Thực trạng phát thải ngành Vận tải Việt Nam và gợi ý giải pháp

ThS. Nguyễn Ngọc Thía (Khoa Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Việc phát triển phương tiện vận tải trong ngành Vận tải giúp tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, việc phát triển các phương tiện vận tải làm tăng lượng khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, phát thải CO2 gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do thiếu các nguyên tắc và hoạt động bền vững trong ngành Vận tải. Việc phát triển ngành Vận tải theo hướng tăng trưởng xanh là cần thiết. Bài báo tập trung vào làm rõ thực trạng phát thải và hoạt động giảm phát thải của ngành vận tải Việt Nam. Từ đó gợi ý một số đề xuất cho ngành Vận tải Việt Nam giúp giảm lượng phát thải CO2 góp phần đạt được mục tiêu chung quốc gia.

Từ khóa: Phát thải, giảm phát thải, ngành Vận tải.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây ổn định, đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực cũng như Thế giới (Vietnam Report, 2019). Ngành Vận tải có vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế quốc gia. Vận tải có vai trò hoán đổi vị trí của hàng hóa và con người từ nơi này đến nơi khác một cách an toàn và nhanh chóng. Các phương thức vận tải phổ biến bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường ống. Thống kê về năng lực đội tàu năm 2018, vận tải đường thủy nội địa chiếm khoảng hơn 17% tỷ trọng vận tải hàng hóa trong nước, vận tải đường bộ là khoảng 77% và vận tải biển ven bờ là 5% (Thời báo Tài chính Việt Nam, 2019).

 Việc phát triển ngành Vận tải là cần thiết góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, quá trình hoạt động của các phương tiện trong ngành vận tải phát thải CO2 gây ô nhiễm môi trường không khí. Phát thải ngành Vận tải lớn thứ ba sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí thải nhà kính (GHG) (Tạp chí Môi trường, 2019). Riêng ngành Vận tải đã chiếm 23% lượng khí thải CO2 ra môi trường, vận tải đường bộ tiêu thụ đến 80% lượng nguyên liệu (Quang Anh, 2019). Ngành Vận tải Việt Nam đóng góp khoảng 10,8% tổng lượng phát thải CO2, dự báo mỗi năm tăng 6-7% (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, 2019). Vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất (85% lượng khí phát thải) (Báo Tài nguyên Môi trường, 2019). Nghiên cứu phát thải ngành Vận tải Việt Nam là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh nói chung và ngành Vận tải theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Giao thông Vận tải, 2016b).

2. Thực trạng phát thải ngành Vận tải Việt Nam

2.1. Thực trạng phát thải ngành Vận tải Việt Nam

Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2011- 2016, các hoạt động giao thông vận tải (GTVT) ở Việt Nam tiêu thụ khoảng 30% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia, 60% tổng nhiên liệu tiêu thụ và tăng 10% mỗi năm. Hoạt động vận tải đường bộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm khoảng 68% tổng nhiên liệu của ngành; 90% nhiên liệu cho GTVT là xăng và dầu diesel (trong đó chỉ 0,3% nhiên liệu sạch). Với việc tiêu thụ số lượng lớn nhiên liệu, các hoạt động GTVT đã phát thải lượng lớn khí nhà kính, làm gia tăng biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm hoạt động GTVT phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2 (Tạp chí Môi trường, 2019). Trong đó vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy nội địa và ven biển chiếm 10%, vận tải hàng không 5% (Báo Tài nguyên Môi trường, 2019).

Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Nồng độ bụi trong không khí (quý 2/2016) tại các nút giao thông ở các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 5 lần; nồng độ khí CO, NO trung bình ngày đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 1,5 lần. Mức độ phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc nhiều vào chất lượng các loại xe. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là do các phương tiện ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả cao. Xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt là khí thải CO, xe tải và xe khách các loại lại thải nhiều NO2 (Tạp chí Môi trường, 2019).

Sự phát triển ngành Vận tải Việt Nam trong những năm qua là phát triển lệch hướng. Theo Báo cáo về Tăng cường ngành Vận tải đường bộ tại Việt Nam, vận tải hàng hóa đường bộ là phương thức vận tải chủ yếu ở Việt Nam, chiếm 77% lưu lượng hàng hóa vận chuyển nội địa và chi phí logistics chiếm khoảng 21% GPD (cao so với thế giới) có quan hệ mật thiết với chi phí logistics và phát thải khí nhà kính. Do đó, để giảm chi phí logistics và phát thải khí nhà kính, Việt Nam cần phân tích kỹ và quy hoạch lại khu vực vận tải hàng hóa đường bộ của mình (Bộ Giao thông vận tải, 2019). Thực tế cho thấy ngành GTVT đang phát triển chệch hướng bởi Việt Nam có nhiều thế mạnh về bờ biển, đường thủy nội địa, do đó giao thông đường thủy phải là chủ lực.

