Thực hư chuyện tỏi "trị" được virus corona

Trước thông tin, tỏi cô đơn Lý Sơn có khả năng chữa được virus theo như facebook Lương Hoàng Anh đăng tải và một số facebook khác cũng đang coi như bí quyết "vàng", các chuyên gia đã khẳng định: không có chuyện tỏi chữa được virus corona.

Tác dụng của tỏi tới sức khỏe

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong 100 gam tỏi thì có chứa khoảng 6,36 gam protein, 33 gam carbohydrates, 150gam calo và nhiều loại dưỡng chất cần thiết như vitamin nhóm B, vitamin B1, B2, B3, B6, sắt, canxi và nhiều loại chất khác nữa.

Bên cạnh đó, trong tỏi chứa hợp chất sulfur và glycoside, hàm lượng germanium rất cao. Hợp chất allicin là một trong những nhân tố quyết định tác dụng cơ bản của tỏi. Tuy nhiên, trong tỏi tươi không có allicin tự do mà chỉ có alliin. Nếu muốn hình thành allicin rất đơn giản, chỉ cần bạn đập dập và băm nhuyễn tỏi để vài phút là enzyme trong tỏi sẽ tự kích hoạt giúp chuyển hóa tiền chất alliin thành allicin ngay sau đó.

Ngoài ra, hợp chất sulfur có trong tỏi có tác dụng kháng khuẩn rất tốt, tiêu viêm mạnh. Nếu bạn sử dụng tỏi hàng ngày giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm các bệnh cảm cúm và các bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra. Một thông tin rất hữu ích là thói quen sử dụng tỏi sống sẽ giúp rút ngắn tới 70% thời gian cảm và giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn để sớm khỏe hơn.

Củ tỏi
Củ tỏi có nhiều tác tốt rất tốt cho sức khỏe

Tỏi có diệt được virus corona?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay: “Từ xưa đến nay, tất cả các loại tỏi đều có kháng sinh và có khả năng chống cúm rất tốt. Khi có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi người ta thường tăng cường ăn tỏi để tăng khả năng miễn dịch đối với cúm. Nhưng, tỏi nó chỉ góp phần làm giảm nguy cơ phát triển của cúm chứ không hề tiêu diệt được virus như những lời chia sẻ trên mạng xã hội”.

Ông Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: “Tỏi là thực phẩm gia vị bổ dưỡng, có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, không gây phản ứng phụ cho cơ thể. Sai lầm khi nghĩ ăn nhiều tỏi hoặc sử dụng tỏi để diệt virus nói chung và virus corona chủng mới".

Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội Nguyễn Hồng Siêm nói: "Các thông tin lan truyền trên mạng về việc sử dụng tỏi khi có các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt đều là kinh nghiệm dân gian. Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy tỏi có khả năng ức chế virus, bất kể loại virus gì".

Ông cũng cho rằng nhiều người chia sẻ cách giã tỏi pha với nước sôi để nguội ở nồng độ vừa phải để nhỏ mũi, chữa trị triệu chứng cúm. Tuy nhiên đây cũng là cách "không có cơ sở khoa học".

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm phổi, không nên áp dụng những thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Nên rửa tay thường xuyên do viurs corona lây nhiễm từ việc chạm, tiếp xúc với những vật dụng có dịch tiết của người bệnh. Súc miệng, súc họng bằng các dung dịch có tính sát khuẩn để loại bỏ hoặc giảm thiểu virus trước khi chúng xâm nhập vào phổi.

WHO
“Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ăn tỏi, dầu mè và Vitamin C giúp trị khỏi nCoV”, WHO thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của tổ chức này, cùng với hashtag #KnowtheFacts (Hãy biết sự thật).

Cũng trong thời gian gần đây, nhiều bài viết giả mạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được tung lên các trang mạng xã hội, lan truyền thông tin rằng các loại thực phẩm như tỏi, dầu mè hay vitamin C có thể tiêu diệt được vi rút corona chủng mới (nCoV). WHO đã lên tiếng khẳng định hiện chưa có bất kỳ phương thuốc nào có thể chữa trị vi rút nCoV.

Tuy tỏi chưa được chứng minh là có thể diệt được virus corona nhưng bạn nên sử dụng tỏi thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Nguyên Vỵ