Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh

PHẠM HỒNG BIÊN (Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh)

TÓM TẮT:

Xác định các nhà đầu tư Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược, Quảng Ninh luôn quan tâm và tích cực tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Với hệ thống các luận điểm, bài viết sử dụng các phương pháp thu thập, tổng hợp thống kê, phương pháp mô tả, phương pháp đồ thị để phân tích thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Quảng Ninh nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hình thức đầu tư, theo ngành kinh tế, theo địa bàn. Từ đó, làm căn cứ đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhật Bản, tỉnh Quảng Ninh, tăng trưởng xanh.

1. Đặt vấn đề

Là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới về các tiềm lực tài chính, công nghệ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương . Quảng Ninh đã xác định chiến lược thu hút đầu tư những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Nhật Bản có thế mạnh, là: Hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ, ngành công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường; Tập trung vào các khu công nghiệp và khu kinh tế.

Để tạo bước tiến vững chắc và nhanh trong quá trình tiếp cận các nguồn đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư tại các nước có nền kinh tế bền vững, phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng xanh, công nghệ cao, công nghiệp sạch như Nhật Bản là vấn đề chiến lược. Do đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản là một trong những nguồn vốn quan trọng có tính chiến lược trong tiến trình thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế của Quảng Ninh. Trước thực tế đó, việc nghiên cứu vấn đề đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại Quảng Ninh một cách khoa học là hết sức cần thiết, nhằm nắm bắt được thực trạng cũng như triển vọng trong tương lai.

2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập, tổng hợp số liệu: Tài liệu, số liệu được sử dụng trong bài viết này chủ yếu được kế thừa và tổng hợp từ các nghiên cứu đã được công bố trên sách, báo, tạp chí và các số liệu tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh. Các tài liệu sau khi thu thập được hệ thống hóa theo nội dung nghiên cứu để làm căn cứ đánh giá và đề xuất các giải pháp.

- Phương pháp thống kê mô tả: Thực hiện thông qua việc sử dụng số tuyệt đối, số bình quân, số tối đa, số tối thiểu. Phương pháp này tập trung vào khai thác, đánh giá, phân tích số liệu về chỉ số thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản.

- Phương pháp đồ thị: Phương pháp này dùng các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ để biểu hiện kết quả nghiên cứu ở những thời điểm khác nhau.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 140 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 7 tỷ USD, được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đạt xấp xỉ 97,4 triệu USD, chiếm 1,4% tổng vốn đầu tư FDI toàn Tỉnh. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực: công nghiệp chế biến (5 dự án), nông lâm ngư nghiệp (1 dự án) và hoạt động tư vấn quản lý (1 dự án).

Hình 1: Số FDI của các quốc gia vào Quảng Ninh

Số FDI của các quốc gia vào Quảng Ninh

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1999 đến nay, số lượng dự án FDI Nhật Bản không có dấu hiệu tăng lên , tuy nhiên quy mô vốn bình quân 1 dự án tăng lên đáng kể so với các quốc gia khác. Hiện có 2 dự án sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh: (1) Dự án Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô của Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại KCN Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tổng vốn đầu tư đạt 35 triệu USD; (2) Dự án Nhà máy Sản xuất khăn mặt, khăn tắm cao cấp và các sản phẩm liên quan của Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam tại KCN Texhong - Hải Hà, huyện Hải Hà, tổng vốn đầu tư đạt 52 triệu USD. Đây là 2 dự án quy mô lớn, với trên 35 triệu USD của Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh.

Mặc dù vậy, tình hình thu hút đầu tư Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội khảo sát nghiên cứu đầu tư chưa nhiều, số lượng các dự án đầu tư cũng chưa đáng kể. Quảng Ninh đã và đang nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường và đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đổi mới nhận thức, tạo chuyển biến về tư duy, hành động của các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, FDI Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh được phân theo các hình thức sau:

* FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh theo hình thức đầu tư:

Các dự án FDI của Nhật Bản tại Quảng Ninh chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 4/7 dự án, với tổng vốn đăng ký là 40,445 triệu USD, chiếm gần 57,14% số dự án. Tiếp theo là đầu tư theo hình thức liên doanh với 3/7 dự án, tổng vốn đầu tư 56,96 triệu USD, chiếm trên 42,86% số dự án. Cũng như đa số nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, nhà đầu tư Nhật Bản cũng ưu tiên lựa chọn hình thức thành lập công ty 100% vốn ĐTNN và hình thức liên doanh. Các hình thức đầu tư khác như BOT, BT, BTO không được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Riêng hình thức hợp tác công tư (PPP) vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam cũng như ở Quảng Ninh, nên chưa có dự án nào của nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư dưới hình thức này.

Bảng 1. Vốn FDI của Nhật Bản vào Quảng Ninh phân theo hình thức đầu tư

(Lũy kế đến ngày 31/12/2020)

Vốn FDI của Nhật Bản vào Quảng Ninh phân theo hình thức đầu tư

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh

* FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh phân theo ngành kinh tế:

Trong tổng số 7 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh, có 5/7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp (Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu; Nhà máy gia công sản xuất sản phẩm nhựa gia cường sợi thủy tinh; Dự án sản xuất hàng gia dụng; Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và thiết bị điện ô tô, Dự án sản xuất Khăn cao cấp); Có 1/7 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thương mại (Dự án nuôi cấy, sản xuất gia công và kinh doanh ngọc trai) và 1/7 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ (Dự án tư vấn hoạt động quản lý). Như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn theo xu hướng chung là tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.

