Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Nguyễn Mạnh Phúc (Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ);  TS. Nguyễn Thị Lệ Thúy (Trường Đại học Kinh tế quốc Dân) ThS. Phan Thị Yến (Trường Đại học Hùng Vương)

TÓM TẮT:

Phú Thọ là tỉnh có lợi thế về phát triển nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa. Nghề nuôi cá lồng có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng, sản lượng nhưng cũng đang bộc lộ những nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Nguyên nhân chính do người nuôi chưa chú trọng thực hiện các quy trình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, liên kết trong tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu phân tích làm rõ thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương.  

Từ khóa: Nuôi cá lồng, tỉnh Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Phú Thọ là một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống trên 2000 hồ, đập, công trình thủy lợi và hồ đầm tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển thủy sản. Tận dụng tiềm năng lợi thế của địa phương, trong những năm gần đây, phong trào phát triển nuôi cá lồng phát triển mạnh mẽ. Năm 2017 có 1.317 lồng, năm 2018 hiện có 1.391 lồng nuôi cá trên sông và hồ chứa; tổng sản lượng ước nuôi cá lồng ước đạt trên 5 ngàn tấn.

Tuy nhiên, đồng thời việc tăng năng suất, sản lượng thủy sản đồng thời cũng là nguy cơ dịch bệnh xảy ra tiềm ẩn và là gánh nặng trong việc tìm, duy trì đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững. Người nuôi chưa chú trọng áp dụng các quy trình kỹ thuật đảm bảo nuôi ATTP, việc liên kết trong sản xuất còn yếu, nguồn giống đầu vào nuôi chưa đảm bảo. Mặt khác, với sự biến đổi khí hậu bất thường dẫn đến việc mưa lũ, xả lũ của các hồ thủy điện đã ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn đến người nuôi cá lồng.

2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu thứ cấp: Bao gồm các báo cáo, số liệu chung về tình hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa được thu thập từ các cơ quan liên quan như: Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ.

Số liệu sơ cấp: Nghiên cứu này đã sử dụng dữ liệu quan sát trực tiếp và phỏng vấn thực trạng nuôi cá lồng của 100 hộ. Các thông tin cần thu thập và phân tích chính gồm thực trạng về nguồn cung cấp con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩn chính, khả năng về vốn.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thực trạng phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

3.1.1. Số hộ, số lồng nuôi

- Số hộ nuôi cá lồng: Giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nuôi cá lồng tập trung phát triển tại một số địa phương có lợi thế tự nhiên về sông ngòi hoặc hồ chứa. Với tổng số hộ năm 2014 là 290 hộ đến năm 2018 là 228 giảm 62 hộ nuôi. (Hình 1)

hinh 1

Số hộ nuôi cá lồng của huyện Hạ Hòa năm 2014 là cao nhất với 149 hộ. Đây là địa bàn vùng núi có hệ thống hồ chứa dung tích lớn như: hồ ngòi vần, hồ Ao Châu, Đập Hàm Kỳ,… là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng hồ chứa.

- Số lồng nuôi: Lồng nuôi trên địa bàn Tỉnh tăng lên khá mạnh, cụ thể năm 2014 có tổng số 645 chiếc, đến 2018 đạt 1319 chiếc tăng lên 674 lồng, số lồng đạt cao nhất năm 2017 đạt 1423 lồng. Về mặt bằng chung số lồng nuôi của toàn Tỉnh có tăng lên nhiều nhưng tại cụ thể một số địa phương như Hạ Hòa, Tam Nông do ảnh hưởng của thiên tai và các nguyên nhân khác quan khác, các hộ nuôi không có khả năng điều kiện kinh tế tiếp tục nuôi.

3.1.2. Về cơ cấu nuôi

Phát triển theo cơ cấu nhằm tăng sản lượng, số lồng nuôi được thể hiện ở sự đa dạng giống loài đưa vào nuôi để nhắm đến các phân khúc thị trường tiêu thụ sản phẩm như các loài cá đặc sản, các loài cá có sản lượng lớn, dễ tiêu thụ… (Bảng 1)

bang 1

Đối tượng nuôi chủ yếu nuôi lồng tại Phú Thọ là cá trắm cỏ, cá nheo mỹ, cá rô phi và cá điêu hồng. Trong đó, cá nheo Mỹ qua 4 năm vẫn là đối tượng nuôi chính với tỷ lệ chiếm trên 30% cơ cấu cá nuôi lồng, tiếp theo là cá rô phi và cá trắm cỏ các loài cá khác chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong cơ cấu đàn cá nuôi. Do các sản phẩm thủy sản chủ yếu là nội tiêu nên khi các sản phẩm thiếu sự phong phú sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ.

Trên địa bàn Tỉnh, số lồng nuôi trong hồ chứa hiện nay chỉ đạt 96 chiếc chiếm 7% so với tổng số lồng nuôi toàn Tỉnh. Trong đó, chủ yếu là lồng bằng lưới với 59 chiếc chiếm 63% so với tổng số lồng nuôi trong hồ đầm, chiếm 4,6% tổng số lồng lưới của tỉnh. Số lồng lưới trong hồ vẫn giữ nguyên số lượng so với năm 2014, cơ cấu lồng nuôi trong hồ chứa so với tổng số lồng nuôi trên toàn Tỉnh là rất thấp, mới chiếm 7%.

3.1.3. Về sản lượng nuôi

Đến 2018 sản lượng toàn Tỉnh đạt 35,6 ngàn tấn tăng bình quân 2.000 tấn/năm và tăng 8.000 tấn so với năm 2014. Góp phần vào tăng sản lượng chung của toàn Tỉnh thì sản lượng nuôi cá lồng đã tăng trưởng mạnh nhất năm 2018 sản lượng nuôi cá lồng đạt 4.520 tấn tăng 303% so với năm 2014. Mặc dù tăng sản lượng nhưng năm 2018 sản lượng nuôi cá lồng mới chỉ chiếm 12,7% trong tổng sản lượng tăng lên 236% so với năm 2014. Việc phát triển cá lồng đã đóng góp tích cực vào tăng sản lượng nuôi thủy sản của Tỉnh, nhưng tỷ lệ thấp, sản lượng chưa nhiều, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của địa phương, cần phải tiếp tục khuyến khích nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa số lồng nuôi trên địa bàn.

3.1.4. Về hình thức tổ chức nuôi cá lồng

Hình thức tổ chức sản xuất của người nuôi cá lồng trên địa bàn Tỉnh khá phong phú bao gồm các hợp tác xã nuôi, cá lồng, doanh nghiệp, nhưng tập trung chính là các hộ cá thể. Các hình thức tổ chức sản xuất (hợp tác xã, doanh nghiệp) có trình độ quản lý cao hơn, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn lớn, trình độ kỹ thuật cao, có tư duy và tiếp cận thị trường vẫn còn chiếm rất ít. Năm 2014 mới chỉ có 4 hợp tác xã, không có doanh nghiệp nào tham gia phát triển nuôi cá lồng; đến năm 2018 có tổng số là 6 hợp tác xã, 4 doanh nghiệp có thể nói tốc độ phát triển các hình thức này là rất thấp; do vậy trong thời gian tới cần khuyến khích các hình thức tổ chức này.

3.1.5. Năng suất và chất lượng sản phẩm

- Năng suất nuôi cá lồng: Năng suất nuôi cá lồng của tỉnh Phú Thọ mới chỉ ở mức trung bình đạt 3,4 tấn/lồng, thấp hơn so với mặt bằng chung của vùng Trung du miền núi phía Bắc 4,5 tấn/lồng. Thấp hơn khá nhiều so với những địa phương người dân có điều kiện kinh tế đầu tư, kỹ thuật nuôi thâm canh cao như tỉnh Bắc Ninh (7,2 tấn/lồng); Hà Nội (5,1 tấn/lồng) hay Hải Dương (4,0 tấn/lồng) nhưng lại cao hơn đối với các tỉnh Hòa Bình (1,87 tấn/lồng).

- Chất lượng sản phẩm: Nâng cao hình thức tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất ATTP để nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng là vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách.

