Thúc đẩy giao thương khu vực phía Nam Việt Nam – Trung Quốc

Chiều 11/12, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra “Buổi giao lưu kinh tế thương mại giữa các tỉnh thành khu vực phía Nam Việt Nam – Trung Quốc”.

Buổi giao lưu nhằm mục đích tăng cường trao đổi, nắm bắt tình hình thông tin để thúc đẩy thương mại và các cơ hội hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, Cục Công tác phía Nam - Bộ Công Thương phối hợp Tổng Lãnh sự nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình làm việc với các Sở Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp.

Thông tin tại buổi giao lưu, ông Ngô Tuấn - Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Đặc biệt trong những năm gần đây quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp. Trong tổng thể mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại tiếp tục chiếm một vai trò quan trọng và nổi bật”.

Theo thống kê của cơ quan Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016. Hết tháng 10/2018, kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 86,87 tỷ USD, tăng 26,52 % so với cùng kỳ 2017. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 33,48 tỷ USD, tăng 26,5%; nhập khẩu 53,39 tỷ USD, tăng 13,4%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh - Đầu mối luân chuyển hàng hoá của khu vực phía Nam
TP. Hồ Chí Minh - Đầu mối luân chuyển hàng hoá của khu vực phía Nam

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc không ngừng tăng nhanh thời gian qua. Đạt được những kết quả tích cực qua các số liệu như trên do công tác hoạch định chính sách, thúc đẩy và hỗ trợ của các cơ quan hữu quan hai nước cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, từng bước giảm dần mức độ nhập siêu của Việt Nam, hướng tới mục tiêu cân bằng thương mại hai bên.

Trên cơ sở những thay đổi tích cực của nền kinh tế hai nước Việt Nam – Trung Quốc thời gian qua, cùng với lợi thế sẵn có, nền văn hóa với nhiều nét tương đồng và đặt trọng tổng thể mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Cụ thể, đó là cơ hội tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại đến từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Trong vòng 2 thập niên, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập quốc tế tích cực nhất trên thế giới. Ngoài những khuôn khổ hợp tác, những Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã ký trong các giai đoạn trước đây, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia nhiều FTA thế hệ mới khác.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, hợp tác kinh doanh cũng như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy cạnh tranh phù hợp với bối cảnh hội nhập khu vực quốc tế, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách, thực hiện nhiều giải pháp để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Buổi giao lưu thu hút nhiều đại biểu đến từ những doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực phía Nam.
Buổi giao lưu thu hút nhiều đại biểu đến từ những doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực phía Nam.

Tiếp theo, đó là cơ hội đến từ tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế Trung Quốc, sau nhiều thập kỷ phát triển thần kỳ, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tiến hành cải cách một cách đúng đắn, kiên trì và mạnh mẽ để trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng vượt bậc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, quy mô nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và những chính sách hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu nội địa, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn cho các mặt hàng xuất khẩu ưu thế, nông sản truyền thống hay các mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam.

Thêm vào đó, những ưu thế gần gũi về địa lý, văn hóa, những cơ chế hợp tác chặt chẽ toàn diện, những cam kết sâu rộng hơn trong quá trình nâng cấp các hiệp định kinh tế, thương mại song phương, đa phương xây dựng trước đó kết hợp với những yếu tố mới của nền kinh tế hai nước nêu trên sẽ trở thành động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên vượt qua mọi rào cản, trở ngại, tăng cường hợp tác cùng có lợi, đưa thương mại hai nước phát triển theo hướng ổn định, bền vững và cân bằng hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Vân Nga, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Công Thương cho biết: Đối với lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương luôn đánh giá cao, đồng thời hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong hợp tác đầu tư, kinh doanh lành mạnh, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật 2 nước, trong đó đặc biệt quan tâm tới các yếu tố môi trường, lao động và xã hội.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Đồng Tháp tại buổi giao lưu
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Đồng Tháp tại buổi giao lưu

“Trên tinh thần đó, tôi mong muốn rằng chương trình giao lưu này là cơ hội thuận lợi để các địa phương và doanh nghiệp khu vực phía Nam của Việt Nam với phía Trung Quốc có điều kiện để tăng cường trao đổi thông tin, cùng nhau tìm kiếm, phát hiện và khai thác tốt hơn nữa các cơ hội đầu tư, kinh doanh, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Trung Quốc”, bà Nga nhấn mạnh.

Nội dung buổi giao lưu các đại biểu đã đề cập về các vấn đề: Tình hình hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc; Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi thông tin để mở rộng đầu tư giao thương với doanh nghiệp Trung Quốc; Giới thiệu doanh nghiệp, Tập đoàn uy tín mong muốn tăng cường hợp tác thương mại đầu tư với các địa phương phía Nam của Việt Nam và doanh nghiệp; Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc...Qua đây các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh giao thương trong thời gian tơi./.

Vũ Lê - Trung Hải