Thực trạng và giải pháp hoàn thiện kế toán chi phí tại Công ty Cổ phần Xi măng Tiên Sơn, Hà Tây

ThS. NGUYỄN THỊ DUNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Kế toán chi phí sản xuất sản phẩm đóng một ví trí vô cùng quan trọng trong công tác hạch toán kinh tế ở mọi doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các thông tin về chi phí cho các nhà quản trị để từ đó có những đối sách hợp lý về chi phí sản phẩm, giúp doanh nghiệp cạnh tranh có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, mang lại kết quả kinh tế cao hơn.. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kế toán chi phí sản xuất sản phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác hạch toán kinh tế ở tất cả các doanh nghiệp, Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây luôn chú trong đến vấn đề hoàn thiện kế toán chi phí trong sản xuất - kinh doanh.

Từ khóa: Kế toán chi phí, hạch toán kinh tế, doanh nghiệp sản xuất, Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây.

I. Thực trạng

Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây có trụ sở và nhà máy sản xuất thuộc xã Hồng Quang huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nằm cuối quốc lộ 22 đường đi Hà Đông - Đục Khê. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km. Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây là một đơn vị kinh tế hạch toán độc lập được thành lập vào ngày 26/12/2004 trực thuộc Sở Xây dựng Hà Tây. Hiện nay, Công ty đầu tư nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất. Trong đó đã xây dựng mới 1 dây chuyền là nung clinhke nâng công suất nhà máy lên 150.000 tấn/năm. Kết quả sản xuất qua các năm đã đánh giá từng bước tăng trưởng và phát triển của Công ty Cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây.

1. Đặc điểm chi phí sản xuất trong Công ty

Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn là một đơn vị hạch toán độc lập với dây chuyền công nghệ liên tục. Trong dây chuyền công nghệ, quá trình sản xuất là khép kín, phức tạp, phải lần lượt trải qua các giai đoạn khi bắt đầu khai thác đá vôi, sau đó được đưa vào nghiền cùng với đất sét, quặng sắt, phụ gia, khoáng hóa, than xỉ xốp; tiếp đến đưa trộn ẩm vê viên và chuyển sang giai đoạn nung clinhke và chuyển sang giai đoạn nghiền xi măng, giai đoạn đóng bao và nhập kho xi măng PC 30. Tại Công ty, chi phí được tập hợp theo phân xưởng sản xuất.

2. Đối tượng tập hợp chi phí sản xuất

Tại Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là từng phân xưởng sản xuất.

Việc sản xuất được trải qua nhiều giai đoạn chế biến liên tiếp qua các phân xưởng. Phân xưởng nhiên liệu -> Phân xưởng nung clinhke -> Phân xưởng nghiền xi măng -> Phân xưởng thành phẩm.

Đặc điểm tính chất của sản phẩm: Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn chỉ sản xuất một loại sản phẩm duy nhất là xi măng PC 30.

Căn cứ vào yêu cầu và trình độ quản lý tại Công ty thì bộ máy kế toán của Công ty được tổ chức theo hình thức tập trung. Trình độ của các nhân viên kế toán là khá tốt cùng với việc được trang bị hệ thống máy vi tính, do đó có thể hạch toán chi phí chi tiết từng phân xưởng một cách thuận lợi dễ dàng.

3. Kế toán chi phí sản xuất

Kế toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp bao gồm chi phí về nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, nhiên liệu. phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất sản phẩm tại Công ty.

Nguyên vật liệu chính dùng để sản xuất xi măng tại Công ty là: Đá vôi, đất sét, quặng sắt.

Nguyên vật liệu phụ là: Thạch cao, xỉ xốp, các loại phụ gia.

Nhiên liệu dùng để sản xuất xi măng tại Công ty là: Dầu Diezen, than.

Nhiều loại nguyên vật liệu trên được mua ngoài thông qua việc ký kết hợp đồng giữa các bên.

Đánh giá nguyên vật liệu nhập kho:

- Nguyên vật liệu nhập kho được đánh giá theo giá vốn thực tế nhập kho cụ thể đối với nguyên vật liệu mua ngoài.

Giá trị thực tế nhập kho = Giá mua + Chi phí thu mua - Các khoản giảm trừ

- Trị giá nguyên vật liệu xuất kho được tính theo phương pháp bình quân gia quyền.

Việc tính giá đơn vị bình quân và trị giá nguyên vật liệu xuất dùng sẽ do phần mềm kế toán tự động tính khi có nghiệp vụ xuất nguyên vật liệu phát sinh.

Kế toán sử dụng tài khoản 621 "Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp" để hạch toán. Đây là tài khoản đã được cài sẵn trong máy. Để quản lý chi tiết khoản chi phí này tới từng phân xưởng thì tại Công ty tài khoản 621 được mở chi tiết cho từng phân xưởng như sau: TK 62101 - Phân xưởng nghiền liệu, TK 62102 - Phân xưởng nung clinhke, TK 62103 - Phân xưởng nghiền xi măng, TK 62104 - Phân xưởng thành phẩm.

Kế toán chi phí nhân công trực tiếp

Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm các khoản tiền lương, tiền lương phụ cấp, tiền làm thêm, các khoản trích theo lương phải trả cho công nhân sản xuất trong kỳ.

Cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác, Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây cũng áp dụng hình thức trả lương cho công nhân sản xuất theo sản phẩm, đây là hình thức trả lương có nhiều ưu điểm nó đảm bảo công bằng và khuyến khích người lao động làm việc, ai làm nhiều lương nhiều, ai làm ít lương ít, lương phải trả cho công nhân sản xuất trong kỳ được tính như sau: Lương phải trả = Số lượng sản phẩm hoàn thành x Đơn giá

Ngoài được hưởng lương chính, công nhân sản xuất còn được hưởng các khoản phụ cấp, các khoản tiền làm thêm giờ, thêm ca. Việc trả lương cho công nhân chia làm hai đợt: Đợt 1 vào ngày 16 trong tháng và đợt 2 vào cuối tháng.

Kế toán tiền lương căn cứ vào bảng tổng hợp tiền lương phải trả cho công nhân sản xuất trong kỳ theo từng tổ, phân xưởng do bộ phận hành chính cung cấp, sau đó sử dụng số liệu này và tính ra các khoản trích theo lương như BHXH, BHYT, KPCĐ rồi sử dụng số liệu này để nhập vào máy các khoản trích theo lương được tính theo quy định của chế độ hiện hành.

Kế toán sử dụng TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp để hạch toán. Tài khoản này cũng được mở chi tiết theo từng phân xưởng như sau: TK 62201 - Phân xưởng nghiền liệu, TK 62202 - Phân xưởng lò nung clinhke, TK 62203 - Phân xưởng nghiền xi măng, TK 62204 - Phân xưởng thành phẩm.

Kế toán chi phí sản xuất chung

Chi phí sản xuất chung là chi phí phục vụ cho công tác tổ chức quản lý sản xuất tại các phân xưởng, tổ sản xuất. Tại Công ty Cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây chi phí sản xuất chung bao gồm: Chi phí nhân viên quản lý phân xưởng; Chi phí về vật liệu, công cụ dụng cụ dùng chung cho sản xuất; Chi phí về khấu hao TSC; Chi phí dịch vụ mua ngoài; Chi phí bằng tiền khác.

Kế toán chi phí nhân viên phân xưởng

Chi phí nhân viên phân xưởng bao gồm các khoản tiền lương, phụ cấp, làm thêm và các khoản trích theo lương của nhân viên quản lý phân xưởng, như quản đốc, phó quản đốc tổ trưởng, thủ kho.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây, tiền lương trả cho nhân viên phân xưởng được tính theo lương sản phẩm.

Tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng trong kỳ: Tiền lương phải trả = Số lượng sản phẩm; hoàn thành x Đơn giá

Đơn giá sản phẩm được tính theo hệ số lương, tiền lương tối thiểu và sản lượng kế hoạch, sản lượng thực tế.

