Thực trạng vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX ở các tỉnh miền núi phía Bắc

THS. LÊ MINH HIỀN (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TÓM TẮT:

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển hợp tác xã (HTX), thời gian qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã triển khai nhiều mô hình HTX, nhiều tổ hợp tác có phụ nữ tham gia và quản lý. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX, nêu bật những thuận lợi, khó khăn cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX của các tỉnh miền núi Phía Bắc.

Từ khóa: vai trò của phụ nữ, phát triển HTX, các tỉnh miền núi phía Bắc, Việt Nam.

1. Giới thiệu vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX của các tỉnh miền núi phía Bắc

1.1. Giới thiệu chung về vị trí địa lý, hành chính các tỉnh miền núi phía Bắc

Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta gồm 15 tỉnh, bao gồm: Khu vực Tây Bắc có Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Hòa Bình. Khu vực Đông Bắc có Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Tuyên Quang [1]

Diện tích tự nhiên của các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta là 102.900 km2 (chiếm 30,7% diện tích cả nước), dân số đến năm 2019 là 15.208.830 người (chiếm 15,23% dân số của cả nước), và hiện các tỉnh miền núi phía Bắc có 32 dân tộc sinh sống [1].

Các tỉnh miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng với nhiều lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác mỏ, du lịch… Đây cũng là nơi có lợi thế về giao thương với Trung Quốc và Lào do có đường biên giới trải dài từ Đông sang Tây [1]

1.2. Tình hình kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc

Tình hình kinh tế

Tốc độ phát triển kinh tế các tỉnh miền núi Phía Bắc chậm hơn so với nhiều khu vực trên cả nước. Mặc dù nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nhưng 15 tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa thể tự cân đối được ngân sách mà chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Trung ương. Đặc biệt còn có khoảng cách khá xa về mức sống và thu nhập của người dân giữa 2 khu vực Tây Bắc và Đông Bắc.

Chính vì vậy, từ năm 2018 trở lại đây, Chính phủ đã có nhiều chương trình quy hoạch tổng thể nhằm phấn đấu mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc bằng hoặc cao hơn nhịp độ chung của cả nước; Góp phần cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước; Cơ bản sắp xếp ổn định dân cư, nhất là vùng đồng bào tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, đưa dân ra biên giới, khắc phục cơ bản tình trạng di dân tự do; Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia [2].

Bên cạnh đó, việc phát triển các trung tâm kinh tế trên các tuyến hành lang gồm: Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng; Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu; Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Cao Bằng: Tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La) giúp cho kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc khởi sắc. [6].

Với những nỗ lực đó, tình hình kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc đã đạt những kết quả tính cực, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2018-2020 đạt trên 8%; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần sang ngành công nghiệp và dịch vụ với tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong GDP năm 2018 là 27%, công nghiệp - xây dựng 34% và dịch vụ là 38,9%; Đến năm 2020, tỷ lệ tương ứng của các ngành này là 21,9% - 37,8% và 39,4%. [6]

Tình hình xã hội

Lực lượng lao động của cả khu vực tính đến cuối năm 2019 có hơn 7,7 triệu người (chiếm khoảng 14% lao động cả nước). Trình độ của người lao động toàn vùng được đánh giá là thấp so với mức trung bình toàn quốc, với tỷ lệ người tham gia lao động chưa từng đi học là 11,3%  (tỷ lệ trung bình cả nước là 4,6%), tỷ lệ lao động đã tốt nghiệp THPT và trên phổ thông ở toàn vùng là 22,6% [1].

Theo thống kê năm 2019, trình độ của người lao động khu vực miền núi phía Bắc đã qua đào tạo ở khu vực (có bằng sơ cấp trở lên) chiếm 13,4%, trong đó sơ cấp là 2,3%, trung cấp là 6,3%, cao đẳng là 1,9% và đại học là 2,9%. Điều này thể hiện trình độ lao động toàn khu vực còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và nhu cầu nguồn nhân lực của toàn vùng [1].

Về y tế: Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là chiếm 70% vào năm 2018 và 99% vào năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 60-70% vào năm 2018 và trên 80% vào năm 2020 [1]. Có thể thấy, hệ thống y tế của các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng được cải thiện.

