Thị trường ngày 10/12: Giá kim loại chủ chốt đồng loạt giảm

Vàng giảm trong phiên ngày 10/12 do đồng USD mạnh lên so với đồng bảng Anh bởi lo ngại về việc Anh rời Liên minh Châu Âu nhưng chứng khoán toàn cầu sụt giảm và tốc độ tăng lãi suất của Mỹ trong năm 2019 chậm lại giữ vàng gần mức đỉnh 5 tháng.

Vàng giảm từ mức đỉnh 5 tháng

Vàng giao ngay chốt phiên giảm 0,4% xuống 1.242,89 USD/ounce, trong phiên có lúc giá đã đạt 1.250,55 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/7. Vàng kỳ hạn trên sàn Comex trong khi đó chốt phiên giảm 3,2 USD hay 0,3% xuống 1.249,4 USD/ounce.

Đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất trong gần 1,5 năm so với đồng USD do Thủ tướng Anh Theresa May hoãn cuộc bỏ phiếu của quốc hội về thỏa thuận Brexit. USD phục hồi sau khi tuần trước mất giá nhiều nhất trong hơn 3 tháng bởi lo lắng về Brexit và do số liệu yếu của Mỹ làm giảm kỳ vọng vào việc tăng thêm lãi suất.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ được dự kiến tăng lãi suất vào kỳ họp ngày 18 – 10/12/2018, nhưng trọng tâm là số lần tăng lãi suất trong năm 2019. Vàng có xu hướng đi lên khi kỳ vọng tăng lãi suất giảm đi.

Đồng giảm do số liệu của Trung Quốc củng cố lo lắng về nhu cầu

Giá đồng giảm trong phiên qua do số liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã củng cố lo lắng về tăng trưởng nhu cầu đối với các kim loại cơ bản trong khi đồng USD mạnh hơn cũng gây sức ép tới giá.

Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 6.089 USD/tấn.

Giá kim loại dùng trong ngành điện và xây dựng này chủ yếu giao dịch trong biên độ 6.000 đến 6.400 USD/tấn kể từ cuối tháng 9/2018.

Nhà phân tích Julius Baer thuộc Carsten Menke nói "số liệu nhập khẩu là lực cản tâm lý mặc dù chúng tôi biết tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, chúng tôi thấy điều đó trong PMI. Thỏa thuận ngừng chiến giữa Trung Quốc và Mỹ đang được xem xét kỹ lưỡng, vì thế chúng tôi không mong đợi nhiều".

Nhập khẩu đồng của Trung Quốc tháng 11/2018 giảm 3% so với một năm trước xuống 456.000 tấn, nhưng tăng 8,6% so với 420.000 tấn trong tháng 10/2018.

Đồng USD mạnh hơn khiến hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn so với mua bằng các đồng tiền khác.

Thép Thượng Hải giảm phiên thứ 2 do sản lượng kỷ lục của Trung Quốc

Giá thép giao sau tại Trung Quốc giảm phiên thứ hai liên tiếp, áp lực bởi nguồn cung dồi dào làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất thép và hạn chế nhu cầu đối với quặng sắt.

Sản lượng thép thô tại Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu thế giới được dự kiến đạt mức kỷ lục 923 triệu tấn trong năm nay, trước khi giảm xuống 900 triệu tấn vào năm 2019.

Nhập khẩu quặng sắt tháng 11/2018 của Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 86,25 triệu tấn từ mức 88,4 triệu tấn của tháng 10/2018.

Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 1,8% xuống 3.312 CNY (482 USD)/tấn. Giá sản phẩm thép xây dựng này đã giảm 18% kể từ khi đạt 4.024 CNY/tấn, mức cao nhất 7 năm hồi cuối tháng 8/2018.

Lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 11/2018, trong bối cảnh nguồn cung lớn do Bắc Kinh bỏ hạn chế sản lượng vào mùa đông để giải quyết vấn đề ô nhiễm, thay vào đó các tỉnh và thành phố được phép thiết lập giới hạn sản lượng riêng của mình dựa vào lượng khí thải.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 0,9% lên 473,50 CNY/tấn.