Tài khoản sử dụng: TK 6271 - Chi phí nhân viên phân xưởng. Tài khoản này cũng được mở chi tiết theo từng phân xưởng như sau: TK 627101 - Chi tiết phân xưởng nghiền liệu, TK 627102 - Chi tiết phân xưởng lò nung clinhke, TK 621103 - Chi tiết phân xưởng nghiền xi măng, TK 627104 - Chi tiết phân xưởng thành phẩm.

Kế toán chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất chung

Chi phí nguyên vật liệu dùng chung cho sản xuất kinh doanh như: Bu lông, trợ nghiền xi măng.

Tài khoản sử dụng: TK 6272 tài khoản này cũng được mở chi tiết theo từng phân xưởng tương tự như tài khoản 6271.

Kế toán chi phí công cụ dụng cụ dùng cho sản xuất

Công cụ dụng cụ dùng cho sản xuất tại Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây bao gồm các loại như: Mũ bảo hiểm dụng cụ sửa chữa. Việc hạch toán các loại công cụ dụng cụ này tương tự như đối với nguyên vật liệu dùng chung cho sản xuất, theo định khoản sau:

Nợ TK 6273 (Chi tiết theo từng phân xưởng)

Có TK 153

Tài khoản sử dụng là tài khoản 6273, tài khoản này cũng được mở chi tiết theo từng phân xưởng. Sau đó số liệu cũng tự động được chuyển vào các sổ tài khoản có liên quan.

Kế toán khấu hao tài sản cố định

Tài sản cố định dùng cho sản xuất tại Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn gồm rất nhiều loại như: Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn.

Tài khoản sử dụng là Tk 6274 - chi phí khấu hao TSCĐ

Mức trích khấu hao trong tháng được trích khấu hao theo phương pháp đường thẳng, khi đó căn cứ vào nguyên giá phải trích khấu hao và thời gian sử dụng của từng loại tài sản cố định, máy tự động tính mức trích khấu hao theo công thức sau: Mức trích khấu hao trung bình hàng tháng của TSCĐ = Nguyên giá/Thời gian sử dụng

Kế toán chi phí bằng tiền khác

Các khoản chi phí bằng tiền khác ngoài những khoản chi tiêu để phục vụ cho công tác sản xuất như chi phí về điện nước, chi phí cho tiếp khách, chi trả lãi vay.

Chứng từ sử dụng: Hóa đơn thuế giá trị gia tăng, bảng kê tính lãi vay, ủy nhiệm chi, phiếu chi.

Tài khoản sử dụng: Tài khoản 6278 - Chi phí bằng tiền khác cũng tương tự như đối với các tài khoản chi phí khác. Tài khoản này cũng được mở chi tiết theo từng phân xưởng.

Kế toán chi phí sản xuất kinh doanh cuối kỳ

Toàn bộ chi phí sản xuất trong kỳ của Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây được tập hợp theo ba khoản mục sau: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, Chi phí nhân công trực tiếp, Chi phí sản xuất chung.

Ba khoản mục này được kế toán tổng hợp của Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn, tổng hợp lại vào cuối tháng để tính giá thành sản phẩm.

Tài khoản sử dụng. Do Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên nên tài khoản dùng để tập hợp chi phí sản xuất trong kỳ là tài khoản 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, tài khoản này được mở chi tiết theo từng phân xưởng: TK 15401: Chi tiết cho phân xưởng nghiền liệu, TK 15402: Chi tiết cho phân xưởng lò nung linhke, TK 15403: Chi tiết cho phân xưởng nghiền xi măng, TK 1504: Chi tiết cho phân xưởng thành phẩm.

III. Đề xuất giải pháp

- Về việc trích trước chi phí sửa chữa lớn để nhằm ổn định chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm phát sinh trong kỳ, Công ty cần phải trích trước chi phí sửa chữa lớn, việc xác định mức trích chi phí sửa chữa lớn hàng tháng có thể căn cứ vào kế hoạch sửa chữa lớn trong năm nay hoặc chi phí sửa chữa lớn đó phát sinh vào năm trước. Khi đó, mức trích trước chi phí sửa chữa lớn trong tháng là: Chi phí sửa chữa lớn trong năm/12 tháng.

- Việc trích trước tiền lương nghỉ phép hoặc ngừng sản xuất cũng là để nhằm ổn định chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm phát sinh trong kỳ khi có sự ngừng sản xuất đột xuất hoặc có kế hoạch thì Công ty cần phải trích trước tiền lương nghỉ phép hoặc ngừng sản xuất.

Việc trích trước căn cứ vào tiền lương nghỉ phép hoặc ngừng sản xuất theo kế hoạch, nghỉ đối xuất của những kỳ trước mà xác định tỷ lệ trích cho phù hợp.

- Về việc hạch toán chi phí công cụ dụng cụ xuất dựng với giá trị lớn thời gian sử dụng dài, như quần áo, gang tay, mũ bảo hộ lao động cho công nhân. kế toán tiến hành phân bổ dần trong các kỳ tiếp theo nhằm đảm bảo, ổn định chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Khi xuất dựng công cụ dụng cụ có giá trị lớn kế toán ghi:

Nợ TK 142 (242): Tổng giá trị

Có TK 153: Công cụ dụng cụ xuất dựng

Hàng tháng kế toán căn cứ vào thời gian sử dụng của loại công cụ dụng cụ đó tiến hành phân bổ dần giá trị công cụ dụng cụ trên vào chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ.

Nợ TK 627

Có TK 142 (242)

- Về việc hạch toán chi phí dịch vụ mua ngoài như điện, nước, sửa chữa là những chi phí phát sinh với số lượng lớn, do đó, Công ty nên hạch toán khoản chi phí này trên tài khoản riêng biệt là TK 6277 không nên hạch toán lẫn với các khoản chi phí bằng tiền khác trên tài khoản 6278, hàng tháng khi phát sinh các chi phí mua ngoài căn cứ vào các hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ kế toán ghi.

Nợ TK 6277

Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK có liên quan: 111, 112, 331

- Về vấn đề vỏ bao xi măng, Công ty có tổ chức một bộ phận sản xuất vỏ bao xi măng tại phân xưởng Thành phẩm .Việc sản xuất này Công ty cần phải xem lại vì tồn tại bộ phận sản xuất vỏ bao nào sẽ tốn nhiều chi phí nhân công; ngoài tiền lương ra Công ty cũng phải trả các khoản chi phí khác như BHXH, BHYT, KPCĐ, tiền ăn ca, nghỉ phép. Thực tế cho thấy 1 vỏ bao, được sản xuất ở Công ty đắt hơn khi đi mua ngoài (mua ngoài với giá 3.900 đ/chiếc, trong khi đó Công ty sản xuất thì với giá thành là 4.300đ/chiếc). Vì vậy, Công ty nên đặt mua 100% vỏ bao theo mẫu mã thỏa thuận và thường xuyờn cải tiến mẫu mã mới cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình “Kế toán doanh nghiệp”, PGS. TS. Ngô Thế Chi - NXB Thống kê Hà Nội.

2. Giáo trình “ Lý thuyết hạch toán kế toán”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Ba - NXB Tài chính Hà Nội.

3. Chế độ kế toán doanh nghiệp: Quyển 1 và 2 - Bộ Tài chính 2006.

4. Chuẩn mực kế toán Việt Nam.

5. Tạp chí “Tài chính Doanh nghiệp” - Bộ Tài chính.

6. Một số tài liệu của Công ty cổ phần Xi măng Tiên Sơn Hà Tây.

SITUATION AND SOLUTIONS TO COMPLETE

THE COST ACCOUNTING OF TIEN SON HA TAY CEMENT

JOINT STOCK COMPANY

● MA. NGUYEN THI DUNG

ABSTRACT:

Cost accounting plays a very important role in the economic accounting of every manufacturing enterprise. It provides cost information to executives. From there, there are reasonable measures recognizing that cost accounting for product manufacturing playing an important vale in the economic accounting of all firms, Tien Son cement joint stock company has always paid attention to complet the cost accounting in production.

Keywords: Cost accounting, economic accounting, manufracturing enterprises, Tien Son Ha Tay Cement joint Stock company.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 2 tháng 2/2018 tại đây