Thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong giai đoạn hiện nay, một số nguyên nhân và giải pháp

ThS. NGÔ NGỌC DIỄM (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong bài viết này, tác giả đề cập đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và thực trạng diễn biến của tội phạm môi trường trong một số lĩnh vực, như: Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị; Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học; Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học; Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề; Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại; Lĩnh vực môi trường y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ khóa: Thực trạng, tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.

I. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường

Xác định được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và rất nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề này. Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng khóa VIII về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã khẳng định: “BVMT là vấn đề sống còn của đất nước, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và vì sự công bằng xã hội”1.

Ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 41- NQ/TW về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó chỉ rõ: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BVMT”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, ngày 22/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Ngày 21/01/2009, Ban Bí thư Ban chấp hành TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) “Về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện triệt để các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 41-NQ/TW nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác BVMT. Ngày 12/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường2.

II. Tình hình, đặc điểm tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tội phạm môi trường đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Trên một số địa bàn, lĩnh vực, hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, trong đó điển hình ở một số lĩnh vực sau:

1. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, môi trường đô thị

Cả nước hiện có khoảng 223 khu công nghiệp (trong đó có 171 khu đã hoạt động, 52 khu đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật) và khoảng trên 1000 khu/cụm công nghiệp do UBND các tỉnh, thành phố quyết định thành lập. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có khoảng 43% số khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (kể cả các hệ thống hoạt động chưa hiệu quả).

Nguyên nhân chính của tình hình trên là do các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường, không lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định; Không lập Báo cáo ĐTM bổ sung khi thực hiện đầu tư mở rộng sản xuất; Không xử lý chất thải, các chất độc hại để giảm thiểu ô nhiễm trước khi xả thải vào môi trường; Không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp theo quy định hoặc có nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó.

- Ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị ngày càng gia tăng, chủ yếu là ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng và chất thải sinh hoạt. Tại nhiều dự án xây dựng khu đô thị, khu chung cư, công tác đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính thủ tục.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do việc chấp hành pháp luật BVMT trong lĩnh vực xây dựng cơ bản gần như bị xem nhẹ trong thời gian dài, các yêu cầu BVMT trong quá trình triển khai dự án hầu như chỉ mang tính thủ tục, thiếu cơ chế giám sát thực hiện.

2. Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học

- Tình hình vi phạm pháp luật môi trường trong lĩnh vực khoáng sản diễn ra nghiêm trọng. Hiện cả nước có trên 1.500 tổ chức tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng hầu hết đều không chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về BVMT. Các hành vi vi phạm phổ biến là: không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; không thực hiện việc xây dựng công trình xử lý nước thải hoặc thực hiện không đúng những nội dung xây dựng công trình xử lý chất thải trong bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép; không phục hồi, hoàn thổ hoàn nguyên môi trường sau khai thác...

Nguyên nhân của tình trạng trên, một mặt do các cơ sở khai thác, kinh doanh khoáng sản không chấp hành nghiêm túc pháp luật BVMT, dùng nhiều phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm; mặt khác do điều kiện các điểm khai thác đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa, trong khi công tác quy hoạch mỏ, quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.

- Trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, theo thống kê sơ bộ, mỗi năm bình quân xảy ra 7.000 – 8.000 vụ phá rừng, làm mất gần 6.000 ha/năm; khoảng gần 20.000 vụ vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép. Phương thức thủ đoạn vi phạm phổ biến như: Thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ, thu gom, tập kết gỗ tại những điểm bí mật rồi tổ chức vận chuyển đến nơi tiêu thụ; dùng hóa chất, chặt, đốt cho cây chết dần để khai thác; thường xuyên thay đổi phương tiện vận chuyển; sử dụng giấy tờ hợp pháp để quay vòng nhiều lần; làm giả dấu búa kiểm lâm; vận chuyển với khối lượng dưới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu bị bắt giữ, tịch thu hàng hóa thì tìm cách mua thanh lý…

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do lợi nhuận rất cao từ việc buôn bán lâm sản, động vật hoang dã quý hiếm, nên các đối tượng lợi dụng các sơ hở trong chính sách pháp luật, những khó khăn trong cơ chế quản lý của chính quyền và cơ quan chuyên ngành các cấp để thực hiện các hành vi vi phạm. Nhu cầu về sử dụng các loại lâm sản, sản phẩm từ động vật rừng là rất lớn, nên đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vi phạm.

3. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề

- Hiện nay, cả nước có 98 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, trong đó chỉ có khoảng 1/3 tổng số cơ sở nằm trong các khu công nghiệp tập trung, còn lại nằm rải rác bên ngoài, xen kẽ trong các khu dân cư gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cả nước hiện có 260 kho thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu là các loại thuốc quá hạn sử dụng là tang vật của một số vụ việc vi phạm chưa được xử lý, có từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh theo thủ tục tố tụng hình sự, hành chính còn tồn đọng, phần lớn số thuốc này chưa được tiêu huỷ theo đúng quy định, công tác lưu giữ, bảo quản chưa được quan tâm đúng mức, gây tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm nặng tới môi trường đất và nguồn nước. Trong đó có 14 kho thuốc bảo vệ thực vật nằm trong diện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng". 

- Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, cây lượng thực, hoa màu kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại các sông, kênh, hồ, mương, đồng ruộng, ô nhiễm không khí ở khu vực nông thôn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn lượng chất thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không được xử lý mà thải trực tiếp ra kênh mương, đồng ruộng; lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật; vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật không được thu gom, xử lý triệt để. Công tác quy hoạch vùng chăn nuôi, quản lý môi trường ở khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mực, gần đây mới chỉ chú trọng đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản thực phẩm.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do là do công nghệ sản xuất ở các làng nghề rất lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ thường là hộ cá thể, không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật để đầu tư công nghệ xử lý chất thải, một phần do hiểu biết và ý thức BVMT của nhân dân còn hạn chế, do tập quán, lịch sử để lại, một mặt khác có không ít cơ sở tại các làng nghề chỉ chạy theo lợi nhuận, cố tình không xử lý chất thải nhằm giảm thiểu chi phí; Chưa có cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở các làng nghề hoặc công tác quản lý môi trường lĩnh vực này còn lỏng lẻo, hạn chế và chồng chéo.

4. Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý chất thải nguy hại

- Tình trạng nhậu khẩu trái phép rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn rác thải, phế liệu được nhập khẩu vào nước ta như nhựa phế liệu, sắt phế liệu, thiết bị máy tính cũ, ắc quy chì cũ... Có dấu hiệu hình thành các băng, ổ nhóm, đường dây vận chuyển, kinh doanh rác. Tình trạng trên xảy ra phổ biến ở các cảng biển lớn như Hải Phòng, Quảng  Ninh, TP. Hồ Chí Minh, chưa kể lượng hàng hóa được nhập lậu qua cửa khẩu, đường biên giới, nhất là khu vực biên giới Tây Nam. Phương thức, thủ đoạn mà đối tượng vi phạm thường sử dụng là khai báo gian dối, ngụy trang tinh vi, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, nhập nguyên liệu sản xuất, khi bị phát hiện thì từ chối nhận hàng với lý do gửi nhầm, lập công ty ma... Điển hình các  vụ của Công ty cổ phần Cửu Long Vinashin, Công ty TNHH Thế kỷ mới, Công ty cổ phần Kim khí Sài Gòn, Công ty TNHH Anh Trang...

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trên thu được lợi nhuận rất cao từ việc nhập khẩu, kinh doanh rác thải nên thường xuyên cố tình vi phạm; Hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này chưa rõ ràng, cụ thể, do đó dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, công tác điều tra, xử lý; Công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng tại một số địa phương có phần còn buông lỏng.

- Trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại, số lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, lĩnh vực y tế, từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu... rất lớn (tính riêng lượng chất thải nguy hại từ các làng nghề trên toàn quốc ước đạt trên 2800 tấn/ngày) nhưng chưa được xử lý đúng quy định pháp luật.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do nhiều doanh nghiệp, cá nhân chỉ chạy theo lợi nhuận, cố tình không xử lý chất thải nguy hại nhằm giảm chi phí; do nhu cầu mưu sinh từ trước đến nay nhiều nơi trở thành nghề có thu nhập; năng lực xử lý chất thải nguy hại chưa đáp ứng đủ nhu cầu; hệ thống pháp luật và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ, có nơi thiếu sự quan tâm thỏa đáng.

5. Lĩnh vực môi trường y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm

- Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 13.640 cơ sở khám chữa bệnh các loại với tổng số hơn 220.000 giường bệnh (trong đó có khoảng 1.300 cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành). Với số lượng như trên, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 500 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ chất thải y tế nguy hại chiếm khoảng 20%, chưa tính hàng triệu m3 nước thải y tế3

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý chất thải y tế chưa được chú trọng, bị buông lỏng trong một thời gian dài trước khi có những vụ việc mang tính cảnh báo; Nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao trong khi kinh phí đầu tư hạ tầng của các cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng, có tình trạng vừa hoạt động vừa xây dựng; Một số bệnh viện, cơ sở y tế và nhân viên coi thường pháp luật, cố tình thực hiện hành vi vi phạm vì động cơ vụ lợi.

- Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình vi phạm diễn ra rất nghiêm trọng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, số người mắc bệnh và tử vong do ăn phải thực phẩm không an toàn ngày một tăng cao.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sự suy giảm đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân, chỉ chú trọng lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng; Thói quen, ý thức tiêu dùng, mức sống của một bộ phận nhân dân, nhất là khu vực nông thôn còn thấp, thường không đề cao chất lượng, chủ yếu chỉ chú ý giá cả…

III. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh trong thời gian tới

  1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật, các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho mọi người, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên; đưa nội dung giáo dục về BVMT vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm các vi phạm4.
  2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT, trước mắt hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự; xây dựng và ban hành quy định giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về BVMT gây ra.
  3. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở, địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
  4. Xã hội hóa hoạt động BVMT, xác định rõ trách nhiệm BVMT của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất và dịch vụ trong công tác BVMT.
  5. Áp dụng các biện pháp kinh tế trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT, thực hiện nguyên tắc người có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
  6. Tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Nguyễn Xuân Yêm và Nguyễn Minh Đức (2011), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn phòng ngừa tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế (2017), Tài liệu phổ biến các quy định về tội phạm về tài nguyên môi trường trong BLHS 2015  sửa đổi, bổ sung năm 2017.

3Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ Pháp chế (2017), Tài liệu phổ biến các quy định về tội phạm về tài nguyên môi trường trong BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

4Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014), Tội phạm về môi trường trong PLHS Việt Nam, thực trạng và hướng hoàn thiện, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

THE CURRENT SITUATION OF ENVIRONMENTAL CRIME AND ENVIRONMENTAL LAW VIOLATIONS: CAUSES AND SOLUTIONS

Master. NGO NGOC DIEM

School of Law, Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

This article introduces policies and guidelines of the Communist Party of Vietnam and the Vietnamese government in the environmental protection. This artilce also presents the situation of environmental crimes in a number of fields, such as industry, basic construction, urban environment, mineral resources, biodiversity, agriculture, rural area and trade village, trading, imports and exports, hazardous waste management, medical environment and food safety fields.

Keywords: Current situation, crime, environmental law violations.