Thị trường mua bán phát thải của Liên minh châu Âu và một số đề xuất cho Việt Nam

TS. ĐÀO GIA PHÚC (Phó Giám đốc, Trung tâm Pháp luật Hoa Kỳ; Giảng viên, Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) và PHẠM LỘC HÀ (Chuyên viên, Trung tâm Pháp luật Hoa Kỳ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Biến đổi khí hậu hiện đang là một vấn đề cấp thiết được quan tâm bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tượng này được gây ra chủ yếu do quá trình phát tán khí thải nhà kính trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người ra môi trường. Do vậy, một trong những mục tiêu chính của chính sách chống biến đổi khí hậu là giảm thiểu lượng khí thải này.

Trên thực tế hiện nay các quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận về một cơ chế thống nhất ngoại trừ một số cam kết chung không có tính ràng buộc về cắt giảm lượng khí thải hàng năm. Trong bối cảnh đó, thị trường mua bán phát thải đang được xem là một trong những chính sách nội địa hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm chủ động giảm thiểu lượng khí thải hàng năm, góp phần hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu.

Một ví dụ điển hình là thị trường mua bán phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), đây là thị trường đầu tiên trên thế giới và cũng là một trong những chính sách quan trọng của khối này để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bài viết tập trung vào việc phân tích cơ sở hình thành, thực tiễn thực thi thị trường mua bán phát thải của Liên minh châu Âu, từ đó đưa ra một số định hướng cho Việt Nam.

Từ khóa: Biến đổi khí hậu, phát thải, khí nhà kính, thị trường mua bán phát thải, EU ETS.

1. Quá trình hình thành và phát triển EU ETS

Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) được kí kết vào năm 1992 đã thiết lập hệ thống quản trị cơ bản với các mục tiêu và nguyên tắc về chế độ khí hậu toàn cầu, tuy nhiên những thỏa thuận này không ràng buộc về mặt pháp lý. Để khắc phục những hạn chế của UNFCCC trong việc thiếu các giới hạn và biện pháp cụ thể để giảm phát thải, Nghị định thư Kyoto đã được ký kết vào ngày 11/12/1997 với các quy định tập trung vào việc ổn định nồng độ khí nhà kính (Green House Gas - GHGs) gây ra bởi con người vào khí quyển. Các quốc gia tham gia phải chấp nhận cắt giảm khí CO2 cùng với 5 loại khí nhà kính bao gồm Methane (CH4); Nitrous oxide(N2O); Hydrofluorocabons (HFCs); Perfuorocarbons (PFCs); và Sulphur hexahexafluoride (SF6),[1] với các phương thức thực hiện như sử dụng các quá trình tự nhiên, loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển, thông qua cơ chế phát triển sạch (CDM)[2] hoặc Nghị quyết chung (IJ)[3], tức là cho phép các nước tham gia mua và bán quyền phát thải.[4] Với những cách thức đã nêu, các quốc gia có thể linh hoạt lựa chọn các phương thức nhằm đảm bảo mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết của mình. Chính điều này đã dẫn đến nhu cầu có một chính sách phù hợp tại mỗi quốc gia đối với việc giảm phát thải khí nhà kính theo nội dung Nghị định thư Kyoto.

Vào tháng 3/2000, Ủy ban châu Âu đã trình một báo cáo về “Mua bán khí thải nhà kính trong Liên minh châu Âu” với ý tưởng về việc thiết kế Thị trường mua bán phát thải tại EU (EU ETS). Từ đây, các cuộc thảo luận liên quan được tiến hành nhằm định hình về EU ETS trong giai đoạn sơ khởi, Chỉ thị về việc xây dựng EU ETS năm 2003 đã được thông qua và thị trường mua bán phát thải của EU đã được hình thành chính thức vào năm 2005. EU ETS hiện nay đã trở thành thị trường mua bán phát thải lớn nhất thế giới với sự tham gia của 31 quốc gia thành viên EU, 11.000 doanh nghiệp (các nhà máy điện, cơ sở sản xuất công nghiệp) và các hãng hàng không hoạt động giữa các quốc gia này.[5] Thị trường này hiện được xem là nền tảng trong chính sách về môi trường của EU với mục tiêu chính là giảm lượng khí thải CO2 và góp phần thực hiện mục tiêu tại Hiệp định Kyoto, đồng thời đảm bảo được tính hiệu quả về mặt chi phí.[6]

