Thực trạng và giải pháp cải thiện hệ thống lập dự toán ngân sách tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

NGUYỄN HỮU THIỆN (Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) - TRẦN THỊ KIM PHƯỢNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - LÊ VIẾT DŨNG LINH (Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt)

TÓM TẮT:

Dự toán ngân sách là nền tảng pháp lý cho tình hình tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp, là cơ sở để phê duyệt; cấp ngân sách và kiểm tra sự tuân thủ chế độ chính sách của các đơn vị. Do đó, việc tìm hiểu thực trạng và đề xuất các giải pháp sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả của hoạt động này tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai ở các khía cạnh: Môi trường dự toán, mô hình dự toán, quy trình dự toán và biểu mẫu dự toán.

Từ khóa: Dự toán, dự toán ngân sách, Luật Ngân sách Nhà nước, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

1. Giới thiệu

Hoạt động lập dự toán tại các huyện trực thuộc tỉnh Gia Lai sau khi triển khai hệ thống TABMIS đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, các hạn chế vẫn tồn tại từ khâu lập, thẩm tra đến phê duyệt dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN), đặc biệt là ở huyện Chư Sê. Vì vậy, tìm hiểu thực trạng và đề xuất giải pháp để cải thiện dự toán NSNN của huyện là vô cùng cấp thiết hiện nay.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Dự toán ngân sách

Hope Jeremy và Fraser Robin đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động lập dự toán qua hơn 250 năm, qua các làn sóng phát triển của thế giới, gồm: Làn sóng công nghiệp (1750 - 1850) với dự toán chủ yếu được sử dụng ở các đơn vị thuộc chính phủ của các quốc gia; Làn sóng công nghiệp (1850 - 1960) với dự toán được sử dụng như công cụ kiểm soát tài chính ở các doanh nghiệp lớn; Làn sóng công nghệ thông tin (1960 đến nay) với các kỹ thuật dự toán khác nhau được phát triển như dự toán từ gốc (1970); dự toán cuốn chiếu và dự báo (1980); dự toán theo hoạt động (1990); và dự toán liên tục (2000).

Trong quá trình phát triển, dự toán được gọi theo nhiều tên khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm chung về dự toán là: “Một công cụ được sử dụng để trình bày các mục tiêu nhiệm vụ cần thực hiện ở tương lai một cách có hệ thống, thể hiện cách thức huy động đồng thời phân bổ nguồn lực của tổ chức và kiểm soát cũng như đo lường hoạt động của đơn vị”.

2.2. Mô hình và quy trình lập dự toán ngân sách

Việc triển khai dự toán được thực hiện theo 3 mô hình thông tin [4] dựa vào quy mô và cơ cấu tổ chức, đặc điểm ngành nghề và quan điểm của nhà quản lý gồm: Mô hình từ trên xuống (Top-down), mô hình từ dưới lên (Bottom-up) và mô hình thông tin hỗn hợp. Trong đó, mô hình thông tin hỗn hợp sẽ khắc phục các hạn chế của mô hình Top-down và Bottom-up.

Và Stephen Brookson (2000) cho rằng, quy trình lập dự toán gồm 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn chuẩn bị: gồm xác lập mục tiêu; chuẩn hóa ngân sách; và đánh giá hệ thống vận hành của tổ chức;

Giai đoạn lập dự toán: bao gồm thu thập thông tin; chuẩn bị dự thảo; phân tích và thay đổi lượng tiền; đưa ra dự toán chính thức; hoàn thiện và lập dự toán tổng hợp;

Giai đoạn theo dõi: tiến hành phân tích và đánh giá chênh lệch giữa thực tế và dự toán; phân tích lỗi; tiến hành dự báo lại và thực hiện điều chỉnh cần thiết và rút kinh nghiệm.

2.3. Chức năng, ưu điểm và hạn chế

Theo Stephen (2000) và Francesco & Alford (2016), dự toán ngân sách (DTNS) giữ vai trò nền tảng để các cá nhân, bộ phận và toàn bộ tổ chức vận hành, giúp các nhà quản lý xây dựng và cụ thể hóa các mục tiêu bằng số liệu và căn cứ để đánh giá tình hình hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Một DTNS đầy đủ sẽ gồm 6 chức năng chính: (1) dự báo; (2) hoạch định; (3) điều phối; (4) thông tin; (5) kiểm soát; và (6) đo lường (Stephen, 2000). Tóm lại, DTNS là công cụ quản lý đa chức năng, quan trọng nhất là hoạch định và kiểm soát. Vì vậy, dự toán được xem giữ vai trò định lượng kế hoạch hơn là kế hoạch.

