Thực hành tiết kiệm trong quản lý sản xuất kinh doanh theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong tiêu dùng: một xã hội văn hoá, văn minh không phải là xã hội tiêu dùng và tiêu nhiều mà là xã hội sản xuất phát triển, tiêu dùng tiến bộ giữ gìn bản sắc văn hoá, tiết kiệm, tiết chế sử dụng tài

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta thấy rõ chủ đề “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” là truyền thống, đạo đức, tinh thần, lối sống của người cách mạng.

Nền kinh tế nước ta đang vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cạnh tranh và hội nhập với kinh tế quốc tế đòi hỏi phải giảm chi phí trong quá trình tái sản xuất để sản phẩm có giá thành hạ, chất lượng cao, số lượng lớn tăng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có nguồn thu tích luỹ tái sản xuất mở rộng.

Trong hoạt động lý luận và thực tiễn cũng sinh hoạt hàng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở ý thức tiết kiệm. Tư tưởng tiết kiệm khác lạ với lối sống khổ hạnh “Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng. Trái lại, chúng ta phấn đấu hy sinh, vì chúng ta muốn xây dựng một xã hội ai cũng ấm no, sung sướng.” [1] ; kiệm đi với cần, tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm “cần với kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người” [2] .Tiết kiệm đối lập với lãng phí, xa hoa, quan liêu, tham nhũng, kém chất lượng. Tăng gia sản xuất cần được hiểu đầy đủ là làm cho quy mô, chất lượng, hiệu quả sản xuất gia tăng. Cơ quan nhà nước, đoàn thể làm kinh tế, công chức làm thêm để tự túc lương thực, thực phẩm, tăng thêm thu nhập chỉ là một phần của khái niệm tăng gia sản xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ thế nào là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm về mặt lý luận và thực tiễn, Người phê phán những gì đối lập với tiết kiệm, chỉ ra kết quả của thực hành tiết kiệm trong các ngành, lĩnh vực, trong mỗi công việc, nghề nghiệp, đồng thời chỉ ra các hình thức tiết kiệm.

Câu chuyện Bác Hồ với hũ gạo tiết kiệm trong những năm đầu kháng chiến là một ấn tượng mạnh, hình ảnh xúc động trong các thế hệ người Việt Nam chúng ta, tinh thần đùm bọc đồng bào lúc khó khăn, giúp đỡ nhân dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng đã trở thành truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phong trào xã hội, là chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sản xuất là một quá trình với các chu kỳ đan xen vào nhau trong hệ thống kinh tế, thực hành tiết kiệm ở trong các khâu của quá trình tái sản xuất bao gồm đầu tư, chi phí đầu vào, ra của sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất, trong phân phối và trong tiêu dùng. Đây là vấn đề các doanh nghiệp, cơ quan và nhân dân quan tâm vì tất cả đều nằm trong quá trình đó với tư cách là người quản lý, người lao động sản xuất, kinh doanh và tất cả là người tiêu dùng. Trong chu trình này, Người khuyên mọi người đều phải tiết kiệm để tích luỹ và tăng năng suất lao động “ Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm tức là đủ” nhờ đó mà “ Nghèo trở lên đủ, đủ trở lên giầu, giàu thì giàu hơn”. [3]

Trong công tác kế hoạch hoá, để xây dựng hoàn thành kế hoạch Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu kế hoạch một phần thì biện pháp phải ba phần, Người đề nghị xây dựng “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm” và “Lề lối làm việc: Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ, phải giải thích cho dân hiểu rõ sao cho dân vui vẻ làm. Hết sức tránh bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh” . [4]. Chúng ta có nhiều chương trình sản xuất sản phẩm cạnh tranh như mía đường, xi măng, cà phê,... những chương trình đó ít khi đưa ra được dự báo và lộ trình, biện pháp giảm giá thành. Hiện nay, theo đánh gía chuyên gia các công nghệ khu vực FDI và công nghệ nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn trong nước chưa phải là “công nghệ nguồn-công nghệ mới” đã gây ô nhiễm môi trường, giảm sức cạnh tranh.

Về hạch toán kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất chúng ta nhận được ở Người qua các bài viết, bài nói chuyện với các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, nông trường, công trường, bà con hộ sản xuất thủ công nghiệp,... từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Đến thăm nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy đèn Bờ Hồ (năm 1954), Bác nói công tác thi đua của công nhân ngành điện là “Tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện” [5]. Đến với nhà máy xi măng Hải Phòng, cơ khí Gia Lâm, mỏ than Cẩm Phả,... Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào công nhân thi đua sản xuất thực hành tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm. Tiết kiệm được thể hiện ở nhiều hình thức đáng chú ý nhất hình thức đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động “máy cày, máy gặt đã tiết kiệm được sức lao động cho 22 triệu người làm công ở Liên Xô” [6]. Việc tăng năng suất tạo ra năng lực sản xuất mới, có nguồn nhân lực và nguồn vốn mới đầu tư vào các ngành sản xuất mới với công nghệ cao.

Trong bài “Rẻ”, Bác viết năm 1960, chúng ta càng thấm thía tư tưởng sản xuất nhiều nhanh, tốt rẻ là một nguyên tắc của cạnh tranh trong các nền sản xuất hàng hoá. Trong điều kiện hiện nay chúng ta đang tìm biện pháp giảm chi phí sản xuất thì “Mỗi người, mỗi đơn vị sản xuất phải luôn luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Có thể dùng ít nguyên, vật liệu hơn mà hàng vẫn tốt không ? Có thể dùng nguyên vật liệu tương đối rẻ thay thế những nguyên liệu tương đối đắt, hoặc dùng những thứ sẵn có ở gần để thay thế những thứ phải chở từ xa tới không? Có thể sửa đổi quy cách một số mặt hàng để tiết kiệm nguyên liệu hơn nữa không ?” [7] . Đây chính là quan điểm của hạch toán kinh doanh, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nội địa hoá giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong nền kinh tế sản xuất hàng hoá mà chúng ta đang phấn đấu.

Về tăng gía trị tăng của sản phẩm bằng cách giảm chi phí sản xuất, Bác Hồ lấy ví dụ “nếu làm một mẫu cà phê mất 1400 đồng thì đổi được 1 máy cày, hạ giá thành xuống 700 đồng thì đổi được 2 máy cày”[8]. Tư tưởng này có ý nghĩa quan trọng khi doanh thu sản xuất ở mức gần bão hoà thì giá trị gia tăng nằm ở ngay việc giảm chi phí sản xuất; về mối tương quan giữa giá thành, chất lượng sản phẩm và doanh thu Bác nói với bà con làm nghề thủ công ở Hà Nội năm 1960 “cố gắng làm cho giá thành hạ xuống, phẩm chất hàng hoá tăng lên. Như thế mới có nhiều người mua, nghề nghiệp của mình mới phát triển” [9] .

Trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, Người có nhiều ý kiến về tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiện, phê phán các tập tục lãng phí, lễ Tết, đình đám, cưới hỏi, hội họp tốn kém tiền bạc, thời gian ở một số HTX được chỉ rõ địa chỉ, người phê phán lãng phí sau thu hoạch như bảo quản, vận chuyển, xay giã và phân phối và yêu cầu “ giáo dục mọi người tự động tiết kiệm” và “ chớ vì được mùa mà ăn tiêu phí phạm” [10].

Trong quản lý kinh tế Bác Hồ của chúng nhấn mạnh việc cải tiến lề lối làm việc, đổi mới quản lý kinh tế, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền vốn, phát huy phong trào quần chúng tham gia quản lý. Đối với cán bộ “ Chúng ta có thể dùng ít tiền, ít thời giờ mà làm được nhiều công việc nếu chúng ta biết dựa vào công nhân, nông dân” [11],khi thăm một triển lãm, Bác phê phán một số cán bộ quan liêu, kìm hãm sáng kiến của quần chúng. Đối với công nhân “muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với phẩm chất tốt, giá thành hạ” [12].

