Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Thưa Thứ trưởng, tại chuỗi hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và đối tác đã thảo luận, đi đến những ưu tiên, sáng kiến hợp tác kinh tế nào?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến nền kinh tế ASEAN cũng như thế giới, Brunei đã đưa ra chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2021 là “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng” với rất nhiều ưu tiên, sáng kiến hợp tác kinh tế hướng đến ba trụ cột chính là phục hồi, số hóa và bền vững. Trong số các sáng kiến của nước chủ nhà Brunei năm nay có những sáng kiến hết sức đáng chú ý, như xây dựng Khung kinh tế tuần hoàn, hay xây dựng bộ công cụ đánh giá các biện pháp phi thuế quan, cũng như lộ trình thúc đẩy chuyển đổi số ASEAN,…

Bên cạnh các sáng kiến này của Brunei thì các nước ASEAN vẫn đánh giá rất cao những sáng kiến của chủ nhà Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, và cũng tiếp tục thực hiện những sáng kiến ấy, trong đó có những sáng kiến rất quan trọng nhằm ứng phó với dịch Covid-19. 

Đơn cử, để thực hiện biên bản ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu, tất cả các Bộ trưởng ASEAN đã thống nhất bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu mà các nước ASEAN sẽ cố gắng không áp dụng các biện pháp cản trở để bảo đảm làm sao duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong khu vực.

Các nước ASEAN cũng nhất trí duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trường đối với thương mại và đầu tư, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, bởi lúc này các biện pháp thuận lợi hóa thương mại có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong khu vực ASEAN.

Đồng thời các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã bàn về việc làm sao để giữ vững sản xuất trong ASEAN, đặc biệt xây dựng chuỗi cung ứng khu vực bền vững. Bên cạnh đó, phát huy yếu tố công nghệ để nhanh chóng số hóa các hoạt động trong ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Tựu chung lại, tất cả các nỗ lực đều nhằm vào 3 trụ cột, cố gắng phục hồi kinh tế, số hóa sự phục hồi kinh tế đó và hướng đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Tất cả đều tập trung vào doanh nghiệp, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời duy trì đà tăng trưởng kinh tế của ASEAN. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời báo chí về kết quả Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan

Được biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này. Vậy xin Thứ trưởng thông tin thêm về tình hình cập nhật liên quan đến Hiệp định?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một trong những thành tựu lớn ở Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Khi đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng RCEP, Việt Nam đã chủ động cùng với các nước ASEAN đưa ra nhiều sáng kiến giúp xử lý những vấn đề tồn đọng để có thể kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra vào tháng 11/2020. Đây là thành tựu rất lớn của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tiếp nối thành công đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế ASEAN và toàn cầu, tất cả các nước ASEAN và 5 nước đối tác đều rất mong muốn Hiệp định RCEP sớm có hiệu lực, cụ thể là vào đầu năm 2022, để thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, từ đó góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch.

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn của mình tới Cơ quan lưu chiểu (Tổng Thư ký ASEAN).

Đến nay, trong các nước đối tác đã có Trung Quốc và Nhật Bản phê chuẩn Hiệp định RCEP. Trong các nước ASEAN thì Singapore là nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định; các nước còn lại như Brunei, Campuchia, Thái Lan và Lào nhiều khả năng có thể phê chuẩn Hiệp định trước đầu tháng 11 năm nay.

Như vậy, nếu 6 nước ASEAN phê chuẩn Hiệp định và thêm 1 nước đối tác nữa phê chuẩn Hiệp định trước tháng 11, rất nhiều khả năng là Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực sau đó 60 ngày, tức vào đúng thời điểm 1/1/2022.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này, tất cả các Bộ trưởng đều thông báo cho nhau tình hình và khuyến khích các nước ASEAN cũng như các nước đối tác nhanh chóng phê chuẩn hiệp định, cố gắng hướng đến mục tiêu đưa Hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất các bước cuối cùng của việc phê chuẩn và rất hy vọng tham gia vào nhóm nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định, để trên cơ sở đó, RCEP có thể chính thức có hiệu lực vào 1/1/2022.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!