Thủ tướng đặt vấn đề “mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào”?

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề “mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào” để các cấp các ngành cùng suy nghĩ, lên kế hoạch thực hiện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã chống dịch với tinh thần của thời chiến, "chống dịch như chống giặc", “thần tốc, thần tốc hơn nữa”.

Chúng ta đã sử dụng các đối sách kịp thời như cách ly tập trung, sử dụng các lực lượng quân đội, công an vào công tác này, “quân lệnh như sơn”, khóa chặt bên ngoài, khoanh vùng, dập dịch bên trong, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ. Thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Toàn dân đã vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống COVID-19, hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhờ đó, chúng ta có tỷ lệ lây nhiễm trên số dân là thấp nhất và chi phí phòng, chống dịch cũng thấp nhất. Điều thần kỳ và cũng là may mắn là không có người tử vong, không có gia đình nào phải mang khăn tang trên đầu do COVID-19.

Trong lúc dịch bệnh, khó khăn, tính nhân văn, nhân ái được thể hiện mạnh mẽ. Khi xuất hiện tâm dịch ở Vũ Hán (Trung Quốc), chúng ta đã đưa máy bay đón các du học sinh về nước và hàng chục phi công, tiếp viên đăng ký tình nguyện đi vào tâm dịch “giải cứu” đồng bào.

Hay khi bệnh nhân số 91, phi công người Anh có nguy cơ phải ghép phổi thì 50 người tình nguyện sẵn sàng hiến phổi cho bệnh nhân này.

Thủ tướng nêu rõ, ngành tuyên giáo, truyền thông và thông tin, các cơ quan báo chí, giới văn nghệ sỹ đã đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng đại dịch.

Đó là món quà quý giá để chúng ta có sản phẩm thiết thực, đóng góp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thủ tướng nhắc lại, khi phát hiện bệnh nhân số 17, thị trường náo loạn, “chúng ta đã chỉ đạo kịp thời và báo chí đồng loại đưa tin, Việt Nam bảo đảm đầy đủ hàng hóa, có cơ số dự phòng ứng phó mọi tình huống, các cửa hàng mở đến 11 giờ đêm”. Nhờ đó, thị trường đã trở lại bình thường.

Cũng trong thời kỳ dịch bệnh, hàng tỷ tin nhắn đã được gửi tới người dân. Chúng ta đã thông tin kịp thời, minh bạch, áp dụng công nghệ trong đưa tin.

Rất nhiều hình ảnh ấn tượng về chiến sỹ áo trắng, cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an gác dọc biên giới, những câu chuyện chiến sỹ không thể về thắp hương khi bố mất hay không thể về thăm con mới sinh… đều được báo chí, truyền thông đưa lên.

Qua báo chí, đã tiếp thêm động lực, sức mạnh cho các cán bộ, chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch, động viên, khuyến khích người dân bình tĩnh, chủ động.

“Việt Nam là một trong số ít nước bắt đầu đến tiến trình bình thường mới sau đại dịch sớm nhất thế giới”, Thủ tướng nói, đồng thời nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.

Nếu chống dịch thành công bước đầu mà để "kinh tế đổ gãy, nhân dân cơ hàn" thì không thể hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là phát triển kinh tế - xã hội, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta nói về việc chuẩn bị mở cửa nhưng mở cửa ở đâu, mở cửa như thế nào, kiểm soát làm sao để không lây nhiễm ra cộng đồng từ khách du lịch” để các cấp các ngành cùng suy nghĩ, lên kế hoạch thực hiện.

Nam Sách