Tuy nhiên thực tế cho thấy GTVT đường bộ phát triển rất nóng (77% tỷ trọng vận tải đường bộ). Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, mạng lưới đường thủy nội địa cũng đóng vai trò then chốt và vận chuyển khối lượng hàng hóa khổng lồ, chiếm gần 20% tổng lưu lượng hàng hóa. Tuy nhiên, mạng lưới này hiện đang trong tình trạng thiếu đầu tư một cách trầm trọng, trong khi trên thực tế nó chính là khu vực cần phải tập trung trong hệ thống vận tải của Việt Nam (Thời báo Tài chính Việt Nam, 2019).

Các nguồn phát thải trực tiếp chủ yếu bao gồm các đội phương tiện thuộc sở hữu cảng, phương tiện quản lý cảng sở hữu hoặc cho thuê, nồi hơi, lò nung trong các tòa nhà, thiết bị xử lý hàng hóa. Các nguồn thải gián tiếp bao gồm liên kết với các hoạt động của người thuê là tàu, xe tải, thiết bị nâng hạ hàng hóa, đầu máy xe lửa, bến cảng thủ công, người thuê sử dụng điện. Các cảng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang phát thải một khối lượng lớn khí CO2 ra môi trường là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu.

Cụ thể, cảng Bến Nghé mỗi năm thải trên 5.000 tấn CO2; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khoảng 7.750 tấn CO2/năm; cảng container khoảng 101 tấn CO2/năm; cảng xăng dầu Thanh Lễ phát thải khoảng 385 tấn CO2/năm; cảng sửa chữa, đóng tàu cũng phát thải 2.278 tấn CO2/năm. Nguyên nhân là do các phương tiện tàu biển - nhất là tàu quá cũ, lạc hậu - phát thải nhiều khí độc do hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải, đang là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường biển (Báo Sài Gòn Giải phóng, 2019).

2.2. Thực trạng hoạt động giảm phát thải ngành Vận tải Việt Nam

Ngành Vận tải Việt Nam trong những năm qua đã có những nỗ lực bao gồm cả những quy định về chính sách pháp luật và những chương trình, hoạt động để giảm lượng khí phát thải nhà kính góp phần phục vụ mục tiêu cam kết giảm 8% lượng khí phát thải nhà kính vào năm 2030 (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, 2019).

Về mặt chính sách pháp luật, ngành Vận tải Việt Nam đã ban hành Thông tư quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (Bộ  GTVT, 2015) trong đó bắt buộc các chủ tàu sử dụng nhiên liệu đúng quy định. Năm 2016, Bộ GTVT ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 (Bộ GTVT, 2016b) và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng (Bộ  GTVT, 2016a). Một trong các mục tiêu cụ thể là thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong GTVT; đến năm 2020 có 5-20% số xe buýt và taxi sử dụng nhiên liệu khí nén tự nhiên (CNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và năng lượng mặt trời (Bộ  GTVT, 2016b).

Bên cạnh đó, các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm giảm lượng khí phát thải CO2 cũng được các đơn vị triển khai. Một số hoạt động giảm lượng khí thải CO2 điển hình như:

- Năm 2016, triển khai dự án Vận tải hàng hóa và logistics bền vững khu vực Mekong gồm 4 phần: Sử dụng nhiên liệu hiệu quả, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, tiếp cận tài chính, chính sách và nhận thức của người tiêu dùng (Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, 2019).

- Năm 2017, Dự án hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) được triển khai tại Hà Nội với các hoạt động: Nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức điều khiển phương tiện sinh thái cho các lái xe taxi. Hệ thống quản lý điều khiển phương tiện EMS được lắp đặt trên các xe taxi để theo dõi, giám sát và đánh giá tính khả thi cũng như hiệu quả giảm khí thải chính xác. Dự án khi hoàn thành sẽ giúp tăng 10% hiệu quả sử dụng nhiên liệu, nhờ đó, sẽ giảm khoảng 1.000 tấn CO2/năm (với 1.000 xe taxi tham gia điều khiển phương tiện EMS) (Tạp chí Môi trường, 2019).

