TÓM TẮT:

Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang dần ổn định sau quãng thời gian hoạt động trì trệ. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn nhiều bất ổn và chưa có sự đột phá. Vì vậy, bài báo đi sâu vào nghiên cứu những tiêu chí để thị trường bất động sản Việt Nam có thể phát triển bền vững, từ đó, tìm ra hướng phát triển của ngành Bất động sản trong tương lai.

Từ khóa: Thị trường bất động sản, phát triển bền vững, tài nguyên đất.

1. Đặt vấn đề

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã trải qua hơn hai mươi năm hình thành và phát triển với nhiều biến cố thăng trầm. Trong suốt thời gian từ cuối năm 2003 đến hết năm 2006 và từ đầu năm 2008 đến nay, sự đóng băng cục bộ trên thị trường nhà đất đã làm sụt giảm vai trò chiến lược của toàn bộ hệ thống thị trường BĐS. Sự trì trệ của khu vực thị trường này đã gây thất thu lớn cho nguồn ngân sách nhà nước, lãng phí nguồn tài nguyên đất.

2. Phát triển thị trường bất động sản theo hướng bền vững là cần thiết và đúng quy luật

Theo thống kê cho thấy, lượng giao dịch trên thị trường BĐS năm 2017 bảo đảm tính ổn định khá cao, không có biểu hiện suy giảm nhưng cũng không có hiện tượng tăng đột biến. Tại Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng có khoảng từ 1.000 tới 1.200 giao dịch. Mức giao dịch trên cho thấy, thị trường tăng trưởng ổn định và không có biểu hiện tăng đột biến.

BĐS tồn đọng luôn là yếu tố gây trở ngại cho phát triển thị trường này. Điều đó thể hiện sự lãng phí nguồn lực và làm suy giảm nguồn lực tài chính cho đầu tư BĐS. Tính đến cuối năm 2014, lượng vốn trong kho BĐS tồn đọng được ước tính khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2015, lượng vốn tồn đọng này đã giảm 1/2, chủ yếu bằng cách chuyển đổi dự án cho phù hợp. Từ tháng 1/2016 tới tháng 7/2017, lượng vốn tồn đọng trong các dự án BĐS tồn kho đã giảm từ 73,2 nghìn tỷ đồng xuống còn 33,6 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017, tính đến nay, lượng vốn tồn kho giảm xấp xỉ từ 1.000 tới 2.000 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, số tồn kho còn lại là loại khó giải quyết, vì thường không bảo đảm điều kiện làm chỗ ở. Trong khi đó, mặc dù tín dụng BĐS trong năm 2017 đã có chiều hướng tăng mạnh nhưng cho thấy nhiều dấu hiệu rủi ro xuất hiện, nhất là trong cơ chế thế chấp bằng BĐS tại các ngân hàng thương mại.

Trong thời gian tới, điểm đột phá trong chính sách đất đai và bất động sản cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là tạo cơ chế thuận lợi để chuyển được nguồn vốn đầu tư tiềm ẩn trong bất động sản thành vốn đầu tư phát triển bất động sản (tạo vốn đầu tư từ nội lực). Để điểm đột phá này được thực thi, chúng ta cần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về bất động sản, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, đổi mới hệ thống tài chính bất động sản, hoàn thành hệ thống đăng ký và cấp giấy chứng nhận về bất động sản, tăng cường năng lực cho bộ máy tổ chức và cán bộ quản lý. Pháp luật phải được thực hiện nghiêm, kiểm tra, thanh tra phải có hiệu quả, vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời.

Tài nguyên đất trong cơ cấu BĐS nói riêng và thị trường BĐS nói chung là tài sản đặc biệt của quốc gia vì tài nguyên đất không chịu tác động quy luật hao mòn vô hình, không thể thay thế được, có diện tích hữu hạn nhưng nhu cầu sử dụng thì vô hạn, sử dụng cho nhiều mục đích và là tài sản có giá trị lớn trong cơ cấu vốn của chủ thể sở hữu hoặc sử dụng nó. Mặt khác, tài nguyên đất gắn liền với các yếu tố chủ quyền, an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia; do đó, tài nguyên đất luôn được quan tâm và quản lý chặt chẽ bằng các chính sách nhà nước nhằm tạo sự phát triển bền vững vừa thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng, vừa đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng.

