Đến hẹn lại lên, sáng nay 9/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên Đán), tại Gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa) hàng ngàn người đã về đây cùng dâng hương, tham dự Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2019) và đón bằng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân tham dự buổi lễ.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, mãnh liệt đánh bại quân Mãn Thanh xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Gò Đống Đa
Gò Đống Đa đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

 

Người Việt Nam vẫn thường gọi chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, bởi chính trên đất Đống Đa, vào rạng sáng ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, quân Tây Sơn đã dung mãnh tiêu diệu toàn quân đồn trú của địch, giải phóng kinh thành Thăng Long.

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, vào ngày mùng 5 tháng Giêng (âm lịch), Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đương thời, đã anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Sau lễ rước kiệu vua Quang Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành và đông đảo Nhân dân Thủ đô cũng như du khách thập phương về dâng hương, hoa tưởng nhớ công lao to lớn của vua Quang Trung cùng các tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn.

Dịp này, di tích Gò Đống Đa cũng vinh dự được đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Di tích “Gò Đống Đa được xem như là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn; là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng chia sẻ: "Chúng ta cùng hy vọng và tin tưởng rằng, việc được đón nhận Bằng xếp hạng quốc gia đặc biệt trong dịp Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đầu xuân Kỷ Hợi, sẽ là một khởi đầu mới cho sự phát triển mới cho Đất nước, Thủ đô và cho di tích lịch sử Gò Đống Đa".

Gò Đống Đa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Bên cạnh đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Năm 2019 là năm “bứt phá” của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm Thành phố tiếp tục chọn chủ đề công tác: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Tự hào phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội quyết tâm tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động đổi mới, đoàn kết - sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, ngày càng Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Gò Đống Đa

 

Lễ kỷ niệm sẽ kéo dài đến 21 giờ cùng ngày với nhiều hoạt động truyền thống, phong phú như tế lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân; lễ dâng hoa, dâng hương chúc văn tại tượng đài và đền Hoàng đế Quang Trung; màn trống hội và múa rồng; chương trình biểu diễn nghệ thuật màn sử thi cùng các hoạt động văn nghệ truyền thống, trò dân gian… với sự tham gia của nhiều đoàn tế lễ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân./.

 

Gò Đống Đa có tổng diện tích 22.120,8m2, gồm khu tưởng niệm và khu vực gò Đống Đa. Khu tưởng niệm bao gồm hệ thống phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày… Nổi bật là tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cao 14,65m, làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, nặng 200 tấn, ốp đá hoa cương và phun vẩy rồng.

Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu mô tả trận đánh của quân và dân ta dưới sự chỉ đạo tài tình của Hoàng đế Quang Trung tấn công thần tốc vào giải phóng kinh thành Thăng Long.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm ngay sau tượng đài, kiến trúc hai tầng. Tầng trên là đền thờ, kiến trúc theo phong cách truyền thông với hai tầng mái; tầng dưới là phòng trưng bày hiện vật và các bức ảnh diễn tả cuộc tiến công thần tốc của Nghĩa quân Tây Sơn. Khu vực gò Đống Đa với trung tâm là gò đất tròn phía trên có nhiều cây xanh, đỉnh gò dựng một tấm bia đá có khắc lời hịch của Hoàng đế Quang Trung. Hiện trên gò vẫn còn kiến trúc cổng và dấu tích nền móng của Đền Trung Liệt.