Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các công trình

Sáng 2/12, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo "Từ công trình tiết kiệm năng lượng đến Công trình xanh - Kinh nghiệm Đan Mạch".

Đây là dịp để các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước trao đổi, đưa ra các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại các công trình.

Tiềm năng lớn

Theo vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, tiềm năng Tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các công trình xây dựng ở Việt Nam tương đối lớn. Đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu TKNL, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm đến 30 - 40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp này thì có thể tiết kiệm tới 25% năng lượng tiêu thụ.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) - Bộ Xây dựng Lê Trung Thành cho biết: Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề suy thoái tài nguyên, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, với mức tiêu thụ 40% năng lượng tính trên toàn cầu, các công trình xây dựng trở thành nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Với việc có thể hạn chế được một phần khí thải nhà kính từ các công trình xây dựng, mô hình công trình xanh là một trong những giải pháp giúp TKNL, bảo vệ môi trường trong hoàn cảnh hiện nay và được dự báo sẽ sớm trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai.

Vụ trưởng Vụ KHCN &MT phát biểu tại hội thảo

Các công trình xây dựng bao gồm cả công trình công cộng, công trình dân dụng đang được phát triển mạnh ở Việt Nam và có mức tiêu thụ năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình công trình xây dựng. Dự án Hợp tác về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng do Chính phủ Đan Mạch tài trợ được triển khai trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 với mục tiêu hỗ trợ Bộ Xây dựng triển khai các nội dung Quy chuẩn 09:2013/BXD – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ KHCN&MT nhấn mạnh: Các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng của Bộ Xây dựng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nhiều tổ chức quốc tế thông qua những dự án hỗ trợ kỹ thuật quan trọng như dự án của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC-WB), Chính phủ Đan Mạch, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Vụ KHCN & MT nhận định: Cùng sự tăng trưởng về số lượng các tòa nhà và quy mô diện tích sàn thì tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng đáng kể. Chẳng hạn, năm 2003, tiêu thụ năng lượng trong khu vực dân dụng của Việt Nam chiếm 22,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia. Đến năm 2014, con số này vào khoảng 38%.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá: Việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp do hệ thống các văn bản chính sách về TKNL chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật về TKNL nói chung và các công trình xây dựng nói riêng còn thiếu. Ngoài ra, hiểu biết và các hành động TKNL của người sử dụng vẫn hạn chế.

Đại diện Công ty tư vấn DEM lấy dẫn chứng: Đơn vị đang thực hiện xây dựng và lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho nhiều công trình như trụ sở Sao Thái Dương, tòa nhà Royal Tower… Năng lượng tiết kiệm được cho các công trình này khi hoàn thành sẽ khoảng hơn 40%, tương đương khoảng 2,6 tỷ đến 9,7 tỷ đồng/năm. Song khó ở chỗ chưa tìm được các nhà đầu tư tận tâm và vướng mắc nhiều vấn đề về quy chuẩn… Do đó, Việt Nam cần xác định tiêu chuẩn carbon và năng lượng quốc gia, thực thi quy định năng lượng hiệu quả một cách nghiêm ngặt.

Ông Poul E-Kristensen - Cố vấn cao cấp về công trình xanh cho IFC/WB và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho rằng: Xây dựng một tòa nhà tiết kiệm năng lượng sẽ rẻ hơn xây nhà máy điện. Mỗi MW tiết kiệm được trong các tòa nhà sẽ rẻ hơn đầu tư một MW từ nhà máy điện, vừa có thể tiết kiệm chi phí điện năng cho khách hàng sử dụng điện, vừa giảm mức phát thải CO2 vào môi trường.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & MT, Bộ Xây dựng chia sẻ: Để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, về cơ sở pháp lý, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật và Nghị định liên quan đến năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình xanh; xây dựng dự thảo Thông tư quy định về đánh giá, công nhận công trình xanh. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường các hoạt động truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh; xây dựng quy định đánh giá, chứng nhận, dán nhãn, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh.

Phó Giám đốc Công ty Sao Thái Dương Trịnh Thị Liên: Truyền thông rộng rãi công trình TKNL

Bà Trịnh Thị Liên chia sẻ tại buổi Hội thảo

Chúng tôi hiểu rằng, việc sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí điện năng cho tòa nhà mà còn bảo vệ môi trường. Kinh doanh trong thời kỳ hội nhập muốn phát triển bền vững luôn phải gắn với bảo vệ môi trường. Hiểu được điều đó, bên cạnh việc đưa các cán bộ đi thăm quan các công trình mẫu ở Malaysia, Đan Mạch, công ty đã mời những đơn vị tư vấn, những chuyên gia hàng đầu, đồng thời đầu tư những máy móc, thiết bị tốt nhất để có những công trình hướng về tương lại, phát triển nhanh, mạnh, lâu dài.

Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực giúp đỡ nhiệt tình từ phía Đan Mạch; đồng thời mong muốn, công trình tiết kiệm năng lượng không chỉ được truyền thông trong ngành xây dựng mà còn ở những ngành khác, bởi đây là một công trình mang lại ý nghĩa và hiệu quả rất thiết thực, bền vững.

Ông Yanic Munich - Đại diện Công ty tư vấn DEM: Tăng cường các chiến lược truyền thông

Qua nhiều công trình, dự án: tôi nhận thấy những khó khăn thách thức khi áp dụng TKNL vào các công trình tại Việt Nam như: khó tìm các nhà đầu tư có động lực và tận tâm; khó tìm nguồn hoặc sử dụng sản phẩm xanh hiệu quả; không đủ thời gian phân bổ hiệu quả cho các chuyên gia... Để khắc phục những tình trạng này, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý, tôi cho rằng cần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính như: Thực thi quy định năng lượng hiệu quả của Sở Xây dựng nghiêm ngặt; xác định hệ thống hình phạt để tăng việc tuân thủ.

Cùng với đó, chiến lược truyền thông cũng rất quan trọng. Rất cần chú trọng nâng cao nhận thức và tập huấn về Quy chuẩn; nhân rộng tòa nhà và các trường hợp kinh doanh mẫu; đồng thời phát triển một chương trình ghi nhấn xanh quốc gia và xác nhận các dự án công trình xanh tự nguyện để mở đường hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Công Thịnh - Vụ phó Vụ KHCN & MT, Bộ Xây Dựng: Nhận thức nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư thay đổi

Phó vụ trưởng Vụ KHCN &MT phát biểu tại hội thảo

TKNL trong các công trình xây dựng là xu thế chung của thế giới nhằm hướng đến việc xây dựng các công trình xanh, trong đó sử dụng đồng bộ các giải pháp từ thiết kế công trình, sử dụng thiết bị và vật liệu xanh. Tuy việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam còn đôi chút khó khăn, song rất mừng khi hiện nay cũng đã có nhiều chủ đầu tư mới nhận ra được lợi ích hiệu quả của những công trình như vậy. Điều đó chứng tỏ, nhận thức của các doanh nghiệp, chủ đầu tư tại Việt Nam cũng đã dần thay đổi, bắt đầu quan tâm đến áp dụng tiết kiệm năng lượng vào các công trình. Đó cũng là động lực để phát triển mạnh hơn nữa các công trình xanh.

Hà Minh