Đến năm 2018, đã có 262 lồng, chiếm 36% trong tổng số lồng nuôi toàn Tỉnh. (Bảng 2).

bang 2

Có thể thấy, chất lượng sản phẩm nuôi cá lồng đã được chứng nhận tăng lên hàng năm, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng nuôi cá lồng, đến năm 2018 mới chiếm 12,7% tổng sản lượng nuôi lồng toàn Tỉnh. Nguyên nhân được xác định là người nuôi có tư duy sản xuất manh mún, ngại việc ghi chép sổ sách, không muốn tiếp xúc với các cơ quan chuyên ngành; kinh phí thực hiện để thuê các chuyên gia đánh giá chứng nhận còn rất cao so với thu nhập người dân, sản phẩm được chứng nhận nuôi tốt khi đi ra thị trường không có giá bán cao hơn bình thường, không có các nhận dạng phân biệt được đâu là hàng chất lượng với chưa được chứng nhận dẫn đến tâm lý trông chờ ỉ lại của người nuôi.

Do vậy, để khuyến khích người dân nuôi theo các quy trình nuôi tốt, cần phải tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện cho người dân và có chính sách hỗ trợ đánh giá, chứng nhận; xây dựng các hàng rào kỹ thuật sản phẩm thủy sản để đảm bảo công bằng cho người nuôi; người tiêu dùng đánh giá, nhận xét, phân biệt, sử dụng được các sản phẩm chất lượng.

3.2. Một số giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Việc phát triển nuôi cá lồng ở tỉnh Phú Thọ chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, các yếu tố này có liên quan chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau. Để phát triển nuôi cá lồng ở tỉnh Phú Thọ cần phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tập trung chỉ ra một số giải pháp nhằm khắc phục tồn tại đã nêu:

Một là, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm: Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng: giới thiệu các đặc thủy sản nước ngọt của tỉnh Phú Thọ một cách rộng rãi, Tỉnh cần thông qua các kênh thông tin, hội chợ thủy hải sản, đặc biệt tận dụng đường cao tốc nội bài Hà Nội - Lào Cai có thể đưa sản phẩm tươi ngon đến tay người tiêu dùng nhanh nhất đảm bảo vẫn giữ được giá trị của sản phẩm,…; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại địa bàn tỉnh. Cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản, khuyến khích áp người nuôi trồng áp dụng mô hình kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi các tiêu chuẩn VietGap, ISO, HACCP,…

Hai là, phát triển thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác dịch vụ cung cấp các nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, nguyên vật liệu làm lồng... để hình thành các đại lý trên địa bàn Tỉnh chủ động cung ứng, cước vận chuyển góp phần giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời qua đó các đại lý có chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho người nuôi để giảm bớt gánh nặng về nguồn vốn đầu tư của người dân. Ngoài ra, xây dựng các mô hình khuyến ngư để đưa vào nuôi những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa của người dân.

Ba là nâng cao chất lượng sản phẩm: Nâng cao chất lượng ức nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa của người dân. đạo phát triển đối tượng nuôi trồng có giá trị, nhất là những giống loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (lăng chấm, cá anh vũ,…) và đối tượng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Xây dựng một cơ cấu nuôi hợp lý, đa dạng, đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của ngành Chế biến thủy sản. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản để có sự phát triển đồng bộ, hợp lý giữa hai khâu này.

Đối với mặt hàng tươi sống, để tiêu thụ nhanh với chất lượng và giá trị dinh dưỡng không bị thất thoát, cần có hướng đầu tư vào các nhà hàng thủy sản, đặc sản nhằm giới thiệu các đặc sản thủy sản trong Tỉnh, đặc biệt là phát riển các nhà hàng thủy sản ở các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, suối nước nóng Thanh Thủy, vườn quốc gia Xuân Sơn. Thiết lập mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trên toàn Tỉnh, đồng thời mở rộng việc tìm kiếm, khai thác thị trường mới.