Sự khác biệt của các công trình xây dựng trên đất (tùy vào mục đích sử dụng) khi tham gia giao dịch đã tạo ra tính đa dạng hàng hóa của thị trường BĐS như thị trường đất nông nghiệp, đất công nghiệp, nhà xưởng, nhà ở, BĐS dịch vụ, BĐS thương mại… mà chúng ta thường gọi chung là thị trường BĐS. Trong các năm qua thị trường nhà và đất, hai thị trường quan trọng của hệ thống thị trường BĐS phát triển không ổn định, không những làm giảm sút vai trò chiến lược của kinh tế BĐS mà còn chậm phát trong việc an sinh xã hội, do đó mấu chốt cơ bản để giải quyết căn bệnh trầm kha “lúc nóng, lúc lạnh” nhằm tạo sự ổn định trong tăng trưởng của từng khu vực bằng chiến lược phát triển bền vững thị trường BĐS là việc quan tâm hàng đầu của các chủ thể tham gia thị trường.

Khi thị trường nhà đất bất ổn thì dòng vốn khổng lồ từ của các nhà đầu tư chảy vào kênh chứng khoán, vàng, ngoại tệ, là những thị trường rất hấp dẫn nhưng có nhiều yếu tố rủi ro. Do đó, phát triển bền vững thị trường BĐS sẽ có vai trò chiến lược trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro, không những tạo sự phát triển ổn định của riêng thị trường BĐS mà còn cho cả thị trường vốn của nước ta.

Với dân số hơn 90 triệu người có tốc độ tăng trưởng dân số bình quân hơn 1 triệu người/năm với tổng diện tích đất là 331.690 km2; trong đó, 3/4 diện tích đất là đồi núi và cao nguyên nếu tính thêm sông, hồ, công trình giao thông và những diện tích bỏ hoang khác thì cho thấy sự khan hiếm tài nguyên đất - một nguồn cung cơ bản của thị trường BĐS nước ta trước mắt và lâu dài ngày càng trầm trọng. Mặt khác, BĐS là tài sản có tính bền vững theo thời gian và sử dụng cho nhiều mục đích, do đó giá trị của BĐS thông thường sẽ tăng dần theo thời gian. Vậy chiến lược nào cho đại đa số những người dân có mức độ thu nhập trung bình hoặc thấp trong toàn xã hội có thể tham gia vào thị trường cùng chia sẻ và cùng hưởng thụ từ sự phát triển của thị trường BĐS?

Để trả lời cho câu hỏi trên, việc hoạch định chiến lược quy hoạch và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nói riêng và thị trường BĐS nói chung, nhằm tạo nguồn cung ổn định cho thị trường BĐS đồng thời gắn liền với các lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường và bảo vệ tài nguyên mội trường là nội dung chính của chiến lược phát triển bền vững thị trường BĐS nước ta trong tương lai.

3. Tiêu chí để thị trường bất động sản phát triển bền vững

Theo quan điểm của một vài chuyên gia để phát triển bền vững thị trường BĐS cần hội đủ 3 tiêu chí, đó là:

3.1. Tiêu chí tăng trưởng đều và liên tục

Thị trường BĐS bao gồm nhiều khu vực, nhưng chính sách dành cho thị trường nên vận dụng theo cơ chế linh động với mục đích kiến tạo từng thị trường khu vực bên trong sao cho sự tăng trưởng là liên tục và biên độ tăng trưởng hàng năm càng ổn định càng tốt. Nếu đạt được sự tăng trưởng đều và ổn định từ các khu vực bên trong thị trường BĐS thì đồng nghĩa với sự tăng trưởng đều và liên tục của toàn hệ thống thị trường này. Vấn đề đặt ra là tỷ suất tăng trưởng hàng năm bao nhiêu là tốt và thế nào là ổn định? Giả định ta có dữ liệu của 2 thị trường A và B với sự thay đổi năm sau so với năm trước như mô tả trong Bảng dưới đây:

Nhìn vào Bảng trên, ta thấy sự so sánh giữa hai thị trường A và B. Thị trường B có sự thay đổi ổn định hơn thị trường A theo 2 chỉ số cơ bản: Biên độ dao động của A trong các năm: 14% và thay đổi biên cao nhất: 10% thể hiện sự “nóng và lạnh” trong vòng 6 năm (2011 - 2016), nhưng thị trường B có biên độ dao động: 2,5% và thay đổi biên cao nhất: 1,3%. Từ sự phân tích trên, thị trường không cần tăng trưởng quá nóng, vì khi quá nóng theo vòng quay thị trường đến một lúc nào đó thị trường sẽ lạnh và có thể đóng băng. Do đó về lâu dài, thị trường cần phát triển đều và liên tục. Thị trường B tăng trưởng đều và ổn định hơn thị trường A là mục tiêu của chiến lược tăng trưởng bền vững.

