Thúc đẩy liên kết chuỗi: Nhiệm vụ cấp bách với ngành dệt may

Để tận dụng tối đa những cơ hội mà CPTPP và EVFTA mang lại, việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành dệt may.

Nằm trong top 5 thế giới về doanh thu sản xuất và xuất khẩu, với mức tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm, ngành dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế đến từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA...

Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế này, việc liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng khép kín là đặc biệt quan trọng để tạo nên sức mạnh cho mỗi sản phẩm, mỗi ngành hàng.

Đây cũng là nội dung chính tại Hội thảo "Thúc đẩy liên kết chuỗi trong ngành dệt may" do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Dệt may tổ chức chiều 25/6 tại Nam Định.

ngành dệt may
“Đại dịch là họa nhưng là cơ hội để định hình lại ngành công nghiệp dệt may và xây dựng chuỗi liên kết, tạo thành bó đũa vững chắc, thúc đẩy ngành dệt may phát triển”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã và đang tạo nên thách thức to lớn cho ngành dệt may.

Tuy nhiên, chính đại dịch này cũng cho ngành dệt may bài học lớn và Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn nhận và xem xét đánh giá lại những thiếu hụt trong chuỗi cung ứng.

Trong Quý I/2020, hàng loạt nguyên phụ liệu các doanh nghiệp ký kết với đối tác nước ngoài không nhập về được, nguồn cung bị gián đoạn và hiện nay thị trường xuất khẩu dệt may cũng bị phụ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...

“Chúng ta không làm chủ được cuộc chơi, từ nguyên liệu đến thị trường do người khác đang nắm trong tay. Nhưng cũng chính trong đại dịch thì cục diện cũng xoay chuyển một phần, đã có nhà nhập khẩu không muốn nhập hàng qua trung gian nữa mà muốn làm trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam”.

Không chỉ vậy, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam còn thẳng thắn nhìn nhận, chuỗi liên kết của Việt Nam còn lỏng lẻo, không chặt chẽ dẫn đến chúng ta đang phụ thuộc những thị trường nhập khẩu nguyên liệu. Cùng với đó, sự chia sẻ và hợp tác của các doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo và chưa thực sự là sợi dây liên kết hữu ích.

“Đại dịch là họa nhưng là cơ hội để định hình lại ngành công nghiệp dệt may và xây dựng chuỗi liên kết, tạo thành bó đũa vững chắc, thúc đẩy ngành dệt may phát triển”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, ngành dệt may tiếp tục xuất siêu ấn tượng, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 39 tỷ USD, trong đó, ngành may chiếm 32%, do ngành này là ngành không đòi hỏi nhiều yêu cầu, tận dụng nhân công...

"Đó là hiện trạng dẫn đến sự phát triển lệch, ngành may đạt thành tựu lớn nhưng công đoạn khác phát triển chưa mong muốn nên giá trị xuất khẩu lớn nhưng giá trị còn lại trong sản phẩm may không lớn, vì chúng ta mất quá nhiều chi phí cho nhập khẩu các khâu khác”, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định và nhấn mạnh, trước thách thức tăng trưởng, việc liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành.

ngành dệt may
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh, trước thách thức tăng trưởng, việc liên kết, tạo ra chuỗi cung ứng nội địa là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với toàn ngành

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết: Hiện nay, nhu cầu và khả năng cung ứng của ngành dệt may chưa tương thích đi vào một con đường.

Do đó, cần có người cầm trịch, thống kê nhu cầu của ngành dệt may và khả năng đáp ứng để các doanh nghiệp may mặc, doanh nghiệp dệt có thể kết nối với nhau.

“Tôi đề xuất nhà nước cần giữ vai trò “bà đỡ”, xây dựng cơ sở hạ tầng vì điều này đòi hỏi nguồn vốn xây dựng quá lớn, doanh nghiệp không đủ sức làm. Nhà nước đứng ra xây dựng rồi thu tiền đầu tư từ thuế...

Cùng với đó, cần sớm có quy hoạch vùng, quy hoạch lãnh thổ cho rõ ràng, vì hiện nay mạnh ai nấy làm, chỗ nào cũng có may nhưng không thành quy mô và đem lại hiệu quả”, ông Thịnh đề xuất.

Ngoài ra, Chủ tịch May Sông Hồng cũng kiến nghị, Hiệp hội Dệt may cần làm cuộc tổng điều tra nhu cầu giữa các doanh nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp dệt và may, tạo nên chuỗi liên kết bền vững cho ngành.

ngành dệt may
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, chuỗi liên kết của Việt Nam còn lỏng lẻo

Cùng đưa ra những giải pháp ngắn hạn, dài hạn để ngành dệt may Việt Nam tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ CPTPP hay EVFTA, ông Vũ Đức Giang cho rằng, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào sản xuất nguyên phụ liệu.

Đặc biệt, phải có cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thúc đẩy cơ chế xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại để chu trình dệt-nhuộm-may-hoàn tất, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất để xây dựng chuỗi liên kết trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp chuyên may gia công sang thực hiện các đơn hàng FOB, nâng cao ý thức về sử dụng nguyên liệu trong nước.

Bộ Công Thương sẽ sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 theo đề xuất trước đó.

Hiện cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may. Do nguồn cung nguyên liệu vải trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu sản xuất, 70% còn lại là nhập khẩu nên giá trị thặng dư không đạt như kỳ vọng. Để được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, 100% vải phải được sản xuất trong nước.

Hạ An - Thu Hoài