- Triển khai thí điểm dự án sử dụng nhiên liệu khí CNG tại TP. Hồ Chí Minh, với 50 xe buýt mã số 01, có lộ trình hoạt động dài gần 9 km, tuyến Bến Thành - Chợ Lớn. Theo ghi nhận các khí thải độc hại giảm từ 53 - 63%, khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính giảm 20%, không có bụi và khói đen, nhiên liệu được đốt cháy triệt để, đặc biệt là tiết kiệm 30 - 40% nhiên liệu (Tạp chí Môi trường, 2019).

- Các sản phẩm, công nghệ carbon thấp được rộng rãi trong hệ thống tàu biển, hệ thống xe vận chuyển ở các cảng như cấp điện từ bờ, đèn LED trên sân bãi, xe nâng chạy điện… Theo đó, cảng Bến Nghé giảm được 310 tấn CO2/năm; cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giảm 462 tấn CO2/năm; cảng container giảm trên 1.000 tấn CO2/năm. Đồng thời cơ cấu lại đội tàu biển quốc gia hợp lý (loại bỏ dần tàu cũ, tàu gây nhiều ô nhiễm) hình thành đội tàu trẻ hiện đại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường (Báo Sài Gòn, 2019).

Việt Nam đã đưa ra ba kịch bản phát triển ngành giao thông vận tải Việt Nam với mục đích là giảm lượng khí phát thải CO2. Trong đó kịch bản thứ ba giả định sự hỗ trợ quốc tế và sự tham gia của khu vực tư nhân nhiều hơn, sẽ kéo theo các biện pháp như cải thiện hiệu quả nhiên liệu, sử dụng xe điện và hệ số tải của vận tải hàng hóa. Khi đó, giảm phát thải có thể là 20% (VnExpress.net, 2019). Theo VnExpress.net, ngành Vận tải Việt Nam không thể cắt giảm 20% lượng khí phát thải mặc dù ngành GTVT Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cắt giảm lượng khí CO2 do một số tồn tại sau:

- Chính sách, pháp luật quy định phát thải chưa chi tiết, cụ thể, chưa có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm về phát thải phương tiện sử dụng trong ngành.

- Thiếu sự hỗ trợ từ các nước phát triển, về đầu tư, về hỗ trợ công nghệ.

- Cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng phục vụ trong ngành phát triển chậm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

- Thói quen đặc điểm văn hóa sử dụng nhiều phương tiện cá nhân, ít sử dụng phương tiện công cộng.

3. Kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia trên thế giới

Theo Xiaoyu Yan & Roy J. Crookes (2009), Trung Quốc có số lượng phương tiện đường bộ, phương tiện cá nhân tăng nhanh do tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng E10 (10% ethanol sinh học) như một phương án nhiên liệu vận tải thay thế. Trung Quốc cũng thúc đẩy phương tiện sử dụng khí, chủ yếu là CNG, và phương tiện sử dụng khí LPG. Hệ thống quản lý và pháp luật chính sách về thúc đẩy phương tiện dùng khí đã được ban hành trong 19 vùng/thành phố ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng ban hành quy định bắt buộc về chuẩn nhiên liệu đối với phương tiện vận tải hành khách (AQSIQ & SAC, 2004), giới hạn tiêu dùng năng lượng tối đa cho phép theo từng loại phương tiện được thiết lập một cách chuẩn hóa và mỗi loại phương tiện cá nhân bán ra ở Trung Quốc phải đáp ứng chuẩn theo tải trọng. Các phương tiện thương mại cũng được áp thuế theo chuẩn được ban hành năm 2008. Những chính sách như áp thuế nhiên liệu cũng được thực hiện. Một số giải pháp giảm lượng phát thải đã triển khai hiệu quả CO2 của Trung Quốc: Kiểm soát phương tiện cá nhân; quy tắc bắt buộc đối với tổ chức kinh doanh nhiên liệu; Thúc đẩy sử dụng phương tiện sử dụng khí, dầu; Áp thuế vào nhiên liệu; Thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sinh học