Francesco & Alford (2016) cho thấy, DTNS giúp thể hiện chi tiết các mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch của tổ chức; truyền thông các mục tiêu và kế hoạch cùng quy trình thực hiện; điều phối và huy động tất cả nguồn lực; giám sát các hoạt động ở các mức độ khác nhau; cung cấp thông tin để điều chỉnh các hoạt động hiện tại sao cho phù hợp với các kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, dự toán vẫn tồn tại một số hạn chế như sau: (1) chiến lược cạnh tranh; (2) quá trình kinh doanh; và (3) năng lực tổ chức [2].

2.4. Một số vấn đề về DTNS cấp huyện

Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015, một số định nghĩa quan trọng liên quan đến DTNS cấp huyện:

Chi đầu tư phát triển gồm chi đầu tư xây dựng cơ bản và một số nhiệm vụ chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

Chi đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH và các chương trình, dự án phục vụ phát triển KTXH.

Chi thường xuyên nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức và các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước.

Đơn vị DTNS là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao DTNS.

Đơn vị sử dụng ngân sách là đơn vị DTNS được giao trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách.

Ngân sách địa phương là các khoản thu NSNN phân cấp cho cấp địa phương hưởng và các khoản chi NSNN thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.

Thu NSNN bao gồm: các khoản thu từ thuế, lệ phí; thu từ các hoạt động dịch vụ; các khoản viện trợ; và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Chi NSNN bao gồm: đầu tư phát triển; dự trữ quốc gia; thường xuyên; (d) trả nợ lãi; viện trợ; và khoản chi khác theo quy định pháp luật.

Nội dung thực hiện DTNS cấp huyện bao gồm: lập dự toán thu, chi ngân sách huyện; chấp hành dự toán thu, chi ngân sách cấp huyện; kế toán và quyết toán. Quy trình thực hiện DTNS cấp huyện gồm: (1) thực hiện lập DTNS; (2) nhận phân bổ DTNS; (3) điều chỉnh DTNS; và (4) triển khai thực hiện dự toán.

3. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng dữ liệu từ quan sát thực tiễn và tổng hợp kết quả các công trình nghiên cứu trước đó, bài viết xác định lý thuyết DTNS. Đồng thời, để làm rõ các khiếm khuyết của hệ thống lập DTNS hiện nay, tác giả thực hiện thu thập thông tin thứ cấp và sơ cấp thông qua khảo sát, quan sát, tổng hợp, kiểm tra, thống kê mô tả, so sánh và phân tích. Trong đó, nguồn dữ liệu thứ cấp bao gồm mẫu biểu; quy trình thực hiện; nhân sự tham gia; báo cáo dự toán; thông tin về tổ chức… và nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát đối với các đáp viên gồm các lãnh đạo của Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và phòng Tài chính - Kế hoạch cùng các nhân viên tham gia thực hiện DTNS tại huyện Chư Sê.

Sau đó, bài viết sử dụng phương pháp so sánh, diễn dịch và suy diễn, kết hợp giữa lý luận và thực trạng cùng với chiến lược phát triển của tổ chức trong thời gian tới cũng như quan điểm hoàn thiện để đề xuất hệ thống giải pháp khắc phục các khiếm khuyết trong hoạt động DTNS tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

4. Kết quả nghiên cứu và hàm ý chính sách

4.1. Kết quả nghiên cứu

Quá trình nghiên cứu cho thấy huyện Chư Sê thực hiện theo mô hình Bottom-up và ngân sách được cấp từ trên xuống, hoạt động lập dự toán tại huyện Chư Sê có các ưu điểm và hạn chế, như:

Về môi trường lập dự toán: Có hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ và được quy định chi tiết; Các nhân viên ngày càng nhận thức tốt hơn về vai trò của DTNS; Hệ thống mạng máy tính được đầu tư đồng bộ với hệ thống TABMIS. Tuy nhiên, tình trạng có quá nhiều văn bản pháp luật được ban hành thường xuyên và liên tục, hệ thống trả lời mail tự động gây khó khăn cho việc cập nhật, nắm vững nội dung quan trọng.

Bảng 1. Môi trường lập dự toán ở đơn vị sử dụng ngân sách

Môi trường lập dự toán ở đơn vị sử dụng ngân sách

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Số liệu Bảng 1, hiểu biết của đội ngũ về dự toán chưa thật sự tốt (16,67%) và có đến 46,43% nhân viên chỉ biết được 1 đến 2 tên gọi của dự toán. Đồng thời, số đáp viên chưa biết về các kỹ thuật dự toán lên đến 16 người, chiếm tỷ lệ 29,63% cũng như có đến 8 nhân viên chưa thành thạo tin học.

Về mô hình lập dự toán: Mô hình được thực hiện từ nhiều năm trước nên đội ngũ đáp viên cảm thấy quen thuộc và dễ dàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ, dẫn đến số lượng hài lòng về công việc khá cao.

Bảng 2. Quan điểm của lãnh đạo về dự toán

Quan điểm của lãnh đạo về dự toán

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Số liệu từ Bảng 2 cho thấy, 100% các nhà lãnh đạo đều nhận thức được lợi ích của DTNS và có tới 83,33% cho rằng việc lập dự toán hiện nay là thuận lợi và dễ dàng bên cạnh 94,44% thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện và 98,15% hài lòng về công tác lập DTNS của đơn vị.

Về quy trình thực hiện:

Bảng 3. Kết quả thống kê về quy trình lập dự toán

Kết quả thống kê về quy trình lập dự toán

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả Bảng 3 cho thấy, người thực hiện biết rất rõ quy trình đạt tỷ lệ 96,30% (52/54 đáp viên) và có đến 98,15% đáp viên luôn tham khảo kết quả dự toán các năm trước. Tuy nhiên, các hạn chế cũng bộc lộ như, quy trình lập DTNS chưa thể hiện được các biến động bất thường của môi trường KT - XH với 17 đáp viên đồng ý với quan điểm này (31,48%) và con số này tăng lên 43 đáp viên tương ứng 79,63% không tiến hành điều chỉnh dự toán khi có các biến động xảy ra. Đặc biệt, tại Sở Tài chính và Cục Thuế có 2/4 đáp viên cho rằng quy trình lập dự toán hiện nay không dễ để thực hiện chiếm tỷ lệ 50,00%.

Về mặt biểu mẫu lập dự toán: Hầu hết đáp viên đều rất hài lòng về mẫu biểu sử dụng. Tuy nhiên, các biểu mẫu chưa đáp ứng được tình hình cụ thể của từng địa phương, khả năng cung cấp thông tin đầy đủ để kiểm soát các khoản chi.

Bảng 4. Đặc điểm về biểu mẫu dự toán ở đơn vị sử dụng ngân sách

Đặc điểm về biểu mẫu dự toán ở đơn vị sử dụng ngân sách

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Số liệu Bảng 4 cho thấy, hầu hết đáp viên cảm thấy việc DTNS với biểu mẫu hiện tại là dễ dàng (94,44% đáp viên), có đến 98,15% tương ứng 53 đáp viên cảm thấy các biểu mẫu rất dễ để sử dụng và 49 đáp viên thường xuyên gởi báo cáo cho cấp trên (tỷ lệ 90,74%). Tuy nhiên, có tới 40,74% lãnh đạo các đơn vị yêu cầu thay đổi về mẫu biểu lập dự toán để đáp ứng thực tiễn hiện nay.

4.2. Giải pháp và hàm ý chính sách

Bên cạnh các ưu điểm ở 4 khía cạnh chính về môi trường lập dự toán; mô hình lập dự toán; quá trình lập dự toán; và biểu mẫu lập dự toán, các khiếm khuyết của công tác DTNS vẫn còn tồn tại và cần được khắc phục. Do vậy, căn cứ vào định hướng phát triển của huyện Chư Sê đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; cũng như các yếu tố về KT - XH và đặc điểm địa - chính trị của huyện; Luật NSNN, tác giả đề xuất các giải pháp và hàm ý chính sách:

Về môi trường lập dự toán: (1) Tăng cường duy trì và phát triển các nguồn thu từ chuyển giao khoa học công nghệ, rà soát nguồn thu từ thuế, khuyến khích đầu tư kinh doanh đặc biệt là lĩnh vực du lịch; (2) đẩy mạnh kiểm soát các nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên; và (3) nâng cao hiệu quả giám sát thông qua minh bạch tài chính và áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ của COSO.

Về mô hình lập dự toán: Thực hiện mô hình “hai xuống một lên“ để khắc phục hạn chế của mô hình hiện tại. Theo đó, hàng năm cấp trên thông báo dự kiến các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, số để lại đơn vị và số nộp về cấp trên. Dựa vào đó, các đơn vị cấp dưới sẽ lập và cân đối phù hợp với nhu cầu và trình dự toán cho cấp trên. Cuối cùng, cấp trên điều chỉnh, phê duyệt và triển khai thực hiện.

Hình 1: Quy trình lập và phân bổ dự toán ngân sách

Quy trình lập và phân bổ dự toán ngân sách

Nguồn: Đề xuất của tác giả

Về quy trình lập dự toán: Điều chỉnh quy trình thực hiện hiện tại trên cơ sở áp dụng mô hình lập dự toán mới như đề xuất bên trên.

Về biểu mẫu lập dự toán: Cho phép sửa đổi biểu mẫu dự toán theo hướng thể hiện sự linh hoạt và đảm bảo các hoạt động dài hạn và đặc thù của đơn vị.

5. Kết luận

Nghiên cứu cho thấy, công tác lập DTNS là vô cùng quan trọng đối với hoạt động tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp [1 - 2]. Do vậy, nghiên cứu đã phản ánh thực trạng lập DTNS tại huyện Chư Sê và đề xuất các giải pháp, hàm ý chính sách để cải thiện hoạt động này ở 4 khía cạnh môi trường lập dự toán; mô hình lập dự toán; quá trình lập dự toán; và biểu mẫu lập dự toán được hiệu quả hơn.

Kết quả góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn huyện Chư Sê, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giữ vững sự phát triển ổn định về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa đời sống xã hội; qua đó góp phần đảm bảo vị trí địa - chính trị của huyện trên địa bàn Gia Lai, cũng như vai trò địa - chính trị của Tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. 

Tóm lại, bên cạnh các kết quả đạt được của nghiên cứu này, các khiếm khuyết như chưa xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến việc lập DTNS và đánh giá ảnh hưởng của hoạt động kiểm soát nội bộ đến công tác này sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu tương lai về xác định nhân tố tác động đến việc lập DTNS ở cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Di Francesco, M., & Alford, J. (2016). Balancing control and flexibility in public budgeting: A new role for rule variability. Springer.

2. Hansen, S. C., Otley, D. T., & Van der Stede, W. A. (2003). Practice developments in budgeting: An overview and research perspective. Journal of management accounting research, 15(1), 95 - 116.

3. Hope Jeremy, Fraser Robin (1997), "Beyond budgeting: Breaking through the barrier to "The third wave"", Management Accounting, London, 75 (1997), 11, pp. 20 - 26.

4. Rasmussen, N., & Eichorn, C. J. (2000), Budgeting-Technology-Trends-Software selection-Implementation, John Wiley & Son, New York, 293 pages.

5. Stephen Brookson (2005), Quản lý ngân sách, Lê Ngọc Phương Anh dịch, Nguyễn Văn Quì hiệu đính, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 72 trang.

6. Luật số: 83/2015/QH13, Luật Ngân sách Nhà nước, Hà Nội ngày 25/6/2015.

7. Thông tư số 102/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2016.

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

FOR IMPROVING THE SYSTEM OF BUDET ESTIMATES

 IN CHU SE DISTRICT, GIA LAI PROVINCE

● NGUYEN HUU THIEN

Thu Duc College of Technology

● TRAN THI KIM PHUONG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

● LE VIET DUNG LINH

Sao Viet Auditing Limited Company

ABSTRACT:

State budget estimates are the legal basis for state administrative units to perform their financial activities and are the basis for getting the financial approval from management units. State budget estimates are also used to check the policy compliance of state administrative units. Hence, gainning understanding about the current situation of state budget estimates of Chu Se district, Gia Lai province plays a key role to reach solutions for improving the effectiviness of state budget estimates of Chu Se district in the aspect of estimation environment, estimation model, estimation process and estimation form.

Keywords: Estimation, state budget estimate, Law on State Budget, Chu Se district, Gia Lai province.