Thị trường mua bán phát thải của EU trải qua 3 giai đoạn hoạt động và đang chuẩn bị cho giai đoạn 4, sau năm 2020. Giai đoạn 1, từ năm 2005 đến năm 2007, là giai đoạn thử nghiệm với các tín chỉ phát thải của EU (European Union Allowances-EUAs) được phân bổ miễn phí.[7] Giai đoạn này được sử dụng nhằm xác định mức giá cacbon trên thị trường và thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để giám sát, báo cáo và xác định giới hạn phát thải của các doanh nghiệp. Mục đích chính của giai đoạn này nhằm đảm bảo EU ETS được hoạt động hiệu quả trước năm 2008 (khi Nghị định Kyoto có hiệu lực) và các thành viên của EU đáp ứng các cam kết theo Nghị định Kyoto.

Giai đoạn 2, từ năm 2008 đến 2012, thời gian này tương ứng với giai đoạn đầu tiên của cam kết trong Nghị định thư Kyoto, các tín chỉ phát thải phân bổ miễn phí đã giảm xuống. Chính vì vậy, khi mức phát thải thực tế vượt quá mức tín chỉ được phân bổ miễn phí thì các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng quyền phát thải thông qua việc tài trợ các dự án giám phát thải khí nhà kính ở các nước đang phát triển (được liệt kê tại Phục lục B của Nghị định thư Kyoto). Ở giai đoạn bắt đầu, EU ETS nhắm vào việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành điện và công nghiệp sản xuất, chế tạo. Đến năm 2012, phạm vi đã mở rộng thêm hoạt động của ngành hàng không.

Giai đoạn 3, từ năm 2013 đến 2020, đã đưa các ngành nhôm, thép, kinh doanh, vận chuyển cacbon, hóa dầu và các ngành hóa chất khác cùng nằm trong phạm vi điều chỉnh của EU ETS. Các loại khí nhà kính cũng được mở rộng từ khí CO2 và hiện nay bao gồm khí thải N2O và PFC từ sản xuất nhôm.[8] Giai đoạn này được xây dựng với những nỗ lực nhằm hài hòa các quy định của EU ETS đến tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là các quy định về phân bổ tín chỉ phát thải đã được thay đổi. Theo đó, các tín chỉ phát thải sẽ giảm dần và việc phân bổ sẽ dựa trên tiêu chuẩn của sản phẩm sản xuất. Với mục tiêu giảm 21% lượng khí nhà kính vào năm 2020 (so với năm 2005), EU đưa ra tổng mức phát thải cho từng giai đoạn cho tất cả các quốc gia trong Liên minh và được thiết kế giảm dần theo từng năm từ 2013, khoảng 1,74%/năm.[9]

Sau đó, các định hướng nhằm phát triển giai đoạn 4 của thị trường được các cơ quan có thẩm quyền của EU thảo luận vào năm 2018. Theo đó, mục tiêu chính của giai đoạn 4 bao gồm: (i) Tăng cường phát triển EU ETS bằng cách giảm 2.2% các khoản tín chỉ phát thải miễn phí vào năm 2021 và củng cố Cơ chế Dự trữ ổn định thị trường (Market Stability Reserve)[10]; (ii) Tiếp tục phân bổ các tín chỉ miễn phí nhằm bảo vệ khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp trước hiện tượng rò rỉ cacbon (cacbon leakage); (iii) Hỗ trợ ngành công nghiệp và ngành điện đáp ứng các thách thức trong quá trình chuyển đổi sang ngành công nghiệp phát thải thấp.[11] EU-ETS trong quá trình hình thành và phát triển đã có rất nhiều cải tiến, cấu trúc lại mô hình, cơ chế hoạt động để cải thiện các điểm yếu của thị trường.