Việc định hướng chỉ tiêu tăng trưởng của thị trường BĐS nên cân đối theo chiến lược tăng trưởng chung của kinh tế quốc gia và sự đóng góp của kinh tế BĐS vào tỷ suất tăng trưởng của toàn nền kinh tế, ngoài ra những yếu tố như sự tác động của thị trường vốn vào thị trường BĐS, yếu tố vĩ mô, vi mô và môi trường ngành cần được nghiên cứu và cân nhắc thêm.

Nếu chỉ số tăng trưởng đã được thiết lập, mục tiêu cho chiến lược tăng trưởng đều và liên tục đã có thì vấn đề đặt ra là bằng công cụ gì nhà quản lý có thể điều tiết chỉ tiêu tăng trưởng đó?

Nguồn cung cho thị trường BĐS phụ thuộc rất nhiều vào sự điều tiết của “ông lớn” là Nhà nước, thông qua quyền định đoạt, Nhà nước có thể trao quyền sử dụng đất cho các cá nhân, doanh nghiệp hoặc mua - bán những công trình gắn liền với đất.

Chính sách đa dạng hóa thị trường BĐS là giải pháp tốt nhằm góp phần bình ổn sự phát triển thị trường BĐS. Vận dụng chính sách thuế cũng được cân nhắc nhằm điều tiết, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường. Chính sách về tín dụng cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc hoạch định một chiến lược tăng trưởng đều và liên tục nhằm phát triển bền vững. Công tác quy hoạch và thủ tục hành chính là những nhân tố tác động đến cung thị trường, góp phần cân bằng và ổn định thị trường BĐS

3.2. Tiêu chí phân bổ các lợi ích từ sự tăng trưởng

Nếu sự phân bổ lợi ích có thiên lệch về một số chủ thể nhất định sẽ làm cho thị trường hoạt động kém hiệu quả mà kết quả sau cùng là chiến lược bền vững sẽ không thể thực hiện được. Một thí dụ đơn cử là khi có mâu thuẫn về quyền lợi phát sinh trong công tác đền bù giải tỏa hệ quả là: Người bị giải tỏa đau đầu vì khiếu kiện, không thể ổn định cuộc sống như mong đợi, chủ đầu tư thì không thể triển khai dự án, đọng vốn, chi phí cao do lãi vốn vay tăng… dự án chậm thực hiện gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, tất cả chỉ xoay quanh việc phân bổ lợi ích từ các dự án BĐS cho các bên có liên quan. Hay khi xây dựng và bán chung cư biệt thự, các chủ đầu tư không nên lấy phí các dịch vụ quá cao mà phải tính toán sao cho các hộ gia đình và chủ đầu tư đều được lợi, hài hòa lợi ích hai bên, lúc đó chủ đầu tư sẽ bán được nhiều hàng, thúc đẩy thị trường tăng trưởng đều, liên tục và bền vững.

70% dân thành phố không có khả năng mua căn hộ hoặc nhà riêng, hàngtriệu người đang sống trong các điều kiện dưới chuẩn nhưng nhiều dự án không thể triển khai, đất bỏ hoang trong nhiều năm, hàng trăm ngàn gia đình có nhu cầu mua nhà ở nhưng khoảng 1/3 căn hộ chung cư xây xong nhưng không có người sử dụng, theo tính toán của các chuyên gia từ nay đến 2020 nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị khoảng 1 triệu căn hộ nhưng thực tế chương trình này triển khai ở mức độ “khiêm tốn”. Tất cả những nghịch lý trên thực sự là thách thức lớn cho những nhà quản lý hiện nay trong công tác phân bổ các lợi ích từ sự phát triển thị trường BĐS.

