Thủ tướng chỉ ra 3 hướng phát triển miền Trung và Tây Nguyên

Mới đây tham dự Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 3 hướng cơ bản phát triển của Vùng.

Hướng thứ nhất là phát triển du lịch. Miền Trung phải đóng góp vào hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch của cả nước, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam chúng ta không đạt 50 triệu khách như Thái Lan, Singapore… mà chỉ mới 15 – 16 triệu”? Mặc dù đánh giá cao kết quả du lịch miền Trung – Tây Nguyên đạt được như đón trên 8,4 triệu lượt khách quốc tế năm 2018 so với 15,5 triệu của cả nước, tức chiếm hơn một nửa; số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh; có nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập như thiếu một kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam rõ nét.

q
Du lịch là một thế mạnh của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

 

Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác, sử dụng; mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp. Lâu nay, chúng ta chỉ tư duy phát triển du lịch như là một ngành duy nhất, thay vì phát triển theo cụm ngành. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch để làm hài lòng du khách vẫn là câu hỏi lớn. Ngành du lịch còn chậm đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Vì thế, để phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng đặt ra cho ngành 5 câu hỏi mà xét về thực chất cũng là 5 gợi ý lớn:

  1. Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn.
  2. Làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn.
  3. Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. “Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý.
  4. Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam.
  5. Làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Cùng với thế mạnh du lịch, miền Trung càng cần phải có các khu công nghiệp, đặc biệt là chế tạo, chế biến vì có giá trị gia tăng cao. Vùng có điều kiện thuận lợi là hình thành hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc-Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Myanmar, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương. Số liệu thống kê cho thấy các KKT và KCN trong vùng đã thu hút hơn 1.280 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500.000 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện hơn 210.000 tỷ đồng; thu ngân sách khoảng 36.000-40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên điểm hạn chế của các khu kinh tế và KCN tại vùng là số lượng các KCN đi vào vận hành chưa nhiều, quy mô vốn đầu tư hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, KCN còn trùng lặp, chính sách thu hút không đồng bộ, thiếu gắn kết; hàm lượng KHCN trong các dự án đầu tư còn thấp.

Hướng phát triển thứ ba là nông nghiệp đặc sản, nông nghiệp phục vụ du lịch. Trên thực tế, một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng hay Lâm Đồng vừa có lợi thế về du lịch vừa có thế mạnh về nông nghiệp đang tìm cách phát triển loại hình dịch vụ du lịch kết hợp các hoạt động nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp nông dân có thể cải thiện thu nhập mà còn tạo ra sản phẩm du lịch mới gắn với thiên nhiên. Cac sản phẩm du lịch như Một ngày làm “nông dân” tại làng rau Trà Quế (Hội An); tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu các nghề dệt thổ cẩm truyền thống (Quảng Nam); Tour tham quan và tìm hiểu các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tour du lịch trải nghiệm, trực tiếp tham gia vào quy trình canh tác, trồng trọt ở Lâm Đồng; tại Đà Nẵng, đã hình thành 6 cánh đồng lúa hữu cơ, diện tích gần 150ha dành cho phát triển các gói du lịch trải nghiệm.

Tiềm năng đã rõ ràng, tuy nhiên Thủ tướng đặt câu hỏi cho vùng là các tỉnh sẽ “bứt phá” như thế nào trong năm 2019? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề: Các tỉnh, thành phố miền Trung cần đổi mới tư duy, cách làm ăn, nếu cách tư duy cũ thì không tiến lên được. Vùng phải tự phấn vươn lên, tự lực, tự cường, đi trên đôi chân của mình để phát triển giàu mạnh trên cơ sở tiềm năng to lớn về con người, di sản văn hóa, bờ biển đẹp, cơ sở vật chất đã được đầu tư. “Cơ chế của khu vực là gì để phát triển từ nguồn lực ở đây chứ không phải chỉ là xin ngân sách Trung ương”, Chỉ có thế mới tạo đột phá phát triển toàn vùng miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh, thành phố.

Long Vĩnh