2. Mô hình thiết kế thị trường và các giai đoạn thực thi

2.1. Tổng quan mô hình hoạt động cap-and-trade của EU ETS   

EU ETS được thiết kế theo mô hình “cap and trade” với tổng mức phát thải được giới hạn theo từng thời kỳ, với sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên và sẽ giảm dần qua từng năm. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động của mình nhằm đáp ứng mục tiêu đã được đề ra. EU cũng đã thiết lập Quy trình giám sát, báo cáo và xác minh hàng năm (MRV), các quy trình liên quan khác còn gọi là Chu trình tuân thủ ETS nhằm đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả.

Các chủ thể phát thải thuộc phạm vi điều chỉnh của thị trường phải có kế hoạch giám sát lượng phát thải được phê duyệt, theo Quy định Giám sát và Báo cáo (MRR)[12] cũng như Quy định về Công nhận và Xác minh (AVR)[13]. Cụ thể, các chủ thể phát thải sẽ phải nộp báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban châu Âu, báo cáo phải được thẩm định bởi thẩm định viên trước khi nộp. Chính phủ mỗi quốc gia dựa trên các báo cáo đó để phân bổ một lượng tín chỉ phát thải miễn phí cho doanh nghiệp (tỉ lệ tín chỉ phát thải miễn phí trên tổng lượng phát thải của doanh nghiệp được Chính phủ ấn định tùy theo từng giai đoạn), phần còn lại sẽ trở thành các tín chỉ được đưa vào giao dịch trên thị trường. Sau mỗi năm, doanh nghiệp sẽ phải nộp đủ số tín chỉ tương ứng với lượng phát thải. Nếu một doanh nghiệp thực hiện tốt việc giảm phát thải và không sử dụng hết lượng tín chỉ thì có thể giữ lại chúng để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, hoặc bán cho các doanh nghiệp khác.[14] Trong khi đó, các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn mức được phân bổ miễn phí sẽ phải mua lại các tín chỉ phát thải trên thị trường hoặc thông qua đấu giá được tổ chức bởi Chính phủ.[15] 

quy_trinh_hoat_dong_cua_eu-ets  Nguồn: https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf

2.2. Chính sách cụ thể của EU cho từng giai đoạn phát triển của EU ETS

+ Giai đoạn 1:

Giai đoạn đầu tiên của EU ETS là giai đoạn thử nghiệm. Các quốc gia thành viên có quyền tự do quyết định tổng số tín chỉ phát thải của EU (EUAs) cho từng ngành trong lãnh thổ của họ bằng cách chuẩn bị kế hoạch phân bổ quốc gia (National Allocation Plans-NAP). Hầu như tất cả các tín chỉ phát thải trong giai đoạn này đều được phân bổ miễn phí, các quốc gia được phép bán đấu giá tối đa 5% lượng tín chỉ phát thải trong trường hợp các tín chỉ miễn phí bị thiếu hụt trên thực tế.[16]

Khi vừa bắt đầu, giá trị giao dịch cho mỗi tấn CO2 vào khoảng 20 - 30 EUR/tấn, với mức phát thải tối đa cho phép trên toàn thị trường là 2058 triệu tấn CO2.[17] Mức phạt đối với các công ty không nộp đủ số tín chỉ phát thải trong 1 năm là 40 EUR cho mỗi tấn CO2. Tuy nhiên, sau năm đầu tiên đi vào hoạt động với dữ liệu phát thải thực tế được công bố, giá của tín chỉ phát thải sụt giảm mạnh xuống còn 10.90 EUR vào tháng 5/2006 và cuối cùng giá trị về 0 EUR khi kết thúc giai đoạn này. Hiện tượng này được lý giải là đã có quá nhiều tín chỉ phân bổ miễn phí đã được cấp ra cho các doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng thừa tín chỉ trên thị trường. [18]

