nếu không đạt học lực giỏi ở lớp 12. Thực tế cho thấy, nhiều em học lệch, không đạt học lực giỏi nhưng vẫn có thể đạt điểm cao trong khối môn xét tuyển của các trường và vẫn có cơ hội đỗ vào y, sư phạm.

Một điểm đáng lưu ý nữa với thí sinh khi xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là sau khi có kết quả xét tuyển, nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào trường đại học để xác nhận việc nhập học, nhằm giảm ảo cho các trường. Thí sinh đã trúng tuyển ở trường này sẽ không được xét tuyển ở trường khác.

Các trường được yêu cầu tuyển sinh theo điểm thi THPT quốc gia phải tuyển sinh theo lịch tuyển sinh chung, tránh tình trạng các trường tuyển sinh trước kỳ tuyển sinh chung, gây khó khăn cho thí sinh trong việc lựa chọn trường. Việc này nhằm giúp đảm bảo thí sinh sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.

Làm rõ nguyên nhân tổng chỉ tiêu các trường đại học tăng lên 7,56%, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH nêu 3 căn cứ chính.

Thứ nhất là do năng lực đào tạo của các trường tăng lên. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực của các trường, dựa trên số lượng và trình độ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất… Khi năng lực đào tạo của các trường tăng lên thì chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng.

Thứ hai là do số lượng trường đạt kiểm định chất lượng tăng lên so với năm 2018, với trên 120 trường. Theo quy định, nếu trường nào không kiểm định chất lượng thì sẽ phải giữ nguyên chỉ tiêu như năm trước, dù năng lực đào tạo thực tế có tăng. Trường nào được kiểm định và đạt kiểm định chất lượng thì sẽ được tăng chỉ tiêu tương ứng với năng lực đào tạo. Năm nay, số trường đạt kiểm định tăng nên chỉ tiêu của các trường cũng tăng lên.

Thứ ba là mùa tuyển sinh năm 2019, Bộ GD&ĐT bước đầu tính đến bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đáng kể trong quá trình đào tạo để quản lý chuẩn chất lượng đầu ra tốt hơn, tạo ra sự cạnh tranh trong quá trình học. Việc này nhằm đảm bảo lợi ích thu học phí trong quá trình đào tạo của trường được bù đắp ở mức độ phù hợp. Vì vậy, những trường có sàng lọc chênh lệch đầu vào và đầu ra thì được tính tỷ lệ phù hợp để cộng thêm vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường đó.

Với ba nguyên nhân trên, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của các trường tăng lên 7,56% so với năm trước.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lưu ý chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH là số tối đa còn trên thực tế những năm qua, số tuyển sinh của các trường chỉ đạt khoảng 80%, cả hệ thống trong những năm gần đây không năm nào đạt 100%. Vì vậy, con số thực tế các trường tuyển được còn phụ thuộc vào nhu cầu của người học.

Về tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH theo các tổ hợp, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên thực tế, có 138 tổ hợp có thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó 90% nguyện vọng của thí sinh là ở các tổ hợp truyền thống, gồm các khối A, B, C, D và A1. Tổng của 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm 10% thí sinh đăng ký. Có trường nghĩ ra rất nhiều tổ hợp nhưng kết quả là thí sinh đăng ký không nhiều. Những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ khó thu hút người học. Thực tế, có hơn 20 trường chỉ có dưới 50 thí sinh đăng ký, và cũng chỉ là những nguyện vọng rất xa, nên chưa chắc đã có thí sinh vào.

Năm 2018, có đến 10 trường có dưới 20 thí sinh trúng tuyển, nhưng chưa chắc đã nhập học.