TÓM TẮT:

Trên thế giới có thể có nhiều cách hiểu hoặc khái niệm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy nhiên, theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Đề án “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020” đã đưa ra khái niệm: “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ”.

Bài viết này tập trung phân tích, đánh giá về thực trạng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay ở tỉnh Sơn La.

Từ khóa: Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Sơn La.

1. Thực trạng triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Sơn La trong các lĩnh vực cụ thể như sau:

1.1. Trong lĩnh vực trồng trọt

Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện một số ứng dụng công nghệ cao, bao gồm:

+ Áp dụng giống cây trồng mới:

Nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất như: Giống ngô lai LV10; giống lúa đặc sản của địa phương có giá trị cao Tan hin, Tan lo, Săm pi tong; Sử dụng các giống ngô chuyển gen, NK66Bt/GT, NK7328Bt/GT, NK4300Bt/GT, NK67Bt/GT, CP501S,... có khả năng chống chịu sâu bệnh, cỏ dại cho năng suất cao.

Các loại cây ăn quả chất lượng cao như: Hồng giòn MC1, đào chín sớm (ĐCS1), dưa vàng thơm Hà Lan, thanh long ruột đỏ, lê Pháp, xoài Thái Lan, nhãn chín sớm chín muộn…

+ Công nghệ lai ghép:

Đang được ứng dụng rộng rãi trên diện tích đất phù hợp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc thiếu bền vững sang trồng cây ăn quả có giá trị cao. Cụ thể là ghép cải tạo cây nhãn giống cũ bằng các giống nhãn chất lượng cao, quả to, cùi dày, ngọt, đạt diện tích trên 4.040,9 ha; Ghép cải tạo bằng giống xoài Đài Loan, xoài Thái Lan với diện tích 743,83 ha, năng suất bình quân 160 tạ/ha (cây trồng mô hình được 8 năm) đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tại huyện Vân Hồ cũng mở rộng diện tích ứng dụng ghép mắt và trồng một số loại cây ăn quả giống mới có hiệu quả kinh tế cao với hơn 300 ha.

+ Áp dụng công nghệ mới:

Công nghệ tưới nhỏ giọt Israel được triển khai thí điểm cho 23 ha cây cà phê, 10 ha chè và tiếp tục mở rộng tưới cho cây ăn quả, rau.

+ Áp dụng công nghệ sản xuất sản phẩm an toàn:

Hỗ trợ 23 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng, duy trì, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả, an toàn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, trong đó có 15 chuỗi sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 93,3 ha gồm: 07 chuỗi đang duy trì hoạt động, diện tích 38,8 ha và 08 chuỗi đang xây dựng, diện tích 58,5 ha; 08 chuỗi sản xuất quả an toàn (nhãn, xoài, bưởi da xanh, na dai, thanh long ruột đỏ...) với tổng diện tích 175 ha.

Sản xuất chè đạt được chứng nhận VietGap cụ thể: Doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương với 27,85 ha; Công ty Chè Vinatea Mộc Châu được với 19,7 ha, Công ty Chè Cờ đỏ với 50 ha; Công ty Chè Chiềng Ve với 20 ha.

1.2. Chăn nuôi

Tỉnh Sơn La đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học trong việc bình tuyển, chọn lọc, lai cải tạo các giống gia súc lớn, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện giống lợn, bò địa phương. Cụ thể:

- Nghiên cứu cấy chuyển phôi bò sữa thuần chủng; truyền giống nhân tạo cho bò, sử dụng tinh đông lạnh tạo ra con bò giống tốt, sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi tại hộ gia đình để tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào... Đến năm 2016, đã phối giống nhân tạo cho 7.250 lượt bò cái có chửa bằng tinh giống bò thịt có chất lượng cao (Bò Brahman), bê lai sinh ra có giá trị tăng thêm khoảng 50% so với bê địa phương.

