Thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA

NGUYỄN THỊ THU HIỀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Bài viết khái quát hóa về thực trạng sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn 2015-2020. Phân tích các cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA. Từ đó đề xuất các khuyến nghị đối với nhà nước doanh nghiệp cà phê nhằm góp phần tận dụng các lợi thế của EVFTA thúc đẩy xuất khẩu cà phê sang EU. Các khuyến nghị tập trung vào nâng cao chất lượng cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của EU, tăng đầu tư chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo các điều kiện về truy suất nguồn gốc, xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam.

Từ khóa: xuất khẩu cà phê, EVFTA, thuế quan, rào cản kỹ thuật, truy suất nguồn gốc.

1. Đặt vấn đề

Tháng 8 năm 2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Các cam kết liên quan đến cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác trong EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu cà phê vào thị trường EU, đặc biệt là các sản phẩm cà phê đã qua chế biến sâu. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều thách thức đối với cà phê Việt Nam liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm. Nếu sản phẩm cà phê của nước ta không đáp ứng được những tiêu chuẩn này sẽ không tận dụng được lợi thế do EVFTA mang lại.

Sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn dựa trên cơ sở tổng quan tài liệu, tác giả khái quát về năng lực sản xuất cà phê của Việt Nam hiện nay, làm rõ thực trạng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU. Đồng thời phân tích những cơ hội và các vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu cà phê sang thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị đối với nhà nước và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thuộc nhóm hàng này sang thị trường EU trong giai đoạn 2021-2025.

1. Thực trạng sản xuất và xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào EU

a) Về sản xuất và chế biến cà phê

Việt Nam là một trong những quốc gia có quy mô lớn và năng suất cao trong sản xuất cà phê trên thế giới. Diện tích và sản lượng cà phê có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây (Hình 1). Năm 2019, diện tích trồng cà phê của cả nước là 688 nghìn ha, tổng sản lượng đạt gần 1,7 triệu tấn. Năng suất cà phê của Việt Nam đạt mức trung bình là 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê robusta và 1,4 tấn nhân/ha đối với cà phê arabica. Cà phê của Việt Nam chủ yếu là Robusta, loại cà phê này chiếm khoảng hơn 90% diện tích trồng cà phê của cả nước. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc là 5 vùng sản xuất chính. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước (chiếm 89%) với diện tích 577 nghìn ha (năm 2018). Các tỉnh có sản lượng và diện tích trồng lớn nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai.

Việt Nam đã bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hóa lớn và đang tích cực chuyển hướng sang sản xuất cà phê có chứng nhận bền vững. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã liên kết được với nông dân và hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững, thân thiện với môi trường, và đạt các chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ. Năm 2019, diện tích cà phê được chứng nhận bền vững, Việt nam đứng thứ 3 thế giới (sau Brazil và Colombia). Đặc biệt, tại Việt Nam đã có 01 doanh nghiệp (Công ty Vĩnh Hiệp) sản xuất được cà phê organic, được các tổ chức ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản công nhận. Tuy nhiên, về tổng thể thì hoạt động trồng và thâm canh cây cà phê ở nước ta vẫn chưa bền vững, các điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giá trị chuỗi sản xuất cà phê chưa cao.

Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2019 cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Tổng công suất thiết kế chế biến cà phê tiêu dùng đạt 132,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, công suất thực tế đạt 94,4 nghìn tấn sản phẩm/năm, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 30 nghìn tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến thường hoạt động dưới công suất thiết kế, trong đó nhà máy chế biến cà phê nhân và chế biến cà phê bột mới chỉ đạt trên 50%. Sản phẩm cà phê chế biến và xuất khẩu cà phê chế biến vẫn tập trung ở nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho chế biến sâu còn ít, hiện mới chỉ có các doanh nghiệp như CTCP Vinacafe Biên Hòa, CTCP Tập đoàn Intimex, CTCP Tín Nghĩa đã đầu tư cho chế biến sâu.

Xét về chỉ số năng lực cạnh tranh (RCA), năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với các cường quốc cà phê trên thế giới. Cà phê nguyên liệu của Việt Nam vẫn cạnh tranh chủ yếu bằng giá và có giá trị thấp so với các đối thủ trên thị trường. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia nội khối EU, Việt Nam có lợi thế tương đối lớn đối với mặt hàng cà phê (RCA > 1).

b) Về xuất khẩu cà phê sang thị trường EU

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu cà phê khoảng 10 tỷ USD năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Sản phẩm cà phê Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020, cả nước xuất khẩu 1,57 triệu tấn cà phê, kim ngạch 2,74 tỷ USD, giá trung bình 1.751,2 USD/tấn.

Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai tại thị trường EU, chiếm 16,1% thị phần về lượng (sau Brazil với 22,2%). EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Trung bình giá trị XK cà phê của Việt Nam sang EU đạt hơn 1,1 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2015-2019 (Bảng 1).

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU(1)

Đơn vị: triệu USD

Quốc gia

2015

2016

2017

2018

2019

Đức

353,9

477,9

442,6

433,3

345,5

Ý

194,3

240,2

265,1

240,0

218,6

Tây Ban Nha

201,7

189,8

197,7

195,7

188,4

Bỉ

117,8

158,8

135,9

130,3

115,3

Pháp

61,1

70,3

69,0

67,6

52,4

Các nước EU khác

72,3

80,5

79,6

85,5

68,6

Tổng

1.001,3

1.217,6

1.190,0

1.152,4

988,8

Nguồn: Tradecom.un.org. (1)Chỉ tính khu vực đồng tiền chung Euro

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU có xu hướng ổn định trong các năm 2015-2018, và giảm nhẹ vào năm 2019. Năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, làm gián đoạn các kênh vận chuyển hàng hóa, giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thị trường toàn cầu nên xuất khẩu cà phê của Việt Nam nói chung và sang thị trường các nước sử dụng đồng tiền chung Euro nói riêng giảm. Tính đến tháng 8.2020, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang EU đạt 487,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt 779,5 triệu USD, giảm lần lượt 6,2% và 6,4% so với cùng kỳ.

Năm quốc gia thuộc EU có kim ngạch nhập khẩu cà phê của Việt Nam lớn nhất bao gồm Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Tỷ trọng nhập khẩu của 5 quốc gia này chiếm 92% - 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong đó, Đức là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam chiếm 34%-37% trong tổng khối lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Với sản lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu thô (cà phê nhân) mà chưa tham gia được vào chế biến sâu và rang xay xuất khẩu (Bảng 2). Hầu hết cà phê trong nước được thu gom thông qua các đại lý, doanh nghiệp nhỏ rồi bán lại cho các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước và FDI sơ chế (cà phê nhân) rồi xuất khẩu. Số liệu năm 2019 cho thấy có tới 97,6% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam dưới dạng thô.

Bảng 2. Cơ cấu cà phê xuất khẩu sang thị trường EU năm 2019

Mã HS

Tên sản phẩm

Tỷ lệ trong tổng KNXK sang EU (%)

Thị phần hàng Việt Nam tại EU (%)

090111

Cà phê chưa rang và khử caffein

97,687

15,8

090112

 Cà phê rang, khử caffein

2,201

17,3

090121

 Cà phê rang chưa khử caffein

0,107

0

090190

 Vỏ cà phê

0,005

0,1

090122

 Cà phê khử caffein

0,001

0

Nguồn: Vụ thị trường Châu Âu-Châu Mỹ, Báo cáo XK ngành hàng cà phê sang EU, 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bắt đầu sản xuất sản phẩm cà phê hữu cơ để xuất khẩu.  Năm 2020 một số sản phẩm cà phê hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường EU khi đáp ứng được những tiêu chuẩn riêng cho mặt hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng như chứng nhận Organic, Rainforest, Fairtrade,...

2. Cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu cà phê sang thị trường EU khi thực thi EVFTA

Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển. Là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và xuất khẩu cà phê nói riêng. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề đặt ra đối với ngành Cà phê cần được giải quyết để có thể tận dụng được cơ hội này. 

a) Cơ hội đối với xuất khẩu cà phê sang EU khi thực thi EVFTA

Một là, cơ hội đến từ cắt giảm thuế quan của EU đối với cà phê nhập khẩu từ Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, EU sẽ xóa bỏ ngay mức thuế 7,5% - 9,0% đối với cà phê nhân (rang, rang xay). Đối với một số chế phẩm từ hạt cà phê bao gồm cà phê hòa tan, tinh chất chứa cà phê mức thuế 9,0% - 11,5% sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm. Đối với các sản phẩm cà phê nhân xanh hoặc vỏ quả, vỏ lụa cà phê, thuế suất nhập khẩu vào thị trường EU đã là 0% trước khi ký EVFTA. Như vậy, EVFTA là cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường lớn cho cà phê Việt Nam vào EU. Sản phẩm được hưởng lợi theo EVFTA là các sản phẩm cà phê chế biến. Vì vậy, khi thực thi EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng cà phê chế biến sang thị trường EU.

Hai là, cơ hội đến từ việc EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao, trong đó có sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột và thêm nhiều dịch vụ mới cung cấp bởi đối tác EU phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như về tài chính, bảo hiểm nông nghiệp... Đây là lợi thế cạnh tranh lớn cho ngành Cà phê Việt Nam tại thị trường EU. Vì vậy, ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, các doanh nghiệp có thể cân nhắc đầu tư phát triển thương hiệu cà phê đặc sản tại vùng này và tận dụng các điều kiện ưu đãi mà phía EU dành cho cà phê của Việt Nam.

Ba là, cơ hội đến từ việc EVFTA giúp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đến từ châu Âu và các nước có kinh nghiệm về chế biến sâu. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam được có thể được chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.

b) Những vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu cà phê sang EU khi thực thi EVFTA

Thứ nhất, liên quan đến quy tắc xuất xứ. EU có những quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc trong nước tối thiểu hoặc nguyên liệu có nguồn gốc ngoài EU tối đa. Vì vậy,  cà phê của Việt Nam sẽ phải đáp ứng các tỷ lệ này để được hưởng ưu đãi trong biểu thuế quan của EU. Theo đó, cà phê nhân xanh xuất khẩu sang EU theo nguyên tắc của EVFTA cần đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy, tức là 100% phát triển từ vùng nguyên liệu tại Việt Nam. Đối với các chế phẩm từ cà phê: không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra. Trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm không được vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm. Việc tuân thủ các quy tắc về xuất xứ là một trong những khó khăn lớn đối với Việt Nam để tận dụng lợi ích của EVFTA trong xuất khẩu cà phê.

Thứ hai, để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA cà phê xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật cao và ghi nhãn minh bạch về thông tin an toàn thực phẩm và môi trường. Ngoài ra, EU quy định các chất gây ô nhiễm cần được đảm bảo ở mức thấp nhất để không đe dọa sức khỏe con người hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực phẩm (trong đó có cà phê). Các quy định về biện pháp phi thuế quan (NTM) nói chung và các biện pháp SPS của EU nói riêng vẫn còn phức tạp làm gia tăng chi phí đáp ứng và làm cho tỷ lệ chi phí để đáp ứng các NTM ở Việt Nam cao hơn so với các nước xuất khẩu cà phê vào EU, đây là một yếu tố làm hạn chế năng lực thương mại của Việt Nam nói chung và lợi ích tiềm năng từ EVFTA nói riêng. Thêm vào đó, khả năng thay đổi của ngành Cà phê Việt Nam nói chung để thích ứng với EVFTA còn hạn chế, nhất là việc đáp ứng yêu cầu nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường. Chi phí sản xuất tăng khi phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của thị trường EU.

Thứ ba, chỉ có nhóm cà phê chế biến mới được hưởng lợi từ cắt giảm thuế quan vì các nhóm cà phê thô đã có mức thuế suất nhập khẩu bằng 0 trước khi có EVFTA. Trong khi đó tỷ lệ cà phê rang xay hiện nay chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê cần đầu tư vào chế biến sâu, tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê chế biến để có thể được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan theo EVFTA. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D. Hộ nông dân sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ và chưa liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; hệ thống phân phối trong nước thiếu liên kết, dịch vụ logistics và dịch vụ cho phát triển nông nghiệp trong nước còn hạn chế.

Thứ tư, hiện nay, công tác xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê chưa được doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và triển khai hiệu quả dẫn đến vị thế trong thương mại quốc tế của cà phê Việt Nam thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU. Ngay cả với các thương hiệu cà phê hiện nay cũng chưa được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả tại thị trường nước ngoài nói chung và thị trường EU nói riêng.

3. Các khuyến nghị

a) Khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước

Triển khai các chương trình hướng dẫn, hỗ trợ người trồng cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ của EU. Nhà nước cần đưa truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung thành quy định bắt buộc và chuẩn hóa. Cơ quan chức năng ở các địa phương và các Bộ ngành liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ) cần tiếp tục triển khai các chương trình để hướng dẫn người trồng cà phê sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu, sản phẩm cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Nếu Việt Nam tổ chức thực hiện được chứng nhận đảm bảo nguồn gốc xuất xứ thì xem như đã làm được 50% yêu cầu trong quy trình xuất khẩu sang EU.

Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn về môi trường của EU. Trước hết, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của thị trường EU. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu ngành cà phê, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng. Đồng thời, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến cà phê để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm cà phê xuất khẩu sang EU.

Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường EU cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tăng cường nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường đối với mặt hàng cà phê (nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm,...) để cung cấp cho các doanh nghiệp; Chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài để tiêu thụ cà phê qua các hệ thống phân phối ở nước ngoài; Tuyên truyền phổ biến các quy định và tiêu chuẩn về môi trường cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân; Thông tin, phổ biến pháp luật, chính sách thương mại của các nước thuộc EU đến doanh nghiệp.

Thúc đẩy xúc tiến thương mại và xây dựng phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam. Các Bộ ngành liên quan cần tăng cường phối hợp trong việc quảng bá về sản phẩm cà phê Việt Nam tại thị trường EU thông qua các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền, biên tập cẩm nang cung cấp thông tin phục vụ xuất khẩu, các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) và giới thiệu sản phẩm. Theo đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực thực hiện xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, định hướng XTTM đối với ngành hàng cà phê mang tính chiến lược trung - dài hạn. Trong đó, chú trọng tới các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu, từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam tại thị trường EU.

b) Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê

Chủ động nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của cà phê. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng, nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Việc chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào các vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về môi trường, quy trình quản lý do EU quy định. Đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản các sản phẩm cà phê; chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng.

Đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA. Doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo ra các vùng chuyên canh để đảm bảo tỷ lệ đầu vào trong nước đáp ứng tiêu chuẩn của EU.

Xây dựng và phát triển các thương hiệu cà phê tại thị trường EU, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng tỷ lệ cà phê chế biến, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm cà phê xuất khẩu, từ đó đưa cà phê Việt Nam vào quy trình xuất khẩu một cách thuận lợi hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2020), Thông tin xuất khẩu ngành hàng café vào EU, NXB Công Thương, Hà Nội.
  2. Fontagné, L., M. Mimouni, and J-M. 2005. Estimating the Impact of Environmental SPS and TBT on International Trade. Integration and Trade. Journal 22:7-37.
  3. Phạm Nguyên Minh, Đinh Công Hoàng. (2018). Thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu trong bối cảnh thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, 2, tr.24-35.
  4. Đỗ Thị Hòa Nhã, Nguyễn Thị Thu Hà. (2019). Phân tích các yếu tố tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 196(03), 123-129.
  5. Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn (2019), Cam kết mở cửa thị trường nông lâm thủy sản trong Hiệp định EVFTA. Báo cáo nghiên cứu.

Boosting Vietnam’s coffee exports to the EU under the EVFTA

Ph.D Nguyen Thi Thu Hien

Thuongmai University

ABSTRACT:

This paper presents an overview on the coffee production of Vietnam and the country’s coffee exports to the European Union in the period from 2015 to 2020. This paper analyzes opportunities and challenges posed to Vietnam’s coffee exports to the EU market under the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA). Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to the state management agencies and companies in order to boost Vietnam’s coffee exports to the EU. These recommendations focus on improving the quality of coffee to meet the EU’s high standards, investing more in deep processing technology, developing the chain of coffee production, ensuring the traceability, and developing the brand of Vietnamese coffee.

Keywords: coffee exports, EVFTA, tariffs, technical barriers, traceability.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]