Tại Ấn độ, các hoạt động giảm phát thải ngành vận tải Ấn độ được thực hiện dựa trên dự án vận tải xanh dưới cơ chế phát triển sạch (The Clean Development Mechanism_CDM). Việc triển khai thực hiện các dự án giúp giảm phát thải ngành vận tải Ấn độ nhận được sự trợ giúp từ các quốc gia phát triển như Thụy Sĩ, Nhật Bản (Nallapaneni Manoj Kumar & cộng sự, 2018). Các dự án giảm phát thải triển khai hiệu quả tại Ấn Độ: Phát triển công nghệ phanh thu hồi năng lượng từ đầu kéo xe lửa công nghệ phanh tái sinh này thay thế cho công nghệ phanh truyền thống. Đầu tư vào các cơ sở vận tải chuyển đổi từ hình thức vận tải đường sắt truyền thống sang hình thức vận tải phát thải khí nhà kính ít hơn. Phát triển những cơ sở vận tải hành khách hàng loạt thay thế cho những phương tiện vận tải cá nhân. Xây dựng các cơ sở sản xuất các xe điện sử dụng điện bằng pin. Sản xuất khí CNG từ khí thải sẵn có và an toàn từ các bãi rác thải.

Một số giải pháp giảm phát thải vận tải hiệu quả tại New Zealand (Michael R. W. Walmsley & cộng sự, 2015): Điện khí hóa đường sắt; Thúc đẩy rộng rãi kỹ thuật phương tiện sử dụng hiệu quả năng lượng; Điện khí hóa phương tiện hành khách thông qua việc sử dụng song song cả công nghệ phương tiện sử dụng điện; Đề xuất các nhiên liệu từ sinh học như phương án thanh thế nhiên liệu lỏng từ dầu mỏ.

Các giải pháp giảm phát thải vận tải đường bộ hiệu quả ở Latvia (Aiga Barisa & Marika Rosa, 2018): Đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng; Các dự án/gói chính sách tổng hợp thúc đẩy các phương tiện với nhiên liệu thay thế; Cải tiến hiệu quả nhiên liệu và giảm tuổi tọ trung bình trong các kho xe hơi; Xây dựng các kịch bản giảm phát thải.

4. Đề xuất một số giải pháp giúp giảm phát thải CO2 ngành Vận tải Việt Nam

Căn cứ vào thực trạng ngành Vận tải Việt Nam, kinh nghiệm giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới, ngành Vận tải Việt Nam cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu cắt giảm 8% lượng khí phát thải CO2 theo cam kết. Một số giải pháp đề xuất giúp giảm phát thải ngành Vận tải Việt Nam:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển ngành Vận tải theo hướng giảm phát thải CO2 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngành Vận tải Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và ban hành chính sách ngành vận tải trong điều kiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn đoạn 2016-2020 sắp kết thúc. Triển khai những giải pháp như quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Lồng ghép công tác giảm nhẹ khí phát thải nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển GTVT. Ngành GTVT cũng cần ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó ngành Vận tải cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT. Phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch.

Thứ hai, quy hoạch phát triển ngành Vận tải theo đúng hướng. Tái cơ cấu loại hình vận tải theo hướng tăng thị phần vận tải hàng hóa đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển; tăng thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị. Cụ thể, tăng cường đầu tư hệ thống đường quốc lộ, đường bộ cao tốc, mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải và hàng không, gắn với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, hiệu quả kinh tế môi trường; đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cạn đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa, tăng cường năng lực thông quan cho các cảng biển (Báo Tài nguyên Môi trường, 2019). Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thực hiện chương trình kiểm tra phát thải các phương tiện giao thông với việc tăng cường các trạm và tuần tra, kiểm soát trên đường để bảo đảm xe máy trong quá trình sử dụng luôn được bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra đúng thời hạn về tiêu chuẩn khí thải khi tham gia giao thông đường bộ. Xe thuộc phạm vi, đối tượng quy định nhưng không thực hiện kiểm tra khí thải, không có giấy chứng nhận sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy và ven biển nội địa, đường hàng không với từng mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đến năm 2030.

- Đối với vận tải đường bộ:

+ Đẩy mạnh việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

+Thực hiện các dự án/gói chính sách tổng hợp thúc đẩy các phương tiện với nhiên liệu thay thế.

+ Cải tiến hiệu quả nhiên liệu và giảm tuổi thọ trung bình trong các kho xe hơi.

+ Xây dựng các kịch bản giảm phát thải.

- Đối với vận tải đường sắt, học hỏi xem xét đầu tư vào các dự án thay thế đầu kéo xe lửa công nghệ phanh tái sinh của Ấn Độ giúp giảm lượng khí phát thải GHG.

