Thị trường Maroc ưa chuộng nông, thủy sản Việt Nam

Maroc là thị trường khá mở, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vào Maroc, trong đó nông sản, thuỷ sản.

Hàng nông sản chiếm ưu thế

Theo ông Đỗ Việt Phương - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Maroc, có nhiều điểm thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Maroc. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của 2 nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh đối kháng. Hàng hoá Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý, được các đầu mối nhập khẩu đánh giá tốt và có thể tiếp cận tất cả các phân khúc khác nhau tại thị trường Maroc.

Mặt khác, Maroc là thị trường khá mở, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế. Cũng như nhiều nước châu Phi khác, nền sản xuất của Maroc chưa thực sự phát triển và luôn nhập siêu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vào Maroc, trong đó nông sản, thuỷ sản được nhận định là mặt hàng có nhiều ưu thế.

Trước sự quan tâm của doanh nghiệp trong nước, tại Phiên tư vấn trực tuyến về thị trường Maroc, diễn ra chiều 12/8, do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Maroc tổ chức, ông Đỗ Việt Phương đã giải đáp về cơ hội xuất khẩu, các tiêu chuẩn kỹ thuật, thuế quan của nhiều loại hàng hoá, trong đó chủ yếu là nông sản, thuỷ sản.

Cụ thể với mặt hàng cà phê, nhu cầu tiêu dùng cà phê tại Maroc rất lớn, khoảng 30.000-35.000 tấn/năm. Sản lượng cà phê sản xuất trong nước của Maroc rất nhỏ, chủ yếu phải nhập khẩu, trong đó cà phê Robusta chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu cà phê của nước này.

xuất khẩu sang thị trường maroc
Maroc là thị trường khá mở, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vào Maroc, trong đó nông sản, thuỷ sản

Doanh nghiệp Maroc ưa nhập cà phê chưa rang xay và nhập khẩu tất cả các loại sàng từ 13-18, kể cả cà phê gẫy vỡ nhiều. Nguyên do, cà phê chưa rang xay có thuế quan thấp hơn, khoảng 10%, trong khi cà phê đã rang xay thuế tới 40%. Mặt khác, thị trường Maroc nhập khẩu cà phê chưa rang xay về để pha trộn thêm các thành phần tạo vị phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Về mặt hàng gạo, thị trường gạo Maroc khá đặc thù, không theo quy luật chung của các nước khó khăn là gạo mua qua hợp đồng Chính phủ hoặc qua đấu thầu mà chủ yếu thông qua các nhà nhập khẩu tư nhân. Đặc điểm này thuận lợi bởi thị trường gạo khá tự do nhưng thuế mặt hàng này quá cao, tính tổng thuế và phí lên tới 61%-62%. Mặt khác, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Maroc sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ gạo có xuất xứ từ Trung Quốc.

Mặt hàng thuỷ sản đông lạnh, ông Đỗ Việt Phương cho rằng, tôm và cá basa, cá tra của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Maroc và phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại  kháng sinh, kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm dịch thực vật… Ghi nhãn bao bì thực phẩm phải có thông tin về nhà nhà nhập khẩu, thông tin dinh dưỡng, cách sử dụng, thông tin bảo quản và nhãn bao bì sử dụng ít nhất 2 ngôn ngữ.

Trước sự quan tâm của doanh nghiệp về thị trường Halal tại Maroc, ông Đỗ Việt Phương cho biết, Maroc có nhãn hiệu Halal riêng nhưng khá tương thích với Halal ở các quốc gia khác trên toàn thê giới. Quá trình chứng nhận Halal tại Maroc rất khắt khe. Trong đó, họ sẽ cử đoàn, gồm nhiều thành phần trong đó có chuyên gia về tín ngưỡng hồi giáo đi cùng khảo sát nhà máy.

Tuy nhiên, có những sản phẩm không nhất thiết phải có dấu Halal, như bún khô. “Vì vậy, trong  quá trình tiếp xúc với nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam luôn phải trao đôi kỹ bởi có những trường hợp đòi hỏi có dấu Halal, có trường hợp không”, ông Phương thông tin.

Còn rất nhiều trở ngại

Dù thị trường Maroc có nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam, tuy nhiên, ông Đỗ Việt Phương nhấn mạnh, trở lực là không nhỏ. Từ năm 2020, Chính phủ Maroc có chính sách hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách. Kế hoạch đến năm 2023, Maroc có thể giảm nhập khẩu tương đương 35 tỷ USD, điều này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều. Tư duy quản lý và tập quán kinh doanh giữa Việt Nam và Maroc khác biệt khá xa. Cơ quan Nhà nước khó áp dụng chế tài  xử lý doanh nghiệp tư nhân.

xuất khẩu hàng hóa sang thị trường maroc
Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này doanh nghiệp cần vượt qua các trở lực về thói quen tiêu dùng, tư duy quản lý, ngôn ngữ khác biệt và nhất là nâng cao sức cạnh tranh

Cơ chế chính sách, thủ tục ngoại thương của Maroc phức tạp, xử lý kéo dài, gây cản trở với hoạt động kinh doanh. Uy tín trong kinh doanh của doanh nghiệp Maroc chưa cao do tiềm lực tài chính mỏng, khi giá cả phát sinh lên xuống sẵn sàng bỏ hàng. Trở lực lớn nữa đến từ ngôn ngữ, dù tiếng pháp là ngôn ngữ thứ 2 tại Maroc nhưng trong giao dịch thương mại, vấn đề liên quan đến pháp lý ngôn ngữ sử dụng vẫn chủ yếu là tiếng Ả rập.

Dù có không ít trở lực nhưng theo ông Đỗ Việt Phương, với tinh thần “năng nhặt chặt bị”, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn thì doanh nghiệp nên tận dụng mọi cơ hội, mọi thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đỗ Việt Phương cũng lưu ý, khi hợp tác với nhà nhập khẩu Maroc, doanh nghiệp phải yêu cầu đối tác cung cấp hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp như bản sao đăng ký kinh doanh, mã số thuế… để có thông tin khách hàng, xác minh và trong trường hợp có phát sinh có thể hoàn thiện hồ sơ khởi kiện. Tuỳ từng hàng hoá cụ thể, đề nghị đối tác đặt cọc, ít nhất từ 25% trở lên. Cọc cao không đảm bảo triệt tiêu rủi ro mà giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tuyệt đối không chuyển trước cho đối tác bất cứ khoản tiền nào, dưới bất kỳ ký do gì. Hợp đồng ký kết qua thư điện tử và phụ lực cần lưu ý chữ ký và con dấu bởi có thể bị cắt dán giả mạo, nhất là hợp đồng qua trung gian. Không gửi cho khách hàng ảnh chụp vận đơn gốc của hãng tàu; hợp đồng vận tải với hãng tàu uy tín; ràng buộc trách nhiệm với hãng tàu phải sử dụng dịch vụ của đơn vị giao nhận có uy tín tại cảng đến. Sử dụng ngân hàng có trụ sở tại các thành phố lớn. Và khi có trục trặc, cần liên hệ sớm với các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết, tránh để kéo dài thiệt hại cho doanh nghiệp.

Chính phủ Maroc có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước nên thuế các dòng hàng thành phẩm khá cao. Với hàng nông sản, nông sản chế biến thuế tối thiểu ở mức 17,5% và cao nhất 40%, 90% các loại quả tươi có thuế 40%.
Hạ An