Về phát triển đô thị và tổ chức không gian lãnh thổ, Quy hoạch đã chỉ rõ cần phát triển các tiểu vùng bao gồm tiểu vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu), tiểu vùng Đông Bắc (gồm các tỉnh còn lại trong Vùng).

1.3. Thực trạng phát triển HTX của các tỉnh miền núi phía Bắc

Phát triển về mặt số lượng

Tổng số HTX các khu vực trên cả nước qua các giai đoạn từ năm 2015 cụ thể qua bảng 1:

Bảng 1. Số lượng HTX các khu vực trên cả nước từ 2013-2020 [3]

Chỉ tiêu

Giai đoạn 2013-2015

Giai đoạn 2015-2017

Giai đoạn 2018-2020

Số lượng

Tỷ trọng

Số lượng

Tỷ trọng

Số lượng

Tỷ trọng

Cả nước

19.819

100

21.009

100

22.861

100

Khu vực Đồng bằng sông Hồng

6.337

31,97

5.923

28,19

6.612

28,92

Các tỉnh miền núi phía Bắc

4.995

25,20

5.499

26,17

6.005

26,27

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

4.477

22,59

4.982

23,71

5.366

23,47

Tây Nguyên

793

4,00

994

4,73

1.211

5,30

Đông Nam bộ

1.210

6,11

1.390

6,62

1.561

6,83

Đồng bằng sông Cửu Long

2.007

10,13

2.221

10,57

2.572

9,21

(Nguồn: Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư 2020)

Số liệu từ Bảng 1 cho thấy, tổng số lượng HTX của cả nước giai đoạn 2018-2020 là 22.861 HTX; trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Hồng với gần 30% tổng số HTX cả nước. Số lượng HTX các tỉnh miền Bắc cũng chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng trên 25% tổng HTX cả nước. Tiếp đến là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm 22%); Đồng bằng sông Cửu Long (10%); còn lại bộ phận nhỏ là Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Như vậy có thể thấy, với lượng HTX lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì đòi hỏi sự quản lý phải hết sức chặt chẽ. Mức độ phát triển số lượng các HTX cụ thể của từng tỉnh miền núi phía Bắc thể hiện cụ thể qua Bảng 2:

Bảng 2. Sự phát triển số lượng HTX các tỉnh miền núi

phía Bắc từ 2013-2020

Chỉ tiêu

Giai đoạn 2013-2015

Giai đoạn 2015-2017

Giai đoạn 2018-2020

So Sánh GĐ 2015-2017 và GĐ 2013-2015

So Sánh GĐ 2018 -2020 và GĐ 2015-2017

Số lượng

%

Số lượng

%

Các tỉnh miền núi phía Bắc

4.995

5.499

6.005

504

10,09

506

9,20

1. Hà Giang

724

623

623

-101

-13,95

0

0

2. Cao Bằng

378

396

384

18

4,76

-12

-3,03

3. Bắc Kạn

210

127

160

-83

-39,52

33

25,98

4. Tuyên Quang

289

350

384

61

21,11

34

9,71

5. Lào Cai

280

387

397

107

38,21

10

2,58

6. Điện Biên

163

200

196

37

22,70

-4

-2.00

7. Hòa Bình

340

259

310

-81

-23,82

51

19,69

8. Lai Châu

254

302

317

48

18,90

15

4,96

9. Sơn La

160

428

555

268

167,50

127

29,67

10. Yên Bái

321

307

332

-14

-4,36

25

8,14

11. Thái Nguyên

363

430

469

67

18,46

39

9,07

12. Lạng Sơn

175

173

220

-2

-1,14

47

27,17

13. Bắc Giang

553

578

701

25

4,52

123

21,28

14. Phú Thọ

456

464

491

8

1,75

27

5,81

15. Quảng Ninh

329

475

466

146

44,38

-9

-1,89

(Nguồn: Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư 2020)

Số liệu từ Bảng 2 cho thấy, số lượng HTX lớn nhất là thuộc tỉnh Hà Giang, tiếp đến là tỉnh Bắc Giang. Số lượng HTX ít nhất thuộc hai tỉnh Bắc Cạn và Điện Biên. Về mức độ phát triển số HTX tại các tỉnh, ngoại trừ Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng và Điện Biên là giảm số lượng HTX qua các giai đoạn, còn lại các tỉnh khác đều có mức tăng trưởng về số lượng HTX. Mức tăng trưởng lớn nhất thuộc tỉnh Sơn La, Bắc Cạn, Lạng Sơn và Bắc Giang với mức tăng hơn 20% trong giai đoạn 2018-2020. Như vậy theo tình hình chung, các tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng HTX khá ổn định và đạt mức tăng trưởng qua các giai đoạn.