- Tiếp tục đầu tư điện khí hóa đường sắt bằng cách đầu tư thêm, mở rộng đồng thời đẩy nhanh tiến độ khai thác các dự án như đường sắt tại Hà Nội và đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện 6 giải pháp trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn đoạn 2016-2020 do những kết quả tích cực của các giải pháp mang lại.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp kết hợp giúp giảm phát thải CO2. Các hoạt động cụ thể bao gồm (Cục Biến đổi khí hậu, 2017):

- Xây dựng các cơ chế, chính sách, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích thực hiện các chương trình, dự án về cải thiện hiệu quả việc sử dụng nhiên liệu phương tiện giao thông.

- Triển khai dự án nghiên cứu việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ diesel sang khí nén thiên nhiên (CNG) đối với phương tiện cơ giới đường bộ, trước tiên là xe buýt trên cả nước.

- Thực hiện chương trình kiểm tra phát thải phương tiện giao thông, tăng cường các trạm tuần tra, kiểm tra trên đường.

- Kiểm soát phát thải phương tiện cá nhân. Xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện không thực hiện kiểm tra khí thải, không có giấy chứng nhận phương tiện có ngưỡng khí thải cho phép.

- Thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu khí nén tự nhiên, nhiên liệu sinh học.

- Thúc đẩy rộng rãi kỹ thuật phương tiện sử dụng hiệu quả năng lượng.

- Điện khí hóa phương tiện cá nhân, hành khách thông qua việc sử dụng song song cả công nghệ phương tiện sử dụng điện. Để làm được điều này đòi hỏi ngành Vận tải phải đầu tư vào các dự án sản xuất xe điện, xe lai điện - nhiên liệu.

- Đầu tư vào các dự án sản xuất khí nén sinh học sử dụng cho phương tiện vận tải…

- Đầu tư vào các dự án sản xuất khí nén tự nhiên (CNG) từ khí thải sẵn có và an toàn từ các bãi rác thải tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thứ sáu, kêu gọi sự giúp, đầu tư và kinh nghiệm giảm phát thải CO2 cho ngành Vận tải từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, các tổ chức vì môi trường trong việc hỗ trợ phát triển ngành Vận tải theo hướng tăng trưởng xanh.