Sử dụng lợn đực giống ngoại, chăn nuôi theo hướng VietGAP để tạo đàn con lai phát huy ưu thế lai tăng trưởng nhanh, có tỷ lệ nạc cao và nâng cao sức đề kháng với môi trường. 02 chuỗi chăn nuôi lợn thịt đã hoàn thiện chuỗi đang duy trì hoạt động: DNTN Minh Thúy tại xã Cò Nòi huyện Mai Sơn và Công ty TNHH Chăn nuôi Chiềng Hặc; Đang xây dựng 01 chuỗi sản xuất mật ong tại Trung tâm Ong Sơn La.

- Áp dụng kỹ thuật chăn nuôi (lợn, gà) bằng đệm lót lên men (sử dụng chế phẩm men Balasa No1) với 297 hộ dân tham gia.

1.3. Thủy sản

Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được tỉnh Sơn La quan tâm triển khai cho các hộ dân, như mô hình nuôi cá lồng, cá ruộng; mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá tầm đen trên lòng hồ sông Đà, cá hồi ở huyện Bắc Yên và Mộc Châu... Đồng thời, tỉnh cũng đã ứng dụng kỹ thuật và sản xuất thành công giống cá lăng chấm trên địa bàn tỉnh Sơn La, đưa cá giống được tạo ra từ kết quả nghiên cứu để nuôi thương phẩm; sản xuất giống cá chép lai 3 máu, cá rô phi siêu đực, thâm canh nuôi cá đạt năng suất cao. Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã góp phần phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa lĩnh vực thủy sản từng bước trở thành lĩnh vực mũi nhọn của ngành Nông nghiệp. Năm 2016, toàn tỉnh có 2.560 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; có 32 HTX, 03 doanh nghiệp tham gia nuôi thủy sản; số lồng nuôi thủy sản là 2.557 lồng nuôi, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5.800 tấn, tăng 7,6% so với năm 2015 (tăng 408 tấn).

1.4. Chế biến, bảo quản

Việc chế biến nông sản, công nghệ bảo quản của tỉnh đã và đang từng bước được đầu tư khoa học công nghệ cao để mở rộng, làm tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp như: Chế biến mận quả, Actiso ở huyện Mộc Châu; măng Bát độ ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp; Sơn tra ở huyện Bắc Yên; triển khai các công nghệ sấy bảo quản, sơ chế ngô, sắn, nhãn..., công nghiệp chế biến mía đường, chế biến chè, cà phê, chế biến tinh bột sắn, chế biến hoa quả và chế biến sữa...

Các tổ chức, cá nhân đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, GMP... Việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản đã đóng góp tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất, chế biến với quy mô vừa và nhỏ tại các cơ sở thị trấn, thị tứ trung tâm xã trên địa bàn tỉnh.

2. Thực trạng các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Sơn La

Theo Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp công nghệ cao phải đạt 3 tiêu chí bổ sung như sau:

Một là, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% tổng doanh thu thuần hàng năm.

Hai là, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trên tổng doanh thu thuần là 1% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và 0,5% đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và 300 lao động.

Ba là, số lượng lao động có trình độ đại học trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp là 5% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2,5% đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và 300 lao động (không ít hơn 15 người).

Theo các tiêu chí này, tỉnh Sơn La chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được là doanh nghiệp công nghệ cao. Thực tế, trên địa bàn tỉnh mới có 06 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận khoa học công nghệ cấp tỉnh với tổng vốn điều lệ của 06 doanh nghiệp và hợp tác xã trên khoảng 30,8 tỷ đồng, doanh thu đạt trung bình khoảng 56,2 tỷ đồng/ năm, tổng số lao động chính là 160 và gần 200 lao động hợp đồng lao động theo thời vụ [3]. Nhìn chung, doanh nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về số lượng và phạm vi các lĩnh vực hoạt động.

3. Thực trạng xây dựng và phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sơn La

Thực hiện theo các Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/05/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 26/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định về việc lập Dự án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Sơn La sẽ thực hiện xây dựng các vùng và khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sau:

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mộc Châu

Trên thực tế, việc xây dựng và định hướng phát triển khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu đã được tỉnh Sơn La thực hiện từ những năm 2004. Theo quy hoạch, tổng diện tích đất phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Mộc Châu là 200 ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ khai thác, sử dụng được 56,57 ha đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Khu trung tâm, các dự án đầu tư của doanh nghiệp trồng rau, hoa và khu bệnh viện. Diện tích chưa được sử dụng vào mục đích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 143,43 ha, do đây là diện tích đất khu dân cư, khu nghĩa trang nhân dân và đất trồng cỏ của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

- Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Ngày 20/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục và giao chủ đầu tư thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Trong tổng số 34 dự án lớn với 127 tiểu dự án nhỏ được phê duyệt, thì lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi có 110 tiểu dự án; Lĩnh vực thủy lợi: 9 tiểu dự án; Lĩnh vực trồng, cải tạo vườn cây ăn quả bằng giống chất lượng cao: 8 tiểu dự án.

