Thực hành trách nhiệm xã hội với môi trường tại các doanh nghiệp công nghiệp Phú Thọ

ThS. Vũ Thị Phương Lan (Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thực hiện trách nhiệm xã hội là yếu tố tất yếu đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải chính là các ràng buộc phi thuế như: vấn đề bảo vệ môi trường, thực hành trách nhiệm với người lao động, bảo vệ tài nguyên, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm,… Tuy nhiên, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhận thức của doanh nghiệp về thực hiện các trách nhiệm này còn hạn chế. Đặc biệt, họ mới chỉ nhận thấy những chi phí bỏ ra trước mắt là rất lớn, mà chưa thấy được những lợi ích lâu dài đem lại từ việc làm này. Nghiên cứu được tiến hành tại 253 doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa thực hiện trách nhiệm xã hội với môi trường và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Kết quả này có ý nghĩa đối với việc xây dựng kế hoạch phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính của doanh nghiệp công nghiệp để phát triển.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, môi trường, doanh nghiệp công nghiệp Phú Thọ.

1. Mở đầu

            Môi trường và các vấn đề môi trường từ lâu đã trở thành mối quan tâm của toàn nhân loại. Việc bảo vệ môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào của mỗi quốc gia cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong phát triển bền vững của đất nước, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường vấn đề bảo vệ môi trường trên tất cả các khía cạnh: môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, bảo vệ tài nguyên, da dạng sinh học,… Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường sẽ làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp và các doanh nghiệp thường không tự nguyện, lảng tránh hoặc thực hiện không đầy đủ các khía cạnh của vấn đề bảo vệ môi trường. Bản thân mỗi DN không hiểu rằng chính hành động này đã bỏ lỡ cơ hội tiếp cận các thị trường cao cấp hay mở rộng thị trường quốc tế do những rào cản phi thuế của các nước phát triển. Mặt khác, bản thân mỗi doanh nghiệp còn thiếu kiến thức, chưa am hiểu, chưa nhận thức được các lợi ích thu được từ việc thực hiện tốt trách nhiệm với môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế là mở rộng thị trường, đặc biệt là các quốc gia đã phát triển nơi có giá bán cao, sản lượng tiêu thụ lớn từ đó gia tăng lợi nhuận cho DN.

            Để nâng cao nhận thức của DN về những lợi ích khi thực hành trách nhiệm xã hội với môi trường, tác giả đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm tại 253 doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, kết quả nghiên cứu cho thấy DN sẽ thu được lợi ích về tài chính cao hơn khi thực hành tốt trách nhiệm xã hội với môi trường.

2. Khái quát trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường

Thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1953, khi Howard Rothmann Bowen công bố cuốn sách “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân”, nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do doanh nghiệp làm tổn hại cho xã hội. Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ngày nay khái niệm và các nội dung TNXHDN đã được xây dựng thành các bộ tiêu chuẩn áp dụng rộng khắp trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến tiêu chuẩn quốc tế ISO 26000: 2010 đưa ra các hướng dẫn về TNXHDN. Các nội dung cốt lõi của ISO 26000: 2010 bao gồm: điều hành tổ chức, quyền con người, thực hành lao động, môi trường, thực tiễn hoạt động công bằng, người tiêu dùng, sự tham gia và phát triển cộng đồng.

Theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 26000, nội dung TNXHDN của DN đối với môi trường, bao gồm các tiêu chí: (1) phòng ngừa ô nhiễm; (2) sử dụng tài nguyên bền vững; (3) giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; (4) bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khắc phục môi trường sống tự nhiên được thể hiện trong khung phân tích sau (Hình 1):