Hiệu quả hoạt động HTX

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, hiện các tỉnh vùng núi phía Bắc có hơn 6.000 HTX nông, lâm, nghiệp với tổng vốn điều lệ gần 577 tỷ đồng, thu hút hơn 258.000 thành viên và người lao động. Các HTX trực tiếp cung ứng đầu vào và tiêu thụ một phần sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, tình hình phát triển HTX các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều tồn tại [3].

Điển hình như tỉnh Hòa Bình có 110 xã trong tổng số 191 xã là có HTX nông nghiệp, chiếm 57,59%; Tại Lạng Sơn, trong số 207 xã toàn tỉnh, có 70 xã có HTX với 62 HTX nông nghiệp; Tại Điện Biên có 116 xã, có 46 xã có HTX, 44 xã có tổ hợp tác, 26 xã có cả HTX và tổ hợp tác và có 67 HTX nông nghiệp. Hầu hết HTX này ra đời trước Luật HTX năm 2012, nên đều gặp nhiều vướng mắc khi đăng ký tổ chức lại HTX. Bên cạnh đó, các HTX còn yếu về cách thức tổ chức, bộ máy quản lý, yếu về nhân lực, tài lực, vật lực. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng rất khó khăn, do các HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp, chưa xây dựng được các phương án sản xuất, kinh doanh... Mặc dù trên lý thuyết, chính sách ưu đãi có quy định, HTX có thể vay tối đa 500 triệu đồng không cần thế chấp tài sản, nhưng khi gõ cửa khắp các ngân hàng, vẫn chẳng thể vay vốn [3].

Trong bối cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, dân cư hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, chính vì vậy việc phát triển HTX các tỉnh miền núi phía Bắc phải gắn với xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, chính vì vậy quá trình thực hiện lại càng thêm khó khăn.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và toàn dân, HTX các tỉnh miền núi phía Bắc từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, như nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến, tạo đột phá trong phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả đạt được: Số HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn 2018-2020 chiếm 26,4% (tăng 5,4 điểm phần trăm so với giai đoạn 2015-2017); số lao động chiếm 13% (tăng 2,8 điểm phần trăm); nguồn vốn chiếm 9,5% (tăng 1,1 điểm phần trăm); doanh thu thuần chiếm 9,5% (tăng 3,1 điểm phần trăm); lợi nhuận trước thuế chiếm 1,7% (tăng 0,4 điểm %) [3].

Về chất lượng hoạt động của các HTX các tỉnh miền núi phía Bắc: Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, tỷ lệ các HTX hoạt động có hiệu quả tăng từ khoảng 30% năm 2016 lên 55% năm 2018 và tăng lên 60% năm 2020. Trước đây chỉ có khoảng 5-10% HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng đến năm 2020 tỷ lệ này đã đạt 24,5%. Đặc biệt, số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh tăng rất nhanh từ gần 310 HTX năm 2018 lên 640 HTX năm 2020 [3].

Như vậy, dù còn nhiều khó khăn trong phát triển HTX tại các khu vực miền núi phía Bắc nhưng với sự nỗ lực không ngừng, HTX các tỉnh ngày càng tăng lên về mặt số lượng và hiệu quả hơn trong hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.

1.4. Thực trạng vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX của các tỉnh miền núi Phía Bắc

Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác có phụ nữ tham gia và quản lý góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển HTX cho khu vực. Từ những mô hình hoạt động hiệu quả, đã và đang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho phụ nữ.

Điển hình tại một số địa phương: Năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Dương và Phòng Tài chính huyện Sơn Dương, HTX dịch vụ gia cầm xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương được thành lập với 17 thành viên, trong đó có 4 thành viên là nữ. Tại tỉnh Hòa Bình, đã thành lập HTX trồng sả với 16 thành viên, trong đó có 7 thành viên nữ; thành lập HTX Chè Tân Hương về sản xuất chè sạch tại Thái Nguyên với hơn 50% tỷ lệ nữ; HTX trồng rau an toàn tại Hà Giang với 15 thành viên, trong đó có 9 nữ; HTX trồng rau theo hướng hữu cơ tại Điện Biên với 7/15 thành viên là nữ. Hầu hết, các HTX do phụ nữ tham gia quản lý đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên và một số lao động thời vụ, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại địa phương [5].

Tính đến hết tháng 7/2020, các tỉnh miền núi phía Bắc có hơn 6.000 HTX, trong đó có tới 3.880 HTX nông nghiệp. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc, tính đến hết năm 2019, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập, quản lý 134 HTX với trên 2.500 thành viên, trong đó có trên 60% là các HTX nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn [5]. Như vậy, có thể thấy vai trò của phụ nữ rất quan trọng trong việc phát triển HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhìn nhận một cách thực tế khách quan, tỷ lệ lao động nữ giữ các chức vụ quản lý, điều hành trong HTX tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc khá thấp và đa phần chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống. Tỷ lệ lao động nữ không có tay nghề chiếm trên 60% tổng số lao động nữ làm việc trong HTX. Khoảng 20% lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo nghề và hầu hết là các nghề đơn giản, thời gian đào tạo ngắn [5].

Xét về độ tuổi, khu vực HTX các tỉnh miền núi phía Bắc sử dụng lao động linh hoạt hơn so với các khu vực kinh tế khác, đặc biệt có một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ phải làm việc khi đã quá tuổi lao động. Lao động nữ cũng chủ yếu trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi tiêu hao nhiều sức lực, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ.

Bên cạnh đó, lao động nữ trong các HTX thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, do trình độ tri thức tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn thấp nên nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò của nữ giới vẫn còn hạn chế. Điều này cũng khiến việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội học tập, nâng cao trình độ và thăng tiến của phụ nữ trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, lao động nữ tại các HTX được hưởng rất ít chế độ so với các khu vực khác, mặc dù luật đã quy định cụ thể, chi tiết các chính sách ưu tiên đối với lao động nữ, bao gồm tham gia bảo hiểm, thai sản, công việc nặng nhọc, độc hại, nghỉ lễ, Tết...

Tuy nhiên, với lực lượng phụ nữ chiếm 80% lực lượng lao động trong các HTX nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng điều lệ, nội quy, quy chế hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong điều hành, quản lý HTX, trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh và tham gia các hoạt động khác trong các HTX nông nghiệp [5]. Nhìn chung, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tranh thủ phối hợp với các sở, ngành tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã hỗ trợ nguồn lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Qua đó phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX trong khu vực.

2. Thuận lợi và khó khăn trong việc phát huy vai trò phụ nữ đối với phát triển HTX của các tỉnh miền núi Phía Bắc

2.1. Tiềm năng kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc

Các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm khu vực Tây Bắc và khu vực Đông Bắc với những tiềm năng về kinh tế khác nhau, cụ thể:

- Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như: Du lịch, dịch vụ và thương mại, khai khoáng, thủy điện... Trong đó, nguồn lực chính được các tỉnh Tây Bắc chú trọng quan tâm, chủ yếu dựa vào 2 lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy vậy, đến nay, các tỉnh Tây Bắc vẫn chưa tìm được cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, ngoài cây cao su đang gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su hạ thấp, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường thế giới, chưa có hướng đi bền vững và hiệu quả để phát triển mô hình kinh tế nông, lâm [2].

Tây Bắc có diện tích bằng 1/3 diện tích cả nước, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng có phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp. Thực tế hiện nay, quỹ đất phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ở một số tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên… còn tương đối nhiều. Tuy vậy, nguy cơ hoang hóa đất trồng của các tỉnh Tây Bắc nói chung và các tỉnh miền núi rất cao, một phần do địa hình hiểm trở, độ dốc cao, tỷ lệ che phủ rừng thấp, nên lượng mùn trên bề mặt đất bị rửa trôi, bào mòn theo chế độ mưa hàng năm, một phần do các tỉnh chưa có cơ chế, chính sách phục hóa đất trồng [2].

Các tỉnh Tây Bắc phần lớn phụ thuộc vào ngân sách phân bổ hàng năm, chưa thể tự cân đối. Cơ cấu chuyển dịch kinh tế còn chậm, hiệu quả thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế và chưa thu hút đầu tư. Một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình sức hút đầu tư kém do một phần địa hình phức tạp, giao thông cách trở. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, dẫn đến tỷ trọng đầu tư trong nước và nước ngoài còn rất thấp...

- Vùng Đông Bắc có diện tích tự nhiên xấp xỉ 3,4 triệu ha, tiếp giáp với Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Biển Đông và Trung Quốc. Đây là một vị trí hết sức thuận lợi trong việc đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các vùng và đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc. Đông Bắc tuy vẫn nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới nhưng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và khí hậu phân dị tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái cho phép phát triển thuận lợi nhiều loại cây trồng, vật nuôi đa dạng phong phú, trong đó có những loại đặc sản có giá trị cao.

Các vùng núi giáp biên giới ở Cao Bằng, Lạng Sơn và vùng giáp dãy núi Hoàng Liên Sơn có khí hậu thuận lợi phát triển trồng các cây thuốc quý (tam thất, đỗ trọng, hồi, thảo quả). Vùng đồi gò, bán sơn địa thích hợp trồng các loại cây ăn quả như nhãn, vải, bưởi, cam sành v.v...  Ngoài ra, đây còn là vùng chè lớn nhất cả nước, với các loại chè thơm ngon của Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ. Nông nghiệp Đông Bắc còn nổi tiếng với các loại đặc sản như hải sản Hạ Long, cam sành Hà Giang, cam sành Hàm Yên-Tuyên Quang, mận, mơ…[5]

Do cấu tạo địa hình, vùng Đông Bắc có nhiều cảnh đẹp như cao nguyên đá Đồng Văn, thác Bản Giốc, suối Lê Nin và nhiều khu rừng già nguyên sinh như khu rừng Tam Đảo v.v... thuận lợi cho phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, du lịch khám phá. Tài nguyên rừng phong phú cộng thêm việc các địa phương đã có chiến lược phát triển rừng bền vững đã phủ xanh rừng trống, đồi trọc và hàng năm cho khai thác hàng triệu mét khối gỗ. Vùng có các cửa khẩu lớn như Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn) và nhiều cửa khẩu nhỏ, chợ biên giới thuận lợi giao thương, xuất nhập khẩu nông sản và các nguyên vật liệu cho ngành nông nghiệp [5].

Nhìn chung, nhờ lợi thế khu vực Đông Bắc nằm trong khu vực tam giác kinh tế phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có sự thông thương với nước ngoài bằng cả đường biển và đất liền, là vùng có cơ sở hạ tầng tương đối tốt so với các khu vực miền núi Tây Bắc nên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế hơn so với các tỉnh vùng Tây Bắc.

2.2. Thuận lợi và khó khăn

Thuận lợi:

- Phát triển kinh tế HTX là một chủ trương lớn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc, sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế HTX.

- Các cấp Hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết, nội dung phong phú phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chị em phụ nữ. Từ đó, đã giúp chị em phụ nữ mạnh dạn hơn chuyển đổi mô hình từ kinh tế cá thể sang kinh tế tập thể.

- Số lượng HTX tại các tỉnh miền núi phía Bắc ngày càng tăng, đặc biệt là các HTX nông nghiệp, mà thực tế lao động trong các HTX nông nghiệp hơn 80% là nữ, chính vì vậy đã tạo nhiều điều kiện cho việc phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ trong quá trình hoạt động HTX.

Khó khăn:

- Trong quá trình hoạt động và chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX cả nước đang phải chịu những khó khăn do đặc thù vị trí địa lý, tập quán vùng miền cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là các HTX khu vực miền núi phía bắc.

- Phần lớn cán bộ, hội viên, phụ nữ tại các HTX các tỉnh miền núi phía Bắc còn hiểu rất mơ hồ về kinh tế HTX và vấn đề kinh tế thị trường nên chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình để chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế.