+ Giai đoạn 2:

Ở giai đoạn 2, EU đã áp đặt mức phát thải chặt chẽ hơn bằng cách giảm 6,5% lượng tín chỉ phát thải miễn phí so với năm 2005, với mức phát thải tối đa cho giai đoạn 2 giảm xuống còn 1859 triệu tấn CO2.[19] Thêm vào đó, các quốc gia thành viên được phép dành tối đa 10% lượng tín chỉ để đấu giá thay cho mức 5% như trước đây. Mức phạt cho việc không tuân thủ cũng tăng lên 100 EUR mỗi tấn CO2.

Đồng thời, điểm đặc biệt của giai đoạn này là các doanh nghiệp cũng được sử dụng thêm các tín chỉ phát thải thu được từ các dự án quy định trong Cơ chế phát triển và Nghị quyết chung[20]. Điều này đã đem lại hiệu quả về mặt chi phí cho các doanh nghiệp của EU, đồng thời giúp cho EU ETS trở thành một thị trường mang lại hiệu quả cắt giảm cacbon trên phạm vi quốc tế - vốn chưa quốc gia nào trên thế giới thực hiện được vào giai đoạn này. Tuy nhiên, do sự dồi dào của các tín chỉ có trên thị trường kèm theo cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2008 làm giảm lượng phát thải (do suy thoái kinh tế) đã khiến giá tín chí phát thải giảm từ 30 EUR xuống dưới 7 EUR.[21]

+ Giai đoạn 3:

Giai đoạn 3 diễn ra từ năm 2013 đến 2020. Giai đoạn này chủ yếu rà soát và điều chỉnh thị trường dựa trên kinh nghiệm của các giai đoạn trước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của các ngành công nghiệp trong việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ phát thải ít cacbon, đồng thời vẫn đáp ứng được tính hiệu quả về mặt chi phí. Vào đầu giai đoạn này, giá của các tín chỉ phát thải giao động từ 3 - 7 EUR. 

Hình 2: Diễn biến giá của các tín chỉ phát thải giai đoạn 2005 - 2017

dien_bien_gia_cua_cac_tin_chi_phat_thai_giai_doan_2005_-_2017

Nguồn: Giá của các tín chỉ phát thải giai đoạn 1 và 2, giai đoạn 3 tính đến thời điểm 05/08/2018, Thomson Reuters[22]

Cụ thể, do sự mất giá đáng kể của các tín chỉ phát thải giao dịch trên thị trường từ các giai đoạn trước như đã đề cập ở trên, EU trong giai đoạn này đã quyết định hoãn đấu giá 900 triệu tín chỉ phát thải nhằm đảm bảo cân bằng cung và cầu trong ngắn hạn.[23] Ngoài ra, EU cũng nâng mức cắt giảm phát thải trung bình lên 1,74% mỗi năm, nhằm đạt được mục tiêu giảm 21% tổng lượng phát thải vào năm 2020 so với năm 2005.[24] Các quốc gia thành viên vẫn tiếp tục đệ trình kế hoạch phân bổ lượng phát thải trong nước dựa trên việc thu thập dữ liệu từ các doanh nghiệp, Hội đồng châu Âu sẽ có quyền thông qua, từ chối hoặc yêu cầu điều chỉnh kế hoạch này.[25]

Một số điều chỉnh đặc biệt của EU lên thị trường ở giai đoạn này là việc phân bổ tín chỉ phát thải chủ yếu dựa trên hình thức đấu giá.[26] Theo đó, các ngành năng lượng không còn được nhận các tín chỉ phát thải miễn phí mà phải giao dịch trên thị trường thông qua hình thức đấu giá, các ngành công nghiệp còn lại vẫn được cấp các tín chỉ phát thải miễn phí dựa trên đánh giá hiệu suất phát thải đầu ra (hoặc đầu vào),[27]. Ngoài ra, EU cũng xây dựng tiêu chuẩn phát thải (benchmark) cho một số sản phẩm nhất định (ví dụ sắt, xi măng, vôi), các ngành công nghiệp sản xuất sẽ nhận được 80% các tín chỉ phát thải miễn phí so với các năm trước đây và tiếp tục giảm dần qua từng năm, dự kiến còn 30% vào năm 2020.[28]

+ Giai đoạn 4:

Giai đoạn này dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và kết thúc vào ngày 31/12/2028,[29] với một số định hướng đưa ra sau nhiều vòng tham vấn với các bên liên quan: (i) Tổng mức giảm phát thải tăng từ 1,74% lên 2,2%; (ii) Hạn chế sử dụng tín chỉ từ các dự án đầu tư quốc tế trừ khi đạt được thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu.[30] Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất tạo lập một khoản dự trữ ổn định thị trường (Market Stability Reserve) sau năm 2021 cho phép giải quyết các vấn đề về mất cân bằng cung cầu hiệu quả hơn.[31] (Xem Bảng)

Bảng. So sánh các giai đoạn hoạt động của EU ETS

so_sanh_cac_giai_doan_hoat_dong_cua_eu_ets 3. Ưu, nhược điểm của EU ETS

Trong 3 giai đoạn hoạt động, EU ETS đã chứng minh rằng hoạt động mua bán phát thải có hiệu quả khi thị trường này đưa 50% tổng lượng khí nhà kính tại EU vào giao dịch với phạm vi địa lý, ngành sản xuất và các loại khí nhà kính ngày càng được mở rộng. Cụ thể, EU ETS đã mở rộng từ 27 quốc gia thành viên lúc ban đầu, đến hết giai đoạn 3, đã có thêm sự tham gia của Na Uy, Iceland, Lienchtenstein và Croatia. Loại khí phát thải được điều chỉnh cũng mở rộng từ CO2 lúc ban đầu cho đến cả N2O và PFC, tổng mức phát thải cũng thay đổi qua các năm từ 2058 triệu tấn xuống còn 1859 triệu tấn ở giai đoạn 2, đầu giai đoạn 3 là 2084 triệu tấn và giảm 38 triệu tấn mỗi năm sau đó. Thị trường cũng tạo ra nguồn thu cho Chính phủ thông qua bán đấu giá các tín chỉ phát thải, khoảng 50% nguồn thu được sử dụng để tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu nội địa (ví dụ: Quỹ năng lượng và khí hậu của Đức)[32].

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính, trên cơ sở hiệu quả về mặt chi phí, EU ETS cũng tồn tại một số những hạn chế nhất định trong quá trình thực thi của mình. Điển hình là, trong giai đoạn đầu, lượng tín chỉ phát thải được phân bổ quá nhiều dẫn đến giá cacbon giảm mạnh và mất đi tác dụng trong việc thúc đẩy các ngành sản xuất cắt giảm lượng phát thải. Thực tế cho thấy, EU ETS phân bổ lượng EUAs dựa trên những dự báo định tính hơn là các số liệu thực tế,[33] điều này cũng có thể được hiểu là do tính mới và sự tiên phong của EU ETS. Sự biến động về giá cả và dư thừa tín chỉ này được đánh giá là đã làm giảm đáng kể tính hiệu quả của EU ETS trong mục tiêu làm giảm tổng phát thải của khu vực.

4. Bài học cho Việt Nam

Việt Nam hiện đang triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường cacbon tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tại Quyết định số 1803/QĐ-TTg ngày 22/10/2015 nhằm tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA). Bên cạnh đó, để kiểm soát ô nhiễm không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Một trong những mục tiêu chính của các văn bản và kế hoạch nêu trên là xây dựng và phát triển thị trường mua bán cacbon trong nước và các cơ chế hợp tác khác về giảm phát thải khí nhà kính theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, thực hiện thí điểm trong các lĩnh vực có tiềm năng. Mục tiêu này cũng phù hợp với Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường 2014 về quản lý phát thải khí nhà kính, trong đó có hình thành và phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết về việc hình thành, phát triển và thực thi thị trường còn hạn chế, do vậy trong thời điểm hiện tại, Việt Nam cần lưu ý và định hướng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thực hiện việc rà soát, tập hợp các cam kết và chiến lược về chống biến đổi khí hậu vào một khung pháp lý hoàn chỉnh, ví dụ như nghiên cứu xây dựng Luật Biến đổi khí hậu, tạo hành lang pháp lý cần thiết để ban hành các quy định về thị trường mua bán phát thải tại Việt Nam. Song song với đó, xây dựng một cơ quan chuyên trách có đầy đủ quyền hành để điều tiết thị trường một cách minh bạch, linh hoạt, tránh sự chồng chéo giữa trách nhiệm của các Bộ, Ngành.

Thứ hai, để tạo điều kiện cho thị trường được hoạt động một cách hiệu quả, Chính phủ cần xây dựng một hệ thống dữ liệu về phát thải của các ngành sản xuất trong nước dựa trên kinh nghiệm từ các thị trường mua bán phát thải như của EU, từ đó xác định hình thức thị trường, phạm vi thị trường, ngành sản xuất, loại khí nhà kính, tổng mức tín chỉ phát thải miễn phí cần thiết… Cơ chế điều chỉnh hạn mức giảm phát thải cũng cần được luật hóa để tạo điều kiện cho cơ quan quản lý điều tiết thị trường một cách linh hoạt, tránh các rủi ro giảm mạnh giá cacbon đã từng gặp phải ở EU ETS, cũng như định hướng một chính sách kiểm soát việc rò rỉ cacbon từ các ngành sản xuất khi thị trường này chính thức đi vào hoạt động.

            Thứ ba, song song với khung pháp lý về việc vận hành thị trường mua bán phát thải, hệ thống các quy định về đảm bảo tuân thủ giảm phát thải, chế tài cũng phải được ban hành (tương tự như Chu trình tuân thủ của EU ETS). Điều này đảm bảo cho thị trường được vận hành một cách minh bạch và tạo niềm tin cho các ngành sản xuất khi tham gia vào thị trường. Đồng thời, giúp cho giá cacbon được duy trì ở mức ổn định, thúc đẩy đầu tư vào các ngành sản xuất ít phát thải, công nghệ tiên tiến và tăng nguồn thu ngân sách.

Lời cảm ơn : “Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật / ĐHQG TP.HCM trong Đề tài mã số: CS/2019-01”.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Kyoto Protocol to the United Nations Framework Convention on Climate Change, Phụ lục A, https://unfccc.int/resource/docs/convkp/kpeng.pdf

[2]  Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism) là một cơ chế linh hoạt được định nghĩa tại Điều 12 Nghị định Kyoto. Theo CDM, các nước công nghiệp phát triển cam kết giảm phát thải theo Nghị định Kyoto có thể tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính ở các nước đang phát triển để tìm kiếm các tín chỉ phát thải (CER) nhằm đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải cam kết tại Nghị định này.

[3] Nghị quyết chung (Joint Implementation) là một cơ chế linh hoạt khác được định nghĩa tại Điều 6 Nghị định Kyoto. Cơ chế này cho phép các quốc gia thuộc Phụ lục B (các quốc gia có cam kết giảm hoặc hạn chế phát thải theo Nghị định Kyoto) kiếm được các đơn vị giảm phát thải (ERU) qua các dự án giảm hoặc loại bỏ phát thải ở một số quốc gia khác tại Phụ lục B.

[4] UNFCCC, What is the Clean Development Mechanism?, https://cdm.unfccc.int/about/index.html, truy cập ngày 20/9/2020

[5] European Commission, EU Emission Trading System, https://ec.europa.eu/clima/policies/ets_en, truy cập ngày 20/9/2020

[6] Frank J. Convery, Origins and Development of the EU ETS, Environmental and Resourses Economics, trang 407, http://content.ccrasa.com/library_1/62%20-%20Origins%20and%20Development%20of%20the%20EU%20ETS.pdf

[7] Mỗi tín chỉ phát thải của EU (EUA) tương đương với quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc một lượng tương tự khí N2O và PFCs, xem thêm tại https://ec.europa.eu/clima/policies/ets/cap_en

[8] European Commission, EU Emissions Trading System, https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf, trang 20

[9] Peter Heindl, Andreas Loschel, Designing Emissions Trading in Pratice: General Considerations and Experiences from the EU Emissions Trading Scheme (EU-ETS), 01/2012, trang 6

[10] Cơ chế này do EU thiết lập vào năm 2015 nhằm giảm dư thừa tín chỉ phát thải và cải thiện khả năng phục hồi thị trường với các vấn đề phát sinh trong tương lai, xem thêm tại: https://ec.europa.eu/clima/policies/ets/reform_en

[11] European Commission, EU Emission Trading System, https://ec.europa.eu/clima/policies/ets_en, truy cập ngày 20/9/2020

[12] Chi tiết tại https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:02012R0601-20190101

[13] Chi tiết tại https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=uriserv:OJ.L_.2018.334.01.0094.01.ENG

[14] European Commission, EU emissions trading system, https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf , trang 16

[15] European Commission, EU ETS FAQs Questions and answers on how emissions trading works, https://ec.europa.eu/clima/policies/ets_en#tab-0-2

[16] European Commission, EU ETS Handbook, https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf, trang 24

[17] Nt, trang 19

[18] Bagchi Chandreyee and Eike Velten (2014), The EU Emissions Trading System: Regulating the Environment in the EU, Climate Policy Info Hub, https://climatepolicyinfohub.eu/eu-emissions-trading-system-introduction#footnote5_3b97qec

[19] European Commission, EU ETS Handbook, https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf, trang 19

[20] Xem lại footnote số 2 và 3; Tổng số tín chỉ từ 2 chương trình được sử dụng trên thị trường ở giai đoạn này lên đến 1,4 tỷ tấn tín chỉ (ngoại trừ các khoản tín chỉ sử dụng tại các cơ sở hạt nhân, nông nghiệp và các hoạt động lâm nghiệp

[21] Bagchi Chandreyee and Eike Velten (2014), The EU Emissions Trading System: Regulating the Environment in the EU, Climate Policy Info Hub, https://climatepolicyinfohub.eu/eu-emissions-trading-system-introduction#footnote5_3b97qec

[22] Dallas Burtraw và Michael Themann, Pricing Carbon Effectively: Lessons from the European Emissions Trading System, https://media.rff.org/documents/PricingCarbonEffectively_Report_1.pdf, trang 7

[23] European Commission, Market Stability Reserve, https://ec.europa.eu/clima/policies/ets/reform_en

[24] Nt

[25] European Commission, EU ETS Handbook, https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf, trang 26

[26] Từ năm 2013, 50% số lượng tín chỉ phát thải sẽ được cung cấp qua hình thức đấu giá, với số lượng ngày càng tăng trong quá trình giao dịch. Xem Nt.

