Thủ tướng: Phấn đấu phát triển 30 thương hiệu Dệt May Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế vào 2030

Chiều 13-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
det may
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Tại buổi lễ Thủ tướng đã yêu cầu ngành Dệt May Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư đúng tầm tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Nên chủ động chuyển hình thức gia công sang giá trị gia tăng và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lên hơn 100 tỉ USD vào năm 2030.

Chia sẻ những lời tâm huyết với ngành Dệt May tại Lễ Kỷ niệm, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tích cực và chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ đó mở rộng thị trường, đưa ngành Dệt May Việt Nam trở thành nước XK Dệt May đứng thứ 3 trên thế giới.

Trong 20 năm qua, Hiệp hội đã thực hiện tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước cùng với các nhà đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hàn Quốc… mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam

Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm… Đồng thời tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Để phát triển ngành Dệt May Việt Nam lên tầm cao mới trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc dựa vào lợi thế vốn rất truyền thống là lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ… đã không còn nhiều dư địa để các DN khai thác trong bối cảnh hội nhập. Thay vào đó, các DN phải quan tâm, đầu tư xứng đáng đến việc tạo lập và phát triển được những thương hiệu mạnh, nâng cao được giá trị của các thương hiệu và có sức lan tỏa, có khả năng cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Phấn đấu vào năm 2030, Việt Nam phải có ít nhất 30 thương hiệu mạnh canh tranh với thương trường trong ngành dệt may thế giới.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thú tướng, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan, tới  cộng đồng, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam và cả những doanh nghiệp FDI đã đầu tư, quản trị điều hành và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam trên chặng đường 20 năm vừa qua để có được kết quả như ngày hôm nay.

Sự phát triển bền vững của ngành phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn dài hạn nhất quán và minh bạch của Chính phủ. Vitas đã gửi những đóng góp ý kiến tập hợp bởi hội đồng cố vấn, các nhà khoa học các tổ chức quốc tế, và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược tới Bộ Công Thương và Chính Phủ. Đặc biệt nhấn mạnh chính sách quy hoạch các KCN dệt may đủ lớn. Tại các KCN xây dựng khu vực xử lý nước thải đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn mà Nhà nước đang đặt ra đáp ứng các tiêu chí về loa động, giao thông, nguồn nước, cảng, sân bay…”.  Ông Giang chia sẻ.

Thu Hoài