Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước

THS. NGUYỄN HOÀNG GIANG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) cả trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta. GDP năm 2021 tăng 2,58%, thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm là khoảng 6-6,5%. Sức chống chịu cũng như nguồn lực của doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, tạo sức ép rất lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn đó, với sự linh hoạt, chủ động trong điều hành, vừa triển khai các giải pháp thu ngân sách, vừa tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021 và có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước năm 2022. Bài viết phân tích kết quả và hạn chế trong hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước năm 2021 và những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước trong năm 2022.

Từ khóa: thu - chi ngân sách nhà nước, thất thoát, trốn thuế, Kiểm toán nhà nước, Covid-19.

1. Kết quả hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước năm 2021

Năm 2021 là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế, khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội của người dân, đồng thời tác động tiêu cực tới thực hiện dự toán ngân sách khi một số nguồn thu sụt giảm. Dịch Covid-19 đã đảo lộn nguyên tắc ngân sách, thu không đủ bù chi, mọi khoản chi phải có trong dự toán và không ban hành bất cứ một chính sách nào làm tăng chi ngân sách. Nguồn chi lớn nhất là cho hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch. Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng. Điều này làm nguồn thu nội địa sụt giảm.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhưng năm 2021 đã đạt được những kết quả bất ngờ trong hoạt động thu - chi ngân sách. Về thu NSNN, năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 219,9 nghìn tỷ đồng so dự toán (16,4%) và tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Số thu NSNN tăng chủ yếu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, thuế, phí nội địa, sản xuất -kinh doanh. Kết quả này có được từ sự đúng đắn trong chủ trương của Bộ Tài chính, đó là: Quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế. Một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng về tài khóa, tiền tệ đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN, giúp NSNN đạt mức cao hơn 16,4% so với dự toán. Về chi NSNN, năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Trong số đó, ngân sách đã ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch Covid-19, ngân sách nhà nước đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương. Kết quả này đến từ việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nên chi NSNN năm 2021 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.

2. Những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước

Mặc dù về tổng thể, số thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán đặt ra nhưng thực tế công tác thu ngân sách vẫn gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về tài chính, vốn sản xuất, kinh doanh, kinh tế biên mậu không ổn định; giao thông kết nối chưa đồng bộ; dịch vụ và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như giảm số nộp ngân sách nhà nước. Chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu và chính sách quản lý chặt chẽ cửa khẩu phụ, lối mở phía Trung Quốc đã làm giảm lượng giao dịch thương mại, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu, làm giảm số thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng khác trong khu vực cửa khẩu. Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Những yếu tố đó có thể làm giảm số thu ngân sách nhà nước tại khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Việc thu ngân sách thực tế luôn cao hơn dự toán thu Ngân sách Nhà nước đặt ra yêu cầu về công tác dự báo thu Ngân sách Nhà nước cần chính xác và sát với thực tế hơn. Bên cạnh đó, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan một số địa phương có thể muốn dự báo thu ngân sách ở mức thấp hơn so với thu ngân sách thực tế hàng năm để từ đó có khoản thưởng vượt thu từ ngân sách trung ương.

Đối với các khoản thu lệ phí, các cơ quan hành chính nhà nước được để lại một phần để bù đắp chi phí thu, phần còn lại mới nộp vào NSNN. Việc để lại như vậy làm một phần số thu lệ phí bị để ngoài ngân sách, đồng thời tỷ lệ để lại chưa sát hoạt động của đơn vị, nên có đơn vị không đủ kinh phí để tổ chức thu, có đơn vị thừa nguồn thu dẫn đến dư kinh phí hoặc sử dụng sai mục đích…

Phân tích đến thu - chi ngân sách không thể không đề cập tới vấn đề nợ đọng, trốn thuế, thất thu thuế vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Hành vi trốn thuế, gian lận thuế diễn ra ngày càng phức tạp với những hành vi ngày càng tinh vi và khó phát hiện, gây thất thoát không nhỏ NSNN… Những năm qua, qua kiểm toán, kiểm toán nhà nước khu vực XII nói riêng và các kiểm toán nhà nước khu vực nói chung đã phát hiện hành vi vi phạm chính sách thuế diễn ra ở hầu hết các địa phương, các loại hình doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế còn bỏ sót nhiều vi phạm của  doanh nghiệp,… Mặc dù số DN được kiểm tra, đối chiếu không nhiều và các  doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh do kiểm toán nhà nước khu vực XII thực hiện kiểm toán đều có quy mô tương đối nhỏ nhưng qua kiểm toán, kiểm toán nhà nước khu vực II đã kiến nghị tăng thu nhiều tỷ đồng. Từ năm 2015 đến đầu tháng 6/2021, kiểm toán nhà nước khu vực XII đã thực hiện đối chiếu 767 doanh nghiệp, kiến nghị truy thu nộp NSNN 215,5 tỷ đồng.

Đối với chi ngân sách, việc chi cao hơn so với dự toán và bội chi NSNN còn xuất hiện cao hơn so với mức bội chi mà theo dự toán của Quốc hội đã đặt ra. Nguyên nhân đến từ tình trạng tham nhũng ở một số dự án, dẫn đến việc chi tiêu NSNN thường tăng cao hơn so với dự toán và được đánh giá là hiệu quả thấp. 

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong quản lý thu NSNN mà trước mắt là nâng cao hơn nữa sự tiện lợi và hiệu quả trong giải quyết các thủ tục hành chính về thuế và hải quan để góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển; thực hiện tốt chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính cũng giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và tạo thuận lợi để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác dự báo thu NSNN ở cấp chính quyền địa phương và chính quyền trung ương; Hạn chế các tác nhân chủ quan nhằm làm sai lệch dự báo thu NSNN. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu để bổ sung chỉ tiêu tổng thu chi ngân sách thực sau khi đã loại trừ lạm phát hàng năm khi đánh giá về kết quả công tác ngân sách hàng năm. Vì sau khi loại trừ yếu tố lạm phát để có thể sẽ đánh giá được nguồn lực tài chính thực sự từ nguồn thu ngân sách đáp ứng cho chi tiêu hàng năm của Chính phủ, nhất là chi đầu tư phát triển vì cơ sở hạ tầng máy móc thiết bị thường sẽ tăng giá do yếu tố lạm phát.

Hàng năm, công tác lập, giao dự toán thu NSNN đảm bảo bao quát hết nguồn thu; rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu mới phát sinh, doanh nghiệp mới thành lập, hộ kinh doanh mới ra kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có rủi ro cao như: ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, karaoke, kinh doanh bất động sản,… các doanh nghiệp hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để quản lý thuế kịp thời theo quy định. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời.

Ba là, Tổng cục Thuế cần thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận còn lại của năm 2021 để chủ động đôn đốc doanh nghiệp nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận còn lại còn phải nộp theo quyết toán năm 2021, tạm nộp thuế, cổ tức, lợi nhuận còn lại phát sinh các quý năm 2022 sát với thực tế của hoạt động kinh doanh, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng qui định của Luật Quản lý thuế. Tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế ngay từ đầu năm, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn lực tài chính cho sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác hoàn thuế điện tử.

Đồng thời, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các  doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, các giao dịch liên kết; giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ. Trên cơ sở đó, tiếp tục có biện pháp yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube,...).

Bốn là, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách; rà soát, xác định những nguồn thu còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, tập trung vào một số lĩnh vực như: Các khoản thu từ đất; kinh doanh thương mại điện tử; xây dựng cơ bản; kinh doanh xăng dầu; tăng cường công tác kiểm tra đối với các đơn vị có khoản thu từ phí chuyển sang giá dịch vụ mà Nhà nước không định giá; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh.

Năm là, thực hiện phân bổ chi ngân sách tập trung, tránh dàn trải, lãng phí; việc phân bổ, quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách phải tuân thủ Luật Đầu tư công. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn được phân bổ, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án; kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân sang các dự án khác để thanh toán khối lượng hoàn thành; hạn chế tối đa việc chuyển nguồn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước và có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ đầu tư vi phạm theo pháp luật hiện hành. Đồng thời thực hiện nghiêm việc đầu tư xây dựng, mua sắm xe ô tô, tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm, công khai, minh bạch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2016). Nghị định số 163/2016/NĐCP - Quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
  2. Ngô Doãn Vịnh (2008), Những vấn đề chủ yếu của kinh tế phát triển, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2021), Nghị định số 60/2021/NĐ-CP - Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
  4. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
  5. Tổng cục Thống kê (2021), Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021.

 The current situation and some solutions to improve the management of of state budget revenues and expenditures in Vietnam

Master. Nguyen Hoang Giang

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic has significantly impacted ll socio-economic aspects in Vietnam and in the world. In particular, the fourth wave of Covid-19 severely affected Vietnam’s economy and the country’s GDP growth rate in 2021 reached only 2.58%, lower than the target of 6 – 6.5% which was set at begining of the year. The resilience as well as the resources of businesses and people decreased sharply, creating great pressure on the state budget revenues. Facing this extremely difficult situation, the financial sector still successfully completed its goals of state budget revenues in 2021 by implementing flexibility and initiative solutions. The financial sector also has some solutions to improve the management of state budget revenues and expenditures in 2022. This paper analyzes the results and limitations in managing state budget revenues and expenditures in 2021 and proposes solutions to improve the management of of state budget revenues and expenditures in 2022.

Keywords: state budget revenue and expenditure, losses, tax evasion, Vietnam State Audit, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]