Nội dung trách nhiệm xã hội của DN với môi trường

2.1. Phòng ngừa ô nhiễm  

Để cải thiện việc phòng ngừa ô nhiễm do các hoạt động của mình, DN cần phải: Xác định các khía cạnh và tác động của các quyết định và hoạt động của tổ chức lên môi trường xung quanh; xác định nguồn gây ô nhiễm và chất thải liên quan đến hoạt động của tổ chức; áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa ô nhiễm và chất thải, sử dụng hệ thống quản lý rác thải và đảm bảo quản lý phù hợp ô nhiễm và rác thải có khả năng tránh được; tham gia với cộng đồng địa phương về các phát thải và chất thải gây ô nhiễm thực tế và tiềm ẩn, các rủi ro sức khỏe liên quan cũng như các biện pháp giảm thiểu thực tế và đề xuất; công bố về lượng và loại vật liệu độc và nguy hiểm có liên quan và đáng kể được sử dụng và thải ra; tránh sử dụng các hóa chất cấm như: Chất phá hủy tầng ôzôn, chất gây ô nhiễm hữu cơ bền, các hóa chất, thuốc trừ sâu nguy hiểm, hóa chất gây ung thư, gây đột biến, ảnh hưởng tới sinh sản, rối loạn nội tiết hay tích tụ sinh học lâu dài và độc hại.

2.2. Sử dụng tài nguyên bền vững

Để duy trì tài nguyên trong tương lai thì quy mô, khối lượng tiêu thụ và sản xuất hiện tại cần thay đổi sao cho chúng hoạt động trong phạm vi khả năng của trái đất. Việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên tái tạo có nghĩa là chúng được sử dụng với tỷ lệ nhỏ hơn hoặc bằng với tỷ lệ bổ sung của tự nhiên đối với các nguồn tài nguyên không thể tái tạo (như nhiên liệu hóa thạch, kim loại, khoáng sản), tính bền vững lâu dài đòi hỏi tỷ lệ sử dụng nhỏ hơn tỷ lệ nguồn tài nguyên có thể thay thế. Tổ chức có thể tiến tới việc sử dụng tài nguyên bền vững bằng cách sử dụng điện, nhiên liệu, nguyên liệu thô, đã qua xử lý, sử dụng đất và nước một cách có trách nhiệm hơn.

2.3. Giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu

Phát thải khí nhà kính (GHG) từ các hoạt động của con người như cácbon đioxit, mêtan, và nito oxit là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, có tác động lớn đến môi trường tự nhiên và con người. Mọi tổ chức cần có trách nhiệm về phát thải khí nhà kính và sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu theo một cách thức nhất định.

Để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến hoạt động, DN cần: Xác định nguồn phát thải GHG trực tiếp hoặc gián tiếp và xác định phạm vi trách nhiệm của mình; đo lường, lập hồ sơ và báo cáo về phát thải GHG đáng kể của tổ chức; áp dụng các biện pháp tối ưu nhằm giảm dần phát thải GHG trực tiếp và gián tiếp trong phạm vi kiểm soát của tổ chức và khuyến khích những hành động tương tự trong phạm vi của tổ chức; thực hiện tiết kiệm năng lượng; áp dụng các biện pháp nhằm ứng phó với các tác động hiện có hoặc dự đoán và đóng góp vào việc nâng cao năng lực thích ứng của các bên liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

2.4. Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khắc phục môi trường sống tự nhiên

Tổ chức có thể trở nên có trách nhiệm xã hội hơn bằng cách hoạt động để bảo vệ môi trường và khôi phục môi trường sống tự nhiên cũng như nhiều chức năng và dịch vụ khác mà hệ sinh thái cung cấp (như thức ăn và nước uống, điều hòa khí hậu, hình thành đất trồng và các cơ hội tái tạo. Các khía cạnh của vấn đề này bao gồm: Xác định giá trị và bảo vệ đa dạng sinh học; xác định giá trị, bảo vệ và khôi phục các dịch vụ của hệ sinh thái, sử dụng đất và tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, phát triển thành thị và nông thôn với môi trường tốt.

3. Mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu

            Mô hình nghiên cứu được tác giả xây dựng dựa vào các nghiên cứu của Carroll (1999), Baird Gey Lani & Robert (2012); Qinghua Zhu, Junjun liu et all (2016); Korathotage Kamal Tilakasiri (2012), Suhazeli Wan Ahamed et all (2014) (Hình 2).

Mô hình nghiên cứu lý thuyết

3.2. Các giả thuyết nghiên cứu

            Qua quá trình phân tích, tổng hợp cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu tiền nhiệm, xây dựng mô hình nghiên cứu lý thuyết như trên. Các giả thuyết được đề xuất trong mô hình nghiên cứu được tổng hợp như sau:

            H1: Phòng nghừa ô nhiễm tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của DN.

            H2: Sử dụng tài nguyên bền vững có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính của DN.

            H3: Giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính của DN.

            H4: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phục hồi môi trường sống tự nhiên có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả tài chính của DN.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy hệ số KMO tính được từ mẫu điều tra là 0,730 lớn hơn 0,5. Như vậy, quy mô mẫu điều tra đủ điều kiện thích hợp để tiến hành phân tích nhân tố. Kiểm định Barlett với giả thiết H0: mức độ tương quan giữa các biến quan sát bằng 0 trong tổng thể có ý nghĩa thống kê vì Giá trị P-value xác định được từ mẫu điều tra là 0,00 nhỏ hơn so với mức ý nghĩa 0,05 (hay 5%). Vì vậy, có thể bác bỏ giả thiết H0 hay có thể kết luận các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Như vậy, mẫu nghiên cứu và các biến quan sát là phù hợp để tiến hành phân tích nhân tố khám phá.

Phân tích với 19 biến quan sát mà tác giả sử dụng, có thể rút trích được 4 nhân tố chính đánh giá Thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường. Theo kết quả tính toán từ mẫu điều tra, 4 nhân tố này giải thích được 55,803% sự biến thiên của toàn bộ dữ liệu. Kết quả xác định biến quan sát cho từng nhân tố được đánh giá qua hệ số tải nhân tố được thể hiện trong Bảng 1.

Ma trận xoay các nhân tố

Kết quả trên cho thấy các biến quan sát: png3, bvmt5, png2, png6 không có hệ số tải nhân tố lớn hơn 0,5 ở nhân tố nào. Vì vậy, nên loại bỏ các biến quan sát này khỏi phân tích nhân tố khám phá. Sau khi loại dần các biến quan sát: png3, bvmt5, png2, png6 thì 4 nhân tố đã giải thích được 68,914% sự biến thiên của bộ dữ liệu.

Như vậy, từ kết quả phân tích nhân tố khám phá tác giả xác định được 4 nhân tố tác động đến Thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường được sử dụng trong các phân tích tiếp theo, các biến quan sát thuộc 4 nhân tố này bao gồm:

Tổng hợp các biến quan sát

4.2. Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo

Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo thể hiện trong Bảng 3. Theo kết quả này, tất cả các giá trị Cronbach’s Alpha của các biến quan sát đều lớn hơn 0.7 cho thấy tất cả các biến đều có độ tin cậy đối với mô hình nghiên cứu.

Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Như vậy, từ kết quả phân tích khám phá (EFA) và đánh giá độ tin cậy của thang đo sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha các nhân tố được rút trích với các biến quan sát đo lường các nhân tố đảm bảo độ tin cậy của thang đo. Vì vậy, các nhân tố với các biến kiểm soát đạt đủ điều kiện để tiến hành các phân tích tiếp theo.

4.3. Kết quả phân tích hồi quy

4.3.1. Tác động của các yếu tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đến ROA

Kết quả hồi quy cho thấy giá trị hệ số xác định R2 là 0,302 cho biết mô hình hồi quy mối liên hệ giữa 4 nhân tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường có thể giải thích được 30,2% sự biến động ROA của doanh nghiệp do ảnh hưởng của các yếu tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường.

Kết quả phân tích phương sai ANOVA nhằm kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy có giá trị F quan sát là 26,845 với giá trị P-value (Sig.) là 0,000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 0,05. Vì vậy, có thể đưa ra kết luận mô hình hồi quy là phù hợp để mô tả mối liên hệ giữa 4 nhân tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường và ROA của doanh nghiệp.

Việc đánh giá tác động của từng nhân tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường và ROA của doanh nghiệp được thể hiện qua các hệ số hồi quy βi trong mô hình hồi quy cho thấy các nhân tố về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đều có giá trị P-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 0,05. Các hệ số hồi quy đều có giá trị dương, chứng tỏ các nhân tố về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đều có tác động thuận chiều đến ROA của doanh nghiệp. Sự phụ thuộc này được mô tả theo phương trình:

Y (ROA) = 0,329BVMT + 00,177BDKH + 0,122SDTN

Như vậy, nhân tố PNG có ảnh hưởng mạnh nhất đến ROA của doanh nghiệp với hệ số hồi quy chuẩn hóa là như nhau và cao nhất là 0,329. Tiếp theo đó là nhân tố BVMT, BDKH và cuối cùng là SDTN.

4.3.2. Tác động của các yếu tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đến ROE

Kết quả hồi quy tác động của các yếu tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đến ROE cho thấy giá trị hệ số xác định R2 là 0,34 cho biết mô hình hồi quy mối liên hệ giữa 4 nhân tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường có thể giải thích được 23,6% sự biến động ROE của doanh nghiệp do ảnh hưởng của các yếu tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động.

Kết quả phân tích phương sai ANOVA nhằm kiểm định sự phù hợp của mô hình hồi quy có giá trị F quan sát là 19,12 với giá trị P-value (Sig.) là 0,000 nhỏ hơn mức ý nghĩa 0,05. Vì vậy, có thể đưa ra kết luận mô hình hồi quy là phù hợp để mô tả mối liên hệ giữa 4 nhân tố thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường và ROE của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm định ý nghĩa của các hệ số hồi quy được phản ánh qua giá trị P-value (Sig.) cho thấy, nhìn chung các nhân tố về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đều có giá trị P-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 0,05, hay có thể nói rằng, với mẫu điều tra được các nhân tố về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đều có tác động tới ROE của doanh nghiệp. Các hệ số hồi quy đều có giá trị dương chứng tỏ các nhân tố về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường đều có tác động thuận chiều đến ROE của doanh nghiệp. Sự phụ thuộc này được mô tả theo phương trình:

Y(ROE) = 0,267PNG + 0,204BVMT = 00,170BDKH + 0,136SDTN

Như vậy, nhân tố PNG có ảnh hưởng mạnh nhất đến ROE của doanh nghiệp với hệ số hồi quy chuẩn hóa là như nhau và cao nhất là 0,267. Tiếp theo đó là nhân tố BVMT, BDKH và cuối cùng là SDTN.

5. Kết luận

Thông qua mô hình hồi quy tác giả đã tiến hành kiểm định và cho thấy môi quan hệ dương giữa các yếu tố thực hành trách nhiệm xã hội với môi trường và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Các kết quả nghiên cứu trên đây đã bổ sung các thang đo trách nhiệm xã hội với người với môi trường của các doanh nghiệp công nghiệp. Đây là cơ sở giúp các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có được các thang đo để thực hiện các nghiên cứu hay đánh giá liên quan đến thực hành trách nhiệm xã hội với người lao động.

Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu cho thấy: nhân tố PNG có ảnh hưởng mạnh nhất đến ROA, ROE tiếp theo đó là nhân tố BVMT, BDKH và cuối cùng là SDTN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Baird, P. L., Geylani, P. C., & Roberts, J. A. (2012), Corporate social and financial performance re-examined: Industry effects in a linear mixed model analysis. Journal of Business Ethics, vol. 109(3), pp. 367-388.
  2. Carroll, A. B. (1999), Corporate social responsibility: evolution of a definitional construct, Business & Society, vol.38, no.3, pp. 286.
  3. Korathotage Kamal Tilakasiri. (2012), Corporate Social Responsibility and Company Performance: Evidence from Siri Lanka, Victoria Low School.
  4. Wan Suhazeli Wan Ahamed , M. Almsafir and A. Al-Smadi, Does Corporate Social Responsibility Lead to Improve in Firm Financial Performance? Evidence from Malaysia, International Journal of Economics and Finance, vol. 6, no. 3, 2014.

 

PRACTICING SOCIAL RESPONSIBILITY OF PHU THO PROVINCE’S INDUSTRIAL ENTERPRISES

 Master. Vu Thi Phuong Lan

Viet Tri University of Industry

ABSTRACT:

In the context of the international economic integration, practicing social responsibility is an indispensable factor for enterprises that want to expand their businesses, especially in the international market. The biggest difficulty that Vietnamese enterprises have to face is the non-tax constraints such as environmental protection, responsibility for workers, resource protection and product origin issues. However, for developing countries like Vietnam, the perception of enterprises on the implementation of these responsibilities is limited. In particular, enterprises only see that they have to immediately huge costs and do not recognize long-term benefits from practicing their social responsibilities. This study was conducted at 253 industrial enterprises in Phu Tho province and the study’s results reveal that there is a positive relationship between the implementation of social responsibility with the environment and the financial efficiency of enterprises. This result would positively impact the allocation and use financial resources of industrial enterprises.

Keywords: Social responsibility of enterprises, environment, Phu Tho province’s industrial enterprises.