Quan điểm của Hồ Chí Minh là xã hội hoá sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị khi được đúc kết, trong cơ chế kinh tế hiện nay chúng ta cần thị trường hoá các sản phẩm khoa học công nghệ và các quyền sở hữu trí tuệ như thế mới cạnh tranh và nhân rộng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Tiết kiệm trong công tác quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh là vấn đề lớn liên quan đến đạo đức cách mạng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; chúng ta học được nhiều ở tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với công chức Người khuyên “Phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong sở, chớ phao phí giấy má và các thứ của công” nhiều người tiết kiệm “công quỹ đã bớt được số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra” [13]. Trong nhiều bài báo, Người phê phán những cán bộ xa hoa, lãng phí công quỹ đến mức “hoang phí là tội ác” và “các vị cán bộ kia ăn tiêu như thế không thẹn với lương tâm hay sao” [14].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất có ý nghĩa phương pháp luận của quá trình tái sản xuất mở rộng “sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống” [15] , là hệ thống kiến thức, kinh nghiệm, một lối sống lịch sự, văn hoá bởi “ thiếu tiết kiệm ảnh hưởng không tốt đến tăng gia sản xuất, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục” [16]. Chuyển sang kinh tế thị trường có những chuyện đau lòng trong cán bộ, trong gia đình, cá nhân có thu nhập cao nhưng không có lối sống tiết kiệm, tiêu dùng sai,quá mức không chỉ lãng phí vật chất mà sinh ra nhiều tiêu cực về quản lý, về đạo đức, lối sống. Chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng của chúng ta là phù hợp với tinh thần tiết kiệm, khuyến khích tiêu dùng hợp lý, cân đối với thu nhập, khuyến khích đầu tư tăng trưởng sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2001-2010, Đảng ta chủ trương “triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng tích luỹ cho đầu tư phát triển” Khả năng tiết kiệm của nền kinh tế nước ta rất lớn “tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP từ 18,2% năm 1995 tăng lên 27% năm 2000” [17]. Việc huy động vốn trong dân và xã hội hoá đầu tư là chủ trương đúng được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, vấn đề đặt ra là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đó, tăng vòng quay của vốn.

Tiết kiệm, giảm chi phí trong sản xuất, quản lý cần trở thành phong trào, nếp nghĩ, phương án kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân, của chi tiêu hộ gia đình.

 

Quy luật giá trị chỉ ra rằng nhà sản xuất nào tạo ra chi phí cá biệt thấp mà sản xuất nhiều sản phẩm cạnh tranh sẽ có lợi nhuận và sức phát triển. Tiết kiệm bao gồm việc giảm chi phí vật chất, chi phí phi vật chất, tiêu dùng hợp lý, thực hiện ở mọi nơi, mọi người từ biện pháp bắt buộc đến tự giác, từ lời nhắc nhở đến các áp dụng phương tiện kỹ thuật tự động hoá. Việc rà soát để loại ra chi phí bất hợp lý cần làm ngay ví dụ như lãng phí điện năng, nhiên liệu, nước sạch, lãng phí trong hội họp, trong sử dụng tài sản nhà nước, trong chi tiêu thường xuyên của quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh... quan trọng hơn là đưa ra các giải pháp chiến lược giảm chi phí toàn bộ đầu vào của sản xuất, cũng như đổi mới hệ thống công nghệ sản xuất, quy trình quản lý để tăng năng suất lao động, tăng giá trị gia tăng sản phẩm. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nghiên cứu so sánh chi phí sản xuất quốc tế và khu vực về các sản phẩm cạnh tranh để thực hiện cắt giảm ngay chi phí bất hợp lý trong nội bộ và các đưa ra các nguyên tắc hợp đồng mua-bán, xây dựng các phương án đầu tư; kiến nghị sửa đổi chính sách thuế, phí và lệ phí, tín dụng, giá độc quyền, thủ tục hành chính,...

 

Trong tiêu dùng: một xã hội văn hoá, văn minh không phải là xã hội tiêu dùng và tiêu nhiều  mà là xã hội sản xuất phát triển, tiêu dùng tiến bộ giữ gìn bản sắc văn hoá, tiết kiệm, tiết chế sử dụng tài nguyên không tái tạo được, bảo vệ môi trường đặng phát triển bền vững.

 

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

(Bài đã đăng báo Nhân dân)
-----------------------

Tham khảo CD-rom Hồ Chí Minh Nxb. Chính trị quốc gia
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Đạo đức cách mạng, báo Nhân dân, số 460, ngày 6-6-1955
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, bài “Kiệm”.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, tr.10
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Thư gửi cán bộ Bắc Cạn (năm 1950)
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Đến thăm nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy đèn Bờ Hồ (năm 1954)
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr.563
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, báo Nhân dân, số 2184, ngày 11-3-1960
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nói chuyện với công nhân nông trường Đông Hiếu, ngày 10-12-1960 ;
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nói chuyện tại Đại hội nhân dân Thủ đô, ngày 3-8-1960.
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, báo Nhân dân, ngày 11-5-1955.
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9,tr.242.
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng công đoàn Việt Nam ngày 18-7-1969.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, tr.158.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, báo Sự thật, số 109, ngày 15-4-1949.
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, tr.402
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, tr.13
[17] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX

  • Tags: