Tóm tắt:

Trong điều kiện kinh tế thị trường, thất nghiệp là vấn đề mang tính toàn cầu, không loại trừ một quốc gia nào, cho dù quốc gia đó là nước đang phát triển hay nước có nền công nghiệp phát triển. Do vậy, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho người lao động trở thành mục tiêu quan trọng của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam...

Từ khóa: Thất nghiệp, xã hội, thu nhập, việc làm, độ tuổi lao động, kinh tế thế giới…

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong những năm gần đây với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất khẩu lương thực thực phẩm… Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng gặp một số vấn đề khó khăn trong kinh tế. Hiện nay, vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với nền kinh tế Việt Nam chính là tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng, thu nhập của người dân giảm sút; sự suy giảm, thậm chí đình trệ sản xuất kinh doanh của một số ngành, trong đó có các ngành xuất khẩu, và khả năng khắc phục những yếu kém của nền kinh tế. Do đó, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp chống suy thoái và dự báo tình hình kinh tế trong nước, kinh tế thế giới để điều chỉnh, điều hành tốt nền kinh tế nước nhà, đặc biệt làgiảm được tình trạng thất nghiệp hiện nay.

II. THỰC TRẠNG THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Theo thống kê về nguồn nhân lực và thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 01/10/2015 ước tính là 54,32 triệu người, tăng 11,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014, bao gồm lao động nam là 28,12 triệu người, chiếm 51,77%; lao động nữ là 26,20 triệu người, chiếm 48,23%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 16,87 triệu người, chiếm 31,06%; khu vực nông thôn là 37,45 triệu người, chiếm 68,94%.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm trên là 47,78 triệu người, tăng 9,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014; bao gồm lao động nam 25,75 triệu người, chiếm 53,9%; lao động nữ 22,03 triệu người, chiếm 46,1%. Lực lượng lao động trong độ tuổi của khu vực thành thị là 15,38 triệu người, chiếm 32,19%; khu vực nông thôn là 32,40 triệu người, chiếm 67,81%.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 9 tháng năm 2015 ước tính 52,72 triệu người, giảm 177,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động làm việc trong ngành Nông, lâm nghiệp và Thủy sản là 23,35 triệu người, giảm 1.523,7 nghìn người, chiếm 44,3%; lao động công nghiệp và xây dựng là 11,85 triệu người, tăng 756,4 nghìn người, chiếm 22,5%; lao động dịch vụ là 17,52 triệu người, tăng 590 nghìn người, chiếm 33,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2015 ước tính là 2,36% (Quý I là 2,43%; Quý II là 2,42%; Quý III là 2,24%), trong đó khu vực thành thị là 3,42% (Quý I là 3,43%; Quý II là 3,53%; Quý III là 3,31%); khu vực nông thôn là 1,86% (Quý I là 1,95%; Quý II là 1,91%; Quý III là 1,73%).

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15 - 24 tuổi) 9 tháng năm 2015 ước tính là 6,74% (Quý I là 6,6%; Quý II là 6,68%; Quý III là 6,9%), trong đó khu vực thành thị là 11,52% (Quý I là 10,95%; Quý II là 11,84%; Quý III là 11,7%); khu vực nông thôn là 5,05% (Quý I là 4,99%; Quý II là 4,91%; Quý III là 5,23%).

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên trong 9 tháng năm 2015 là 1,25% (Quý I là 1,41%; Quý II là 1,3%; Quý III là 1,03%), trong đó khu vực thành thị là 1,86% (Quý I là 1,99%; Quý II là 1,92%; Quý III là 1,67%); khu vực nông thôn là 0,96% (Quý I là 1,13%; Quý II là 1,02%; Quý III là 0,72%).

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 1,93% (Quý I là 2,43%; Quý II là 1,8%; Quý III là 1,52%), trong đó khu vực thành thị là 0,92%; khu vực nông thôn là 2,4%.

Mặc dù nước ta có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lớn và tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông nghiệp lại khá cao. Ước tính quý IV/2015, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông nghiệp của cả nước chiếm 56,4% tổng số lao động có việc làm khu vực phi hộ nông nghiệp, trong đó tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông nghiệp khu vực thành thị là 47,1%; khu vực nông thôn là 64,5%.

Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điều này cho thấy thị trường lao động Việt Nam thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, với năng suất lao động thấp.

Có thể thấy thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong vài thập kỷ qua. Điều này được thể hiện qua mức lương cao hơn, tốc độ giảm đều đặn của các việc làm trong ngành Nông nghiệp và pháp luật lao động được cải thiện. Nhưng mặc dù có những tiến bộ như vậy, gần một nửa người số lao động Việt Nam vẫn đang làm việc trong ngành Nông nghiệp - ngành có năng suất lao động và thu nhập thấp. Cứ mỗi 5 người lao động thì khoảng 3 người làm những công việc dễ bị tổn thương (lao động tự làm và lao động gia đình không trả lương) - đó là những công việc có điều kiện làm việc đặc biệt không đảm bảo.

Nhìn chung, năng suất lao động và lương của Việt Nam tương đối thấp so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Malaysia, Singapore và Thái Lan. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tăng cường pháp luật lao động, cải thiện việc tuân thủ luật pháp, thúc đẩy hệ thống quan hệ lao động và các cơ sở đào tạo, phát triển kỹ năng.

Tuy nhiên, hạn chế của việc sử dụng tỷ lệ thất nghiệp làm thước đo cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là không thể hiện được đầy đủ tình trạng của thị trường lao động. Những nước này không có đủ những việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động (labour underutilization) như tỷ lệ thiếu việc làm cao, thu nhập thấp và năng suất lao động thấp. Như vậy, việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam cần có những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm. Chẳng hạn, những chỉ số này bao gồm tỷ lệ lao động nghèo, tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỷ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỷ lệ ngành Nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân.

Tóm lại, cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam thể hiện tỷ lệ lớn dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ phụ thuộc. Nếu Việt Nam có thể tạo ra đủ việc làm có chất lượng cao để đáp ứng nguồn lao động đang mở rộng, có thể đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế và giải quyết những lỗ hổng trên thị trường lao động. Đồng thời, sự ổn định kinh tế vĩ mô và các thể chế về thị trường lao động vững mạnh hơn sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn, thu hút đầu tư và kích cầu. Thêm vào đó, cải thiện chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ việc làm sẽ giúp người lao động Việt Nam và người tìm việc đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp và ngành nghề và nắm bắt những cơ hội việc làm mới và tốt hơn.

Nguyên nhân gây ra thất nghiệp ở Việt Nam được đánh giá là do:

- Lực lượng lao động phân bố không đồng đều giữa các vùng địa lý kinh tế, chủ yếu tập trung ở đồng bằng sông Hồng (không bao gồm Hà Nội): 15,2%, đồng bằng sông Cửu Long: 19,1%; trong khi các vùng đất rộng có tỉ trọng lao động thấp như trung du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,7%, Tây Nguyên chiếm 6,3% lực lượng lao động. Vì vậy, chưa tạo điều kiện phát huy được lợi thế về đất đai, tạo việc làm cho người lao động và góp phần phân bố lại lực lượng lao động, đây chính là nguyên nhân tạo ra sự mất cân đối cục bộ về lao động và là tác nhân của thất nghiệp, thiếu việc làm.

- Lực lượng lao động có chất lượng thấp.

+ Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.

+ Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp... Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%. Khoảng cách khác biệt về tỉ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn là khá cao (20,4% và 8,6%).

+ Ngoài ra, thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.

+ Công tác chăm sóc sức khỏe và an toàn nghề nghiệp chưa tốt; bên cạnh đó, kỷ luật lao động còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.

+ Một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi.

+ Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

- Năng suất, hiệu quả lao động trong các ngành kinh tế thấp và có sự khác biệt đáng kể giữa khu vực nông nghiệp với khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ.

- Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra. Thị trường lao động nước ta chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, nơi có nhiều KCX-KCN, như: Long An, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Ngược lại một số tỉnh như Bạc Liêu, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Nghệ An lại có tình trạng dư cung, đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao.

Mặc dù đã tiến hành hai đợt cải cách tiền lương, bước đầu tách bạch tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp, tạo điều kiện đổi mới chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo định hướng thị trường nhưng mức tiền lương tối thiểu thấp chưa được tính đúng, tính đủ cho mức sống tối thiểu và chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản của người lao động, thấp hơn mức lương tối thiểu thực tế trên thị trường khoảng 20% và hiện nay mới đạt khoảng 45% mức tiền lương tối thiểu trung bình của khu vực ASEAN.

- Công tác quản lý nhà nước về lao động - việc làm còn nhiều hạn chế:

+ Các chính sách, pháp luật đang từng bước hoàn thiện, hệ thống thông tin thị trường lao động còn sơ khai thiếu đồng bộ.

+ Chính sách bảo hiểm thất nghiệp hết sức tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn nhằm không chỉ hỗ trợ cuộc sống người lao động khi mất việc làm mà còn phải đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ để giúp quay lại thị trường lao động.

III. GIẢI PHÁP GIẢM THẤT NGHIỆP Ở VIỆT NAM

- Tích cực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

Về tài khóa, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển dựa vào củng cố nguồn thu; giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các thành phần kinh tế.

Về tiền tệ, sẽ tiếp tục bù lãi suất tín dụng cho vốn vay trung và dài hạn phục vụ đầu tư máy móc thiết bị cho nền kinh tế nói chung và cho khu vực nông nghiệp nói riêng với các khoản.

Kích thích tăng trưởng bằng các gói kích cầu.

- Sắp xếp lại cơ cấu lao động đồng thời nâng cao trình độ cho người lao động. Việt Nam có dân số trẻ nguồn lao động dồi dào, chi phí rẻ nhưng do cơ cấu bố trí chưa hợp lý nên việc khai thác lao động kém hiệu quả.

- Tăng nguồn vốn đầu tư (chủ yếu lấy từ dự trữ quốc gia, vay nợ nước ngoài) đẩy nhanh tiến bộ xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thủy lợi, thủy điện giao thông… nhằm tạo việc làm mới cho người lao động. Đồng thời, nới lỏng các chính sách tài chính, cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút vốn đầu tư của nước ngoài tạo nguồn việc làm cho người dân. Bên cạnh đó khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các doanh nghiệp vay vốn để mua sắm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.

- Ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án, công trình có quy mô lớn, tạo nhiều việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế, hoán thuế, khoanh nợ song song với cam kết phải duy trì việc làm cho số lao động hiện tại và thu hút thêm lao động nếu có thể, hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

- Phát triển kinh tế nhiều thành phần, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu côngnghiệp các dự án kinh tế. giúp tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho công nhân.

- Để nâng cao hiệu quả sử dụng lao động cần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp và dịch vụ, hướng người lao động đến những việc làm ở những ngành nghề, đem lại giá trị cao trong các chuỗi giá trị, với điều kiện lao động phải có hiểu biết, có kỹ năng chuyên môn để dần thay thế khu vực kinh tế nông nghiệp kém hiệu quả bằng khu vực kinh tế có giá trị cao hơn, thông qua đó nâng cao đời sống và thu nhập của người lao động, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh để giảm nguy cơ thất nghiệp khi có khủng hoảng.

- Lao động nông thôn rất cần được đào tạo, dạy nghề, họ cần có trình độ chuyên môn và cập nhật kiến thức để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

- Cần đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và phát triển mạnh các khu kinh tế vệ tinh, các khu công nghiệp và các làng nghề, tăng cường mối quan hệ giữa sản xuất công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt khai thác mối liên kết kinh tế giữa các thành phố lớn với các khu vực phụ cận nhằm tạo ra nhiều việc làm tại chỗ.

- Cần có sự phát triển bền vững và đồng bộ thị trường hàng hóa, thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường tín dụng.

- Tổng liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố giúp đỡ người lao động sớm tìm được việc làm mới thông qua trung tâm tư vấn việc làm. Bên cạnh việc giải quyết việc làm thì đầu tư cho công tác dạy nghề cũng là biện pháp kích cầu không kém phần quan trọng.

- Hoàn thiện hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội.

- Tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học đang diễn ra. Để khắc phục tình trạng này thì việc làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội là hết sức cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tạp chí Con số và Sự kiện số 12/2014 (493)

2. Http://www.gso.gov.vn

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Giáo trình dân số và phát triển-NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.

4. Cơ sở lý luận về dân số - phát triển và lồng ghép dân số vào kế hoạch hóa phát triển - Dự án VIE/01/P14 Hà Nội.

5. Giáo trình thị trường lao động - NXB Lao động Xã hội.

Ngày nhận bài: 02/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 22/01/2016

Thông tin tác giả:

ThS. Nguyễn Thị Hạnh

Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

The situation and solution to unemployment in Vietnam

Masters Nguyen Thi Hanh

Faculty of Business Management, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

In the context of the market economy, unemployment occurs over the world. Therefore, reducing unemployment rate, ensuring jobs and stabilizing living standards for labours become priority tasks of many countries, including Vietnam.

Keywords: Unemployment, social, income, employment, working age, the global economy.