3.3. Tiêu chí sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường

Không thể nói sự phát triển bền vững thị trường BĐS mà không tính đến yếu tố cảnh quan và môi trường, khi kinh tế phát triển, cuộc sống sung túc hơn, trình độ dân trí cao hơn thì bài toán về môi trường cảnh quan được các chủ thể tham gia thị trường đặc biệt quan tâm. Chắc chắn rằng không ai muốn sống trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, cảnh quan nghèo nàn hoặc cơ sở hạ tầng kỹ thuật xuống cấp…

Tài nguyên thiên nhiên là một trong những yếu tố nguồn lực đầu vào của quá trình sản xuất. Xét trên phạm vi toàn thế giới, nếu không có tài nguyên, đất đai thì sẽ không có sản xuất và cũng không có sự tồn tại của con người, mà sản phẩm ở thị trường BĐS không thể không có tàì nguyên đất. Tuy nhiên, đối với tăng trưởng và phát triển thị trường BĐS, tài nguyên thiên nhiên chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trên thực tế, nếu công nghệ là cố định thì lưu lượng của TNTN sẽ là mức hạn chế tuyệt đối về sản xuất vật chất trong ngành công nghiệp sử dụng khoáng quặng làm nguyên liệu đầu vào như nhôm, thép… phục vụ cho thị trường BĐS. TNTN chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả. Thực tế đã cho thấy nhiều quốc gia mặc dù có trữ lượng tài nguyên phong phú, đa dạng, điều kiện thuận lợi, song vẫn là nước nghèo và kém phát triển, ví dụ như Cô oét, Arập-Sê út, Vê nê zuê la, Chi lê. Ngược lại, nhiều quốc gia có ít tài nguyên khoáng sản nhưng lại trở thành những nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản, Anh, Pháp, Italia…

Tài nguyên đất trong thị trường BĐS nước ta là tài nguyên khan hiếm, do đó, việc sử dụng hợp lý bằng các chính sách quy hoạch khai thác và sử dụng đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn vừa đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế ngày nay vừa bảo tồn để cho thế hệ mai sau. Nhưng thực tế những chỉ số báo động về việc ô nhiễm và hoang hóa nguồn tài nguyên đất do sử dụng tràn lan chất bảo vệ thực vật và việc khai thác bừa bãi tài nguyên rừng, nạn xả chất thải từ các khu công nghiệp… đã làm suy thoái nghiêm trọng tài nguyên đất vốn đã khan hiếm nay lại càng khan hiếm hơn. Do đó, việc bảo tồn và phát triển thị trường BĐS phải gắn liền với việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất và bảo vệ tài nguyên môi trường có ý nghĩa sống còn trong việc phát triển bền vững thị trường BĐS.

4. Kết luận

Nhìn vào thực trạng thị trường BĐS Việt Nam hiện nay và xu hướng những năm tiếp theo thì việc định hướng phát triển bền vững thị trường BĐS có ý nghĩa cấp thiết và quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường BĐS nói riêng và ổn định nền kinh tế quốc gia nói chung. Phát triển bền vững thị trường BĐS nên xây dựng trên 3 tiêu chí là: Tăng trưởng đều và liên tục, phân bổ hợp lý các lợi ích từ sự tăng trưởng đó và việc sử dụng hiệu quả tài nguyên đất gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Hy vọng với những định hướng trên sẽ là tài liệu thực tiễn mang tính tham khảo dành cho các nhà quản lý và kỳ vọng rằng thị trường BĐS nước ta sẽ sớm phát triển bền vững hơn, góp phần thúc đẩy nhanh chóng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sớm trở lại vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trang web Bộ Xây dựng: www. moc.gov.vn

2. Thị trường bất động sản - NXB Bộ Xây dựng 2006

3. Hội thảo nhà ở với giá thành thấp tại Hà Nội

VIETNAMS REAL ESTATE MARKET:

CRITERIA FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT

● PHAM THI THU DUNG

Faculty of Economics - Academy of Finance

ABSTRACT:

Currently, the real estate market in Vietnam is gradually stabilizing after a period of stagnation. However, this market still has many instabilities and no breakthrough. Therefore, the article studied of the criteria for the real estate market in Vietnam to develop sustainably and then find the direction of development of the real estate industry in the future.

Keywords: Real estate market, sustainable development, land resources.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây