Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của VPI trở thành các sản phẩm thương mại phục vụ trực tiếp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí. TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI và PGS.TS. Nguyễn Xuân Thảo - Viện trưởng IDT đã đại diện hai bên ký kết thỏa thuận quan trọng này.

ký kết hợp tác dầu khí
Thỏa thuận hợp tác này là cơ hội để VPI và IDT ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm/dịch vụ mới

Cụ thể, VPI sẽ tư vấn phát triển sản phẩm, giải pháp công nghệ, cung cấp thiết bị thí nghiệm, cử chuyên gia để cùng với IDT sản xuất, cung cấp các sản phẩm/dịch vụ khoa học công nghệ từ các kết quả nghiên cứu của VPI và IDT. Hai bên sẽ tăng cường chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm, thông tin sản phẩm, công nghệ; sử dụng tối ưu cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để hỗ trợ, kiểm soát chất lượng sản phẩm/dịch vụ tốt nhất theo yêu cầu của từng dự án.

Ông Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI cho biết việc hợp tác với IDT là một bước trong quá trình hình thành hệ sinh thái sáng tạo cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong đó Viện Dầu khí Việt Nam với vai trò hạt nhân sẽ liên kết với các tổ chức/cá nhân trên thế giới để phát triển, cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh cho các đơn vị trong ngành dầu khí Việt Nam. Trước mắt VPI cùng IDT ưu tiên phát triển các nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm/dịch vụ cho lĩnh vực khai thác dầu khí, các giải pháp gia tăng khai thác và nâng cao hệ số thu hồi dầu…

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Công nghệ khoan cho biết IDT đã và đang sản xuất, cung cấp các sản phẩm cho lĩnh vực khai thác và vận chuyển dầu khí như: PPD, Demulsifier, Corrosion inhibitor, H2S Scavenger… và các hóa phẩm để pha chế hệ dung dịch khoan Glytrol và Protrol đã được thử nghiệm rất thành công tại Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”, Lam Son JOC, PVEP POC…

“Thỏa thuận hợp tác này là cơ hội để VPI và IDT ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm/dịch vụ mới có hàm lượng chất xám cao phục vụ cho hoạt đông dầu khí tại Việt Nam và có thể hướng tới xuất khẩu” - PGS.TS. Nguyễn Xuân Thảo nhấn mạnh.

Viện dầu khí
VPI là đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được trang bị cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đồng bộ, hiện đại, có đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trình độ cao

 

Được thành lập năm 1978, VPI là đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được trang bị cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đồng bộ, hiện đại, có đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trình độ cao. Các kết quả nghiên cứu của VPI là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định của PVN và tư vấn cho Nhà nước trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn môi trường và kinh tế quản lý dầu khí…

Trong giai đoạn 2020 - 2025, VPI đặt mục tiêu triển khai thành công tối thiểu 4 chương trình nghiên cứu dài hạn để tạo ra các sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ, đón đầu các xu hướng chính trên thế giới; thử nghiệm áp dụng tối thiểu 5 công nghệ mới trên thế giới, có tính đột phá cho các đơn vị trong ngành Dầu khí Việt Nam; thương mại hóa tối thiểu 3 sản phẩm khoa học công nghệ từ các nghiên cứu của VPI và các đơn vị liên kết.

IDT là đơn vị nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trực thuộc Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam, có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, pha chế và cung ứng các sản phẩm/dịch vụ chuyên dụng cho ngành dầu khí, thăm dò khoáng sản, khảo sát địa chất công trình và xử lý nền móng, khai thác nước ngầm…