[27] Bagchi Chandreyee and Eike Velten (2014), The EU Emissions Trading System: Regulating the Environment in the EU, Climate Policy Info Hub, https://climatepolicyinfohub.eu/eu-emissions-trading-system-introduction#footnote5_3b97qec

[28] European Commission, Free allocation, https://ec.europa.eu/clima/policies/ets/allowances_en

[29] Bagchi Chandreyee and Eike Velten (2014), The EU Emissions Trading System: Regulating the Environment in the EU, Climate Policy Info Hub, https://climatepolicyinfohub.eu/eu-emissions-trading-system-introduction#footnote5_3b97qec

[30] European Commission, EU Emission Trading System (EU, ETS), https://ec.europa.eu/clima/policies/ets_en

[31] European Commission, Structural reform of the European carbon market, 2014

[32] European Commission, EU ETS Handbook, https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf, trang 35

[33] Lucas Merrill Brown, Alex Hanafi và Annie Petsonk, The EU Emisssions Trading System: Results and Lessons Learned, https://www.edf.org/sites/default/files/EU_ETS_Lessons_Learned_Report_EDF.pdf, trang v.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bagchi Chandreyee and Eike Velten (2014), The EU Emissions Trading System: Regulating the Environment in the EU, Climate Policy Info Hub, 13/05/2014[Accessed 12 August 2020].
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống thương mại khí nhà kính Liên minh châu Âu, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21297, ngày 30/01/2019
  3. Clean Development Mechanism, https://cdm.unfccc.int/. [Accessed 12 August 2020].
  4. Dallas Burtraw, Michael Themann (2018), Pricing Carbon Effectively: Lessons from the European Emissions Trading System. https://www.rff.org/publications/reports/pricing-carbon-effectively-lessons-from-the-european-emissions-trading-system/ [Accessed 12 August 2020].5. European Commission (2015), EU ETS Handbook. < https://ec.europa.eu/clima/sites/clima/files/docs/ets_handbook_en.pdf[Accessed 12 August 2020].6. European Commission (2014), Structural reform of the European carbon market.
  5. European Commission, EU Emissions Trading System (EU ETS), https://ec.europa.eu/clima/policies/ets_en [Accessed 12 August 2020].8. Frank J. Convery (2009), Origins and Development of the EU ETS, Environmental and Resourses Economics.
  6. International Carbon Action Partnership, https://icapcarbonaction.com/en/ [Accessed 12 August 2020].
  7. Kyoto Protocol to the United Nations Framework Convention on Climate Change
  8. Lucas Merrill Brown, Alex Hanafi và Annie Petsonk, The EU Emisssions Trading System: Results and Lessons Learned
  9. Peter Heindl, Andreas Loschel, Designing Emissions Trading in Pratice: General Considerations and Experiences from the EU Emissions Trading Scheme (EU-ETS), 01/2012
  10. Trần Hoàn, Kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng thị trường phát thải carbon và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Môi trường số chuyên đề III, 2017
  11. United Nations Climate Change, https://unfccc.int/ 

 

THE EUROPEAN UNION’S EMISSIONS TRADING SYSTEM

AND PROPOSALS FOR VIETNAM

Ph.D DAO GIA PHUC

Vice Director, American Law Center

Faculty of Economic Law, University of Economics and Law,

Vietnam National University – Ho Chi Minh City Campus

PHAM LOC HA

Official, American Law Center

University of Economics and Law,

Vietnam National University – Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Climate change is an urgent issue concerned by countries around the world, as the research of scientists, this phenomenon is caused mainly by the emission of greenhouse gases in production activities to the environment. Therefore, one of the main goals of climate change policies is to reduce these greenhouse gases; however, countries have not yet reached an agreement on a unified climate change mechanism except for some general non-binding commitments on annual emissions reduction. In that context, the emission trading scheme is being considered as one of the effective domestic policies in many countries to reduce emissions and address climate change. A typical instance is the EU's emissions trading system, which is the first international system and an important policy of the EU to tackle this issue. The article will analyze the basis of the formation and implementation of the EU ETS, thereby providing some proposals for Vietnam.

Keywords: Climate change, emissions, greenhouse gas, emissions trading scheme, EU ETS.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 23, tháng 9 năm 2020]