5. Kết luận

Nghiên cứu tập trung vào kết quả thực hiện các hoạt động, dự án giảm phát thải trong các lĩnh vực vận tải và kinh nghiệm triển khai các dự án, hoạt động giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp giúp giảm phát thải CO2 cho ngành Vận tải Việt Nam. Ngành Vận tải Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đề xuất một cách đồng bộ cả về chính sách pháp luật lẫn các hoạt động, dự án giảm phát thải. Để ngành Vận tải phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tác giả cho rằng ngành Vận tải cần xây dựng các kịch bản phát triển ngành Vận tải một cách chi tiết trong tương lai. Mặt khác, ngành Vận tải cần xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện các giải pháp. Bên cạnh đó, sau mỗi giai đoạn thực hiện cần đánh giá lại để xem xét khả năng đạt được kịch bản để có những hành động cụ thể góp phần đạt được mục tiêu giảm 8% lượng khí phát thải đề ra.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quang Anh, (2019), "72% khí thải CO2 đến từ vận tải đường bộ", truy cập lần cuối ngày 10/08 năm 2019; từ: http://vlr.vn/van-tai/72-khi-thai-co2-den-tu-van-tai-duong-bo-4833.vlr.
  2. Aiga Barisa, & Marika Rosa. (2018). Scenario analysis of CO2 emission reduction potential in road transport sector in Latvia. Energy Procedia, 147, 86-95. doi: https://doi.org/10.1016/j.egypro.2018.07.036
  3. EvnExpress.net, (2019), "Vietnam transport sector could cut emissions by 20 pct with int'l support", truy cập lần cuối ngày 11/09 năm 2019; từ: https://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-transport-sector-could-cut-emissions-by-20-pct-with-int-l-support-3984119.html.
  4. Báo Sài Gòn Giải phóng, (2019), "Giảm phát thải khí nhà kính tại cảng biển", truy cập lần cuối ngày 07/10 năm 2019; từ: https://www.sggp.org.vn/giam-phat-thai-khi-nha-kinh-tai-cang-bien-619021.html.
  5. Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia, (2019), "Thực trạng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam", truy cập lần cuối ngày 01/10 năm 2019; từ: http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21377.
  6. Cục Biến đổi khí hậu, (2017), "Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của ngành Giao thông vận tải", truy cập lần cuối ngày 23/11 năm 2019; từ: http://www.dcc.gov.vn/tin-tuc/3263/Ke-hoach-hanh-dong-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-cua-nganh-Giao-thong-van-tai.html.
  7. Nallapaneni Manoj Kumar, Guduru Ramakrishna Reddy, & Anil Miriyam. (2018). Potential emission reductions from India’s transport sector: a view from the green transportation projects under CDM. Energy Procedia, 147, 438-444. doi: https://doi.org/10.1016/j.egypro.2018.07.114
  8. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, (2019), "Vận tải Xanh - Hướng đến logistics bền vững", truy cập lần cuối ngày 18/11 năm 2019; từ: https://www.vla.com.vn/van-tai-xanh---huong-den-logistics-ben-vung.html.
  9. Thời báo Tài chính Việt Nam, (2019), "Phát triển bền vững ngành vận tải, hướng đến giảm chi phí logistics", truy cập lần cuối ngày 03/12 năm 2019; từ: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-03-29/phat-trien-ben-vung-nganh-van-tai-huong-den-giam-chi-phi-logistics-69448.aspx.
  10. Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, (2019), "Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030", truy cập lần cuối ngày 29/11 năm 2019; từ: http://iasvn.org/tin-tuc/Viet-Nam-cam-ket-giam-8--luong-phat-thai-khi-nha-kinh-vao-2030-7439.html.
  11. Vietnam Report, (2019), "Thủ tướng: Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu thế giới", truy cập lần cuối ngày 25/11 năm 2019; từ: http://vietnamreport.net.vn/Thu-tuong-Kinh-te-Viet-Nam-thuoc-nhom-cac-nuoc-tang-truong-cao-hang-dau-the-gioi-8842-1006.html.
  12. Bộ Giao thông Vận tải, (2019), "Công bố Báo cáo nâng cao hiệu quả vận tải đường bộ, Phát triển bền vững vận tải đường thủy nội địa tại Việt Nam", truy cập lần cuối ngày 29/11 năm 2019; từ: http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/59750/hoi-thao-cong-bo-bao-cao-tang-cuo. Bộ Giao thông Vận tải. (2016a). Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
  1. Bộ Giao thông vận tải. (2016b). Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020.
  2. Bộ Giao thông Vận tải. (2015). Quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
  3. Báo Tài nguyên Môi trường, (2019), "Chuyển đổi vận tải theo hướng giảm phát thải", truy cập lần cuối ngày 25/11 năm 2019; từ: https://baotainguyenmoitruong.vn/chuyen-doi-van-tai-theo-huong-giam-phat-thai-293571.html.
  4. Tạp chí Môi trường, (2019), "Giảm phát thải khí nhà kính do hoạt động giao thông vận tải", truy cập lần cuối ngày 12/10 năm 2019; từ: http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=Gi%E1%BA%A3m-ph%C3%A1t-th%E1%BA%A3i-kh%C3%AD-nh%C3%A0-k%C3%ADnh-do-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-giao-th%C3%B4ng-v%E1%BA%ADn-t%E1%BA%A3i-48092.
  5. Michael R. W. Walmsley, Timothy G. Walmsley, Martin J. Atkins, Peter J. J. Kamp, James R. Neale, & Alvin Chand. (2015). Carbon Emissions Pinch Analysis for emissions reductions in the New Zealand transport sector through to 2050. Energy, 92, 569-576. doi: https://doi.org/10.1016/j.energy.2015.04.069.
  6. Xiaoyu Yan, & Roy J. Crookes. (2009). Reduction potentials of energy demand and GHG emissions in China's road transport sector. Energy Policy, 37(2), 658-668. doi: https://doi.org/10.1016/j.enpol.2008.10.008.

 

TRANSPORT SECTOR EMISSIONS OF VIETNAM AND SUGGESTIONS

 MA. Nguyen Ngoc Thia

Faculty of Economics and Management, Electric Power University, Hanoi, Vietnam

 

ABSTACT:

On one hand, the development of means of transport helps the economic growth. On the other hand, it also increases the amount of dust, noise pollution, and CO2 emissions causing environmental pollution. This is due to the lack of sustainable principles and practices in the transportation sector, hence, it is necessary to go green. The paper focuses on clarifying the status of emissions and emission reduction activities of the Vietnamese transport sector. based on that the article makes some suggestions for the Vietnamese transport sector to help reduce CO2 emissions, contributing to achieving the national goal.

Keywords: Emissions, emissions reduction, transport sector.