Bảng 2. Cơ cấu FDI của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh theo ngành kinh tế

(Lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2020)

Cơ cấu FDI của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh theo ngành kinh tế

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh

* FDI Nhật Bản vào Quảng Ninh phân theo địa bàn:

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, có 2/7 dự án được đầu tư tại địa các đô thị và có 5/7 dự án được đặt tại các huyện, thị xã. Như vậy, tỉ lệ các dự án đầu tư tại đô thị vẫn thấp hơn tại các địa phương.

Bảng 3. Cơ cấu FDI của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh theo địa bàn

(Lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2020)

Cơ cấu FDI của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh theo địa bàn

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh

Như vậy: Đầu tư FDI của Nhật Bản chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Quảng Ninh là 97,395 triệu USD, chiếm 1,39% trên tổng số vốn đầu tư. Các dự án chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản và cũng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản.

- Quy mô vốn đầu tư nhỏ, bình quân dự án FDI của Nhật Bản đầu tư vào Quảng Ninh chỉ là 12,87 triệu USD/dự án, trong khi quy mô trung bình một dự án FDI đầu tư vào Quảng Ninh là 51,6 triệu USD/dự án. Điều này cho thấy tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua mới chỉ thu hút được các dự án quy mô nhỏ của Nhật Bản.

- Các dự án FDI của Nhật Bản tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế biến, không tạo ra giá trị gia tăng cao, chưa đầu tư vào các ngành mà Nhật Bản có thế mạnh, như: công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường và tiết kiệm năng lượng… và cũng là các lĩnh vực mà Tỉnh đang khuyến khích, kêu gọi đầu tư. 

3.2. Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh

Để phát huy hơn nữa vai trò của ĐTNN, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư:

- Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đã cam kết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

- Nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng một số cam kết chưa có cách hiểu thống nhất.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó:

-  Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo từng ngành, lĩnh vực;

- Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, chú trọng triển khai xây dựng chính quyền điện tử, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa, một cửa liên thông, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ ba, tập trung các nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, lựa chọn địa điểm và lĩnh vực đầu tư:

- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư.

- Kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận, xem xét, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường.

- Xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế thu hút đầu tư và thực hiện áp dụng hàng rào kỹ thuật (điều kiện) đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực hạn chế đầu tư.

- Đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển, điện, nước, các ngành công nghiệp phụ trợ và hạ tầng xã hội, dịch vụ,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành hoạt động đầu tư tại Quảng Ninh.

Thứ tư, ban hành chính sách hỗ trợ đặc biệt cho dự án FDI “sạch”, thân thiện với môi trường.

- Nghiên cứu thay đổi các chính sách của Tỉnh, kiến nghị thí điểm lên cấp trung ương về việc áp dụng các chính sách khuyến khích đặc biệt dành riêng cho những nhà đầu tư mà dự án của họ mang lại lợi ích cho Tỉnh, cho vùng theo kỳ vọng của chủ trương mới về FDI (xanh, sạch, bền vững).

- Thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường đầu tư: Cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.

- Thu phí hoặc thuế các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp:

-  Nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao trình độ lao động, đào tạo các ngành nghề hiện đang thiếu hụt lao động và đào tạo tại các khu vực các KCN, các dự án lớn có nhu cầu cao về số lượng lao động; quan tâm chuyển đổi nghề cho người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để xây dựng các KCN, KKT.

- Tăng cường việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các giải pháp hạn chế đình công xảy ra không đúng trình tự pháp luật quy định.

- Thường xuyên giáo dục và tuyên truyền pháp luật lao động, đưa pháp luật lao động vào cuộc sống, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ sáu, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư:

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia.

- Hoàn thiện hệ thống tài liệu xúc tiến về mặt nội dung và hình thức, thống nhất quan điểm, định hướng thu hút đầu tư, thông tin minh bạch rõ ràng.

- Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hợp tác với các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Thứ bảy, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư và quản lý sau cấp phép:

- Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết kịp thời những kiến nghị và tháo gỡ khó khăn.

- Tập trung hỗ trợ các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đã được cấp phép đi vào sản xuất - kinh doanh, tăng vốn giải ngân và mở rộng sản xuất;

- Tăng cường công tác giám sát tình hình triển khai, thực hiện dự án theo các nội dung đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, xử lý nghiêm khắc đối với các dự án triển khai chậm tiến độ quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp;

- Thường xuyên tổ chức rà soát các dự án tạm ngừng triển khai thực hiện, các dự án có vướng mắc hoặc các dự án triển khai không đúng tiến độ cam kết, đặc biệt là các dự án du lịch, dịch vụ tại các vị trí có lợi thế, tiềm năng, diện tích lớn;

- Chủ động giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư của các doanh nghiệp, dự án thuộc trách nhiệm của tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê Quảng Ninh (2020), Niên giám Thống kê tỉnh Quảng Ninh 2019, Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Quốc hội (2020), Luật số 61/2020/QH14: Luật Đầu tư, ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2020.
  3. Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh (2021), Thông tin về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Truy cập tại https://www.quangninh.gov.vn/so/sokhdt/Trang/Catalog.aspx?Cat=95

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR ATTRACTING

MORE INVESTMENT FROM JAPANESE INVESTORS INTO

QUANG NINH PROVINCE TO PROMOTE THE PROVINCE’S

GREEN ECONOMY GROWTH

• PHAM HONG BIEN

Department of Planning and Investment - Quang Ninh Province

ABSTRACT:

Quang Ninh Province has identified Japanese investors as strategic investors and the province always seeks solutions to attract more foreign investors in general and Japanese investors in particular. By using arguments, analysis methods and techniques, this paper analyzes the current situation of Quang Ninh Province in attracting investment from Japanese investors in order to promote the provinces green economy growth. Based on the papers findings, some solutions are proposed to help Quang Ninh Province attract more investment from Japanese investors in the coming time.

Keywords: foreign direct investment, Japan, Quang Ninh Province, green growth.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]