Bốn là nguồn vốn đầu tư: Tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển thủy sản, trong đó Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như kênh, mương, giao thông, trại giống, các trạm kiểm dịch dịch bệnh, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; mở rộng điều kiện tiếp cận vốn, tài sản đảm bảo, đối tượng đầu tư, thủ tục vay vốn, có chính sách lãi suất thích hợp.

Tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm phát triển nuôi cá lồng. Cần rà soát, điều chỉnh, ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với mọi loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn Tỉnh, kể cả trong và ngoài nước theo hướng hoàn thiện hơn.

Năm là về kinh tế xã hội, cơ chế chính sách: Tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế để thu ngân sách; thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm và chống lãng phí; bố trí cơ cấu chi NSNN hợp lý, đảm bảo tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải cao hơn tốc độ tăng chi sự nghiệp kinh tế - xã hội; phát huy tiềm năng vốn có từ các nguồn tài nguyên quốc gia và tài sản công khác đang bị bỏ phí; tranh thủ tối đa nguồn vốn Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm NTTS.

Đồng thời có chính sách miễn giảm thuế đất, mặt nước trong các năm đầu đối với phát triển thủy sản nước ngọt tập trung ở những vùng được quy hoạch hoặc nuôi các đối tượng phục vụ xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại. Có chính sách trợ giá cho cơ quan, cá nhân thực hiện nghiên cứu thuần hóa giống nhập nội, sản xuất giống thủy sản mới có chất lượng để khuyến khích sản xuất.

Sáu là về giải pháp khác: Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển nuôi cá lồng kết hợp với việc chế biến tiêu thụ, gắn với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm thực tế để nâng cao giá trị sản xuất. Áp dụng việc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở nuôi trồng trong vùng quy hoạch, đồng thời nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản, cơ sở và vùng nuôi trồng thủy sản tại các đại phương trọng điểm, từ đó tạo sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường.

4. Kết luận

Với lợi thế là nơi có 3 con sông lớn chảy qua và nhiều hồ chứa lớn, có thể thấy tỉnh Phú Thọ là nơi thuận lợi cho người dân phát triển nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa. Nghề nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất, sản lượng hàng hóa tập trung lớn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn như vốn đầu tư nhiều, tư duy sản xuất của người dân còn hạn chế, liên kết tổ chức sản xuất lỏng lẻo, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nguy cơ ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn.

Bởi vậy, để phát triển nuôi cá lồng, cần tập trung vào: Quy hoạch vùng nuôi chặt chẽ; mở rộng liên kết trong sản xuất; có chính sách hỗ trợ vốn vay; nâng cao trình độ của người dân; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao công tác cảnh báo, dự báo, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ủy Ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, 2015. Quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
  2. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018. Số liệu Thống kê năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 của tỉnh Phú Thọ.
  3. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ, 2018. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nuôi cá lồng thâm canh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015-2020.
  4. Phạm Thị Thanh Hoa, 2015. Luận văn thạc sĩ: Giải pháp phát triển nuôi cá lồng ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
  5. Hạ Thị Hồng Nhung, 2017. Luận Văn Thạc sĩ: Phát triển thủy sản nước ngọt ở tỉnh Phú Thọ.
  6. Nguyễn Thanh Tùng, 2013. Luận văn: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế đối với ngành Thủy sản tỉnh Phú Thọ đến 2020.
  7. Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ, 2015. Nghị quyết về quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Current situation and solutions for developing the fish cage farming modelin Phu Tho Province

Nguyen Manh Phuc

Department of Fisheries - Phu Tho Province

Ph.D Nguyen Thi Le Thuy

National Economics University

Master. Phan Thi Yen

Hung Vuong University

Abstract:

Phu Tho Province has advantages in developing the fish cage farming model in provincial rivers and reservoirs. The number of fish cage farms in Phu Tho Province is growing with increasing production outputs. However, this growth is posing risks of unsustainable development. The main reasons include the failure of farmers in strictly following food safety farming processes, the lack of production networks and the narrow market.  This study is to examine the current situation and factors affecting the fish cage farming in Phu Tho Province in order to fully exploit the province’s potential. 

Keywords: Fish cage farming, Phu Tho Province.