 - Do trình độ dân trí khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc còn thấp nên các HTX còn tư tưởng trông chờ, phụ thuộc vào Nhà nước cả trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều người dân chưa nhận ra quy luật “cung - cầu” của thị trường nên đổ hết trách nhiệm cho Nhà nước. Họ không mấy thiện cảm với “Thương lái” vì cho là giá cả thị trường là do thương lái quyết định mà chưa ghi nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, thương lái cũng như vai trò phụ nữ trong kinh tế HTX.

 - Kiến thức, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ ở các tổ hợp tác, HTX còn hạn chế, vì vậy chưa linh hoạt trong việc tạo điều kiện hoạt động cho các chị em phụ nữ trong HTX.

3. Giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX của các tỉnh miền núi Phía Bắc

3.1. Mục tiêu phát triển HTX của các tỉnh miền núi Phía Bắc

- Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 của các tỉnh miền núi phía Bắc là phát triển kinh tế tập thể, mà điển hình là phát triển mô hình HTX năng động, hiệu quả, bền vững. Đây thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước [2] .

- Phấn đấu tăng số lượng tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX, đồng thời khuyến khích thành lập, sáp nhập các HTX có quy mô nhỏ thành các HTX, Liên hiệp HTX có quy mô lớn để nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng mở rộng và nâng cao năng lực quản trị. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các tỉnh miền núi phía Bắc có khoảng 8.000 HTX, 60 Liên hiệp HTX với 4.000 thành viên thành viên HTX [3].

- Đẩy mạnh số HTX hoạt động hiệu quả đạt 70% trên tổng số HTX của khu vực miền núi phía Bắc. Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2030 cả nước có gần 100 nghìn HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản [3].

- Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 [3].

- Tiếp tục phát huy vai trò của các cán bộ, đoàn thể, hội liên hiệp phụ nữ, các ban, ngành trong việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động của HTX. Đặc biệt mở rộng và phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng [3].

3.2. Một số giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX của các tỉnh miền núi Phía Bắc

- Thứ nhất, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép một số dự án hỗ trợ thành lập thêm mô hình HTX và các tổ hợp tác do phụ nữ quản lý trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ vốn sản xuất nhằm tạo điều kiện để hỗ trợ phụ nữ phát triển nghề nghiệp.

- Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về lợi ích, sự cần thiết tham gia kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, kinh doanh mới đủ khả năng cho sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, thích ứng với kinh tế thị trường.

- Thứ ba, tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao năng lực hoạt động các tổ hợp tác để đủ tiềm lực nâng lên thành HTX kiểu mới. Vận động hội viên, phụ nữ xây dựng, phát triển mô hình kinh tế HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý hoặc phụ nữ tham gia quản lý.

- Thứ tư, tập trung củng cố nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tổ, HTX. Cụ thể, hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc cần phối hợp với Liên minh HTX tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực, kiến thức sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, Luật HTX; hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập các HTX, tổ hợp tác.

- Thứ năm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, HTX tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, định hướng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1]. https://vi.wikipedia.org/wiki/. Bách khoa toàn thư mở

[2]. https://nhandan.com.vn/

[3]. Liên minh HTX Việt Nam (2020), Báo cáo tình hình hoạt động HTX cả nước giai đoạn 2013-2020 và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025.

[4]. Quốc hội (2013), Luật HTX số 23/2012/QH13 ban hành ngày ngày 20 tháng 11 năm 2012.

[5]. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2020), Báo cáo phong trào phụ nữ các tỉnh miền núi phía Bắc.

[6]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Tình hình phát triển kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2018-2020.

[7].  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, NXB Thống kê.

 The current role of women in cooperative development in Vietnam’s northern mountainous provinces

Master. Le Minh Hien

Institute of Agriculture and Rural Development

ABSTRACT:

In order to promote the role of women in cooperative development, many women-led cooperative models have been implemented in northern mountainous provinces of Vietnam. This paper clarifies the current role of women in cooperative development and points out the advantages and disadvantages of women-led cooperative models. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to enhance the role of women in the development of cooperatives in Vietnam’s northern mountainous provinces.

Keywords: the role of women, developing cooperatives, northern mountainous provinces, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]