Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030.

Trong đó đặt mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài có uy tín, đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới; thu hút khoảng 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Liệu điều này có khả thi không? Trên thực tế, năm 2014 chúng ta đã có Nghị định 87 đã dành nhiều ưu đãi cho các nhà khoa học nước ngoài về Việt nam làm việc khi nhà khoa học đáp ứng một trong những điều kiện cơ bản.

Mức ưu đãi theo Nghị định 87 được cụ thể hóa thành 2 điểm nhà ở và lương. Các nhà khoa học làm việc tại Việt Nam sẽ được tạo điều kiện về chỗ ở và hỗ trợ chi phí thuê nhà, mức lương sẽ được trả tùy theo thỏa thuận của hai bên. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở: Mức độ ưu tiên của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Tính chất, quy mô và tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ; Trình độ, năng lực, hiệu quả đóng góp của cá nhân.

Ngoài ra, Việt Nam còn đảm bảo quyền lợi sử dụng phòng thí nghiệm cho các nhà khoa học, được sử dụng miễn phí phòng thí nghiệm quốc gia trọng điểm, hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học  và được bố trí phương tiện đi lại nếu chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng.

Thế nhưng 5 năm trôi qua, số các nhà khao học về Việt Nam làm việc đến trên đầu ngón tay. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu là do thu nhà khoa học về cơ sở khoa học (viện trường…) làm việc nhưng thẩm quyền quyết định thuộc Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Ở cấp đại học chỉ có các Đại học Quốc gia có quyền quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của các cơ quan, tổ chức công lập trực thuộc.

Nay với Quyết định 89/TTg đã giao một phần việc cho cơ sở : “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học trong nước chủ động thu hút các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ, đủ tiêu chuẩn đến làm việc”

Trong phần Tổ chức thực hiện cũng giao cho các cơ sở giáo dục đại học: “Xây dựng Đề án chi tiết về đào tạo bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý triển khai thực hiện Đề án; tự chủ trong tuyển sinh, xét duyệt, lập danh sách giảng viên, cán bộ quản lý có đủ điều kiện tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và đối tác nước ngoài có uy tín để thực hiện việc đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để triển khai thực hiện Đề án; xây dựng các quy định cụ thể về tiêu chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý, cơ chế thu hút, sử dụng, ưu đãi đối với giảng viên và cán bộ quản lý”.

Và cuối cùng là nguồn kinh phí của các cơ sở giáo dục đại học cũng được dành cho việc “Tập trung thực hiện các nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao năng lực của giảng viên và cán bộ quản lý, việc thu hút các nhà khoa học và người có trình độ tiến sĩ”.

Có thể nói, mọi cơ chế tự chủ đã giao xuống đến các cơ sở giáo dục, nhưng việc thu hút khoảng 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vẫn cần có thời gian và thực tiễn trả lời

4 điều kiện cơ bản theo Nghị định 87/2014/NĐ-CP

1. Có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

2. Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

3. Có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

4. Có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.