Trong quy hoạch của tỉnh còn một số khu vực như tại huyện Vân Hồ sẽ được định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, do chưa có những đề xuất cụ thể từ các nhà đầu tư, nên những khu vực này hiện nay mới dừng lại ở việc nghiên cứu, chứ chưa đi vào thực tế triển khai.

4. Đánh giá các kết quả đạt được

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La đạt được một số kết quả như sau:

Thứ nhất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh đã có những chuyển dịch mạnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp.

Thứ hai, năng suất sản lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế được nâng cao và một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Mối liên kết giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học được hình thành, bước đầu tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp.

Một trong những kết quả đạt được rõ nhất đó là sự gia tăng về giá trị sản xuất. Nếu so với năm 2011, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tăng 14,84%, bình quân tăng 2,81%/năm. Cụ thể tổng giá trị sản xuất của từng lĩnh vực như sau: trồng trọt đạt 6.6751,039 tỷ đồng; chăn nuôi đạt 2.778,521 tỷ đồng; thủy sản đạt 211,75 tỷ đồng.

Thứ ba, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, các quy trình tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Thứ tư, thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người sản xuất tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng hàng hóa, hiện đại.

5. Một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Sơn La

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La cần thực hiện các giải pháp sau:

Giải pháp về quy hoạch: Nhanh chóng thực hiện quy hoạch các vùng và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã được phê duyệt và đề xuất xây dựng mới các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành quản lý gắn với chiến lược, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao; Tăng cường công tác quản lý, giám sát và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch.

Giải pháp về cơ chế, chính sách: Nghiên cứu và áp dụng một cách toàn diện các chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giải pháp về vốn: Đa dạng hóa và huy động các nguồn vốn của xã hội, đồng thời tập trung và có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện đề án; Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao.

Giải pháp về hạ tầng công nghệ thông tin: Tăng cường hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và nền tảng khoa học công nghệ của tỉnh.

Giải pháp về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đào tạo ngắn hạn và dài hạn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại… để tự xây dựng, thực hiện và giám sát kế hoạch sản xuất và quản lý sản xuất; Quy hoạch đào tạo trong nước và nước ngoài cho các nhà khoa học và cán bộ có trình độ chuyên sâu đối với các lĩnh vực then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý.

Giải pháp về tuyên truyền, phổ biến: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giới thiệu phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ cao đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. HĐND tỉnh Sơn La (2014), Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND "Về ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020".

2. HĐND tỉnh Sơn La (2017), Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND "Về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017 - 2021".

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La (2017), Báo cáo tổng kết nông nghiệp, nông thôn năm 2016.

4. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg "Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao".

5. UBND tỉnh Sơn La (2015), Quyết định số 810/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020.

6. UBND tỉnh Sơn La (2016), Quyết định số 1925/QĐ- UBND "V/v ban hành phương án triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng tái định cư Thủy điện Sơn La".

High-tech agricultural models in Son La province

TRANG THI XUAN

Son La People's Committee

ABSTRACT:

Despite different interpretations or concepts about high-tech agriculture in the world, according to the Department of Science Technology and Environment - Ministry of Agriculture and Rural Development, the project called “Developing hi-tech agriculture by 2020” has defined the concept of "high technology agriculture” is the application of new technologies to production, including: agricultural industrialization; automation; information technology, new material technology, biotechnology, productive crops and livestock breeds per unit area as well as sustainable development on the basis of organic farming ".

This paper focuses on the current status of modern high-tech agricultural models in Son La province.

Keywords